Tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời gần một tháng mới được công bố khiến cho người yêu nhạc Việt ngỡ ngàng không tin đó là sự thật.

Cung Tiến - Thiên tài âm nhạc Việt Nam đã về kiếp mơ xa

Lê Huỳnh Lâm | 05/06/2022, 19:00

Tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời gần một tháng mới được công bố khiến cho người yêu nhạc Việt ngỡ ngàng không tin đó là sự thật.

Không phổ thông như nhạc Trịnh Công Sơn, hay các dòng nhạc Bolero của một thời lay động nhiều thế hệ người nghe, nhạc Cung Tiến ở tần số lạ dành cho những tâm hồn hoài cổ, những giai điệu và ca từ ở cung bậc sang quý chỉ dành riêng cho một vài thế hệ “hồn muôn năm cũ”. Sau khi ông định cư ở Mỹ, một thời gian khá dài, các ca khúc của ông vắng mặt ở quê nhà với lý do kiểm duyệt. 

282856879_775807756918223_476155127868100050_n.jpg
Nhạc sĩ Cung Tiến - Ảnh: Tư liệu

Đến những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3, ca sĩ Camille Huyền (Việt kiều Thụy Sĩ) đã được cấp phép hát nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến ở Việt Nam, sau đó chị có ra album cho các ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến vào năm 2008 cùng với nhạc sĩ Walther Giger.

Hai bản nhạc đầu tiên thời niên thiếu của một tâm hồn nhạy cảm

Chưa kể đến giai điệu, chúng ta không thể nào hình dung một thiếu niên 14, 15 tuổi đã viết lời cho bài Hoài cảmThu vàng với những hình ảnh vượt ngoài sức tưởng tượng của những thế hệ cùng thời hoặc lớn hơn. Như những câu trong Hoài cảm:

Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người đâu ân tình cũ
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Hay trong Thu vàng:

Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái

Ca từ một số bản nhạc như một bức tranh phong cảnh lãng mạn quê nhà buồn man mác, bằng ngôn từ rất mới và sang quý kết hợp cùng giai điệu như chắp cánh nâng tâm hồn người thưởng thức vào cảnh giới thinh văn của nhạc sĩ.

Người ơi
Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa
Hồn có mơ xa
Người ơi
Đường xa lắm con đường về làng
Dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ
Hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu
(Hương xưa)

283421454_1467141743735469_4916450497339335642_n.jpg
Nhạc sĩ Cung Tiến và gia đình - Ảnh: Tư liệu 

Đặc biệt, trong ca khúc Hương xưa gợi lên nỗi nhớ nhung, mong chờ của tác giả. Có một số nhận định nói bản nhạc Hương xưa nhắc đến nhân vật Quỳnh Như, nhắc về mối tình của vừa lãng mạn và bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt - Nguyễn sơ của Việt Nam. Cả bài hát nhuốm một màu sắc nuối tiếc về những ngày yêu dấu cũ không thể tìm lại, vì đường về quê còn xa nên niềm mong ngóng đó thật mơ hồ như là một giấc mơ.

Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...
Ngập ngừng xa... suối thu dồn lá úa trôi qua
(Nguyệt cầm)

Tôn giáo trong âm nhạc Cung Tiến

Âm hưởng thánh ca, một số ca từ hướng đến hư vô, hồn, tái sinh và mơ về kiếp xa xôi… trong ca khúc của nhạc sĩ.

Ôi, những đêm dài
hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người

Hay:

Nay đời tan biến trong hư vô

Ngoài sáng tác, ông còn phổ thơ của các thi sĩ: Thôi Hiệu, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ…

Giai điệu phương Tây chuyển tải tự tình dân tộc

Trong hội họa, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương được học kỹ thuật hội họa phương Tây nhưng khi các họa sĩ thể hiện tác phẩm thì nội dung hầu hết là hồn dân tộc. Trong âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến cũng vậy, các giai điệu mang âm hưởng cổ điển phương Tây nhưng ca từ lại là những tự tình dân tộc.

Nghe Hương xưa của Cung Tiến qua tiếng hát Duy Trác:

Tiểu sử nhạc sĩ Cung Tiến: 

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh ngày 2.11.1938, tên thật là Cung Thúc Tiến. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cụ thân sinh của Cung Tiến là một nhà thơ, một nhà cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong gia đình Cung Tiến không có ai theo con đường âm nhạc, nhưng ông lại đam mê âm nhạc từ nhỏ. Cung Tiến bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.

cung_tin__qunh_giao_20110811_1504104643.jpg
Cung Tiến và Quỳnh Giao trong đêm nhạc Phạm Ðình Chương - Ảnh: Quỳnh Giao cung cấp

Ngay từ thời niên thiếu, Cung Tiến đã được học nhạc tại trường trung học Nguyễn Trãi khi còn ở Hà Nội. Năm 1952, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn và học các lớp ký âm, xướng âm do hai nhạc sư nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân hướng dẫn.

Đến năm 1957, Cung Tiến tiếp tục cho ra đời thêm một ca khúc để đời “Hương xưa”, đề tặng người bạn thân của ông là Khuất Duy Trác (danh ca Duy Trác), Duy Trác cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này. Ông tâm sự:

“Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương xưa”.

Sau khi học xong trung học, năm 1956, Cung Tiến nhận được học bổng sang Úc học về kinh tế. Từ giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, ông đi du học ở Úc. Ngoài học ngành kinh tế, trong thời gian rảnh, Cung Tiến đi học thêm âm nhạc như hoà âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm… tại Nhạc viện Sydney. Lúc ấy, ông mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc. Từ đó trở đi, Cung Tiến rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ. Ông cho rằng “vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song”, tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một đàn ghita hoặc một ban nhạc”.

Năm 1965, Cung Tiến kết hôn cùng với một người con gái Việt xuất thân từ trường nữ Marie Curie ở Sài Gòn, hai người quen biết nhau khi ông còn du học ở Úc.

Từ năm 1970 đến 1973, Cung Tiến được học bổng cao học của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế phát triển tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học và nhạc lý hiện đại. Cũng kể từ đó, phong cách sáng tác của Cung Tiến cũng thay đổi hẳn.

Sau 1975, khi đang ở hải ngoại, Cung Tiến cho ra đời nhạc tấu khúc “Chinh phụ ngâm” vào năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27.3.1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose và đã đạt được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quốc khánh năm 1988.

Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập “Ta Về”, thơ Tô Thuỳ Yên cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng.

Năm 1993, Cung Tiến đã soạn “Tổ khúc Bắc Ninh” cho dàn nhạc giao hưởng với sự tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác.

Năm 1997, với sự chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm trong âm nhạc của mình Cung Tiến đã được ca đoàn Dale Warland Singers đặt một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này.

Năm 2003, Cung Tiến ra mắt sáng tác nhạc đương đại “Lơ thơ tơ liễu buông mành” dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Đồng thời ông cũng là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Cung Tiến là một trong số những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng theo dòng nhạc tiền chiến. Ông được xem là nhạc sĩ trẻ tuổi nhất có sáng tác được phổ biến rộng với ca khúc “Hoài Cảm”, “Thu Vàng” khi chỉ mới 14 tuổi. Thật không thể tưởng tượng dù chỉ mới 14, 15 tuổi mà ông lại có một nỗi khắc khoải như thế, về nỗi nhớ, về cố nhân. Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Cung Tiến còn đóng góp rất nhiều khảo luận cũng như là những nhận định về nhạc dân gian Việt Nam và nhạc Hiện đại Tây Phương.

Trong văn học, Cung Tiến đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học hay như dịch thuật, cho các tạp chí: Sáng tạo, Quan điểm, Văn… vào những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương. Hai trong số các truyện ngắn mà ông đã dịch và xuất bản ở Việt Nam, đó là cuốn Hồi Ký viết dưới hầm của Dostoievsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục viết cho một số báo với bút danh Đăng Hoàng.

Bài liên quan
Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời
Nhạc sĩ Cung Tiến - tác giả của loạt tình khúc kinh điển Hương xưa, Hoài cảm... đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cung Tiến - Thiên tài âm nhạc Việt Nam đã về kiếp mơ xa