Công ty CP DHC Suối Đôi được Cục Quản lý đường bộ 3 cấp phép xây dựng cầu vượt dầm thép vắt qua quốc lộ 14G để kết nối các hạng mục của dự án Công viên suối nước khoáng nóng núi Thần Tài. Đáng nói là việc xây dựng hạng mục này vi phạm hành lang an toàn giao thông của tuyến quốc lộ.
Vi phạm hành lang an toàn giao thông
Dự án liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài do Công ty CP DHC Suối Đôi làm chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2016. Dự án này nằm haibên quốc lộ 14G thuộc địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Để đi từ bên này công viên qua bên kia công viên phải băng qua QL14G. Ngày 16.7.2018, bà Trần Thị Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP DHC Suối Đôi có đơn gửi Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) đề nghị cấp phép thi công cầu vượt bằng thép tại Km16+620, quốc lộ 14G thuộc địa phận xã Hòa Phú.
Ba ngày sau, Cục Quản lý đường bộ 3 đã cấp giấy phép thi công số 66/GPTC-CQLĐBIII cho phép Công ty CP DHC Suối Đôi xây dựng cầu vượt dầm thép tại vị trí nêu trên.
Quốc lộ 14G vốn nhỏ hẹp nay lại bị dự án cầu vượt lấn chiếm hành lang
Theo nội dung giấy phép, cầu vượt có tĩnh không 6,5m, vị trí từ tim đường quốc lộ 14G ra mỗi bên gần nhất của trụ cầu 6,23m. Cầu có tải trọng thiết kế 16,5 tấn, gồm 3 nhịp.
Đáng chú ý, trong giấy phép cũng ghi rõ kết cấu phần dưới của cầu có 3 trụ được xây ngay trong phạm vi đất của đường bộ.
Theo quan sát tại hiện trường, hiện tại chủ đầu tư đã thi công gần xong hạng mục cầu vượt này. Cùng với đó, chủ đầu tư đang cho máy móc san ủi đất đồi để làm các hạng mục khác của giai đoạn 2 dự án Công viên suối nước khoáng nóng Núi Thần Tài.
Dự án khu du lịch nằm sát haibên quốc lộ 14G
Ông Nguyễn Thanh Bình -Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 xác nhận đơn vị đã cấp phép xây dựng cầu vượt này. Ông cũng thừa nhậncầu vượt này đang thi công trên hành lang an toàn giao thông của quốc lộ 14G, tuy nhiên Cục vẫn cấp phép vì doanh nghiệp cam kết tự thay đổi quy mô, kết cấu của cầu vượt nếu sau này có dự án mở rộng quốc lộ 14G.
Theo ông Bình, trong đơn đề nghị cấp phép, Công ty CP DHC Suối Đôi đã cam kết khi ngành giao thông sửa chữa, cải tạo mở rộng nâng cấp quốc lộ 14G, nếu phải thay đổi quy mô thì doanh nghiệp sẽ đầu tư kinh phí thay đổi quy mô cầu vượt theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ và không đòi bồi thường.
Liên quan đến việc xây dựng 2 trụ cầu nằm ngay mép đường quốc lộ, ông Bình cho biết trong thiết kế của công trình sẽ cho làm lan can để chắn trụ cầu này lại nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Liên tục xử phạt vi phạm
Cũng trong thời gian qua, Cục Quản lý đường bộ 3 liên tục phát hiện các sai phạm của Công ty CP DHC Suối Đôi trong quá trình thi công các hạng mục tại dự án liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài.
Cục đã có ít nhất 4 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 100 triệu đồng đối vớicác hành vi vi phạm của Công ty CP DHC Suối Đôi.
Theo đó, vào tháng 11.2016, doanh nghiệp này bị phát hiện tự ý mở nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ 14G, vi phạm Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và bị phạt 35.000.000 đồng.
Quátrình xây dựng dự án mở rộng của DHC Suối Đôi bị xử phạt nhiều lần
Đặc biệt, Công ty DHC Suối Đôi liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện tổ chức thi công trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Cụ thể, tháng 6.2017, doanh nghiệp này bị phát hiện thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công, bị xử phạt 12.000.000 đồng.
Đến tháng 12.2018, Công ty CP DHC Suối Đôi tiếp tục lặp lại vi phạm này khi thi công trái phép trên đất thuộc phạm vi đường bộ, tại hạng mục cầu ngầm đôi và bị phạt 12.000.000 đồng.
Mới đây, ngày 10.1.2019, Cục Quản lý đường bộ 3 phát hiện Công ty DHC Suối Đôi thi công công trình trong phạm vi đất của đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công, làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ. Hành vi này tiếp tục bị xử phạt 12.000.000 đồng.
Trích Điều 43, Luật Giao thông đường bộ 2008:
Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.
Trích Điều 26, Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3.9.2013 của Chính phủ:
Việc xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng;
b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ.