Trong các kênh bán lẻ truyền thống, tiệm tạp hóa đang duy trì tăng trưởng khá ở mức 9%, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh ở mức 74% so với cùng kỳ năm 2012.

Cửa hàng tiện lợi khó thay tiệm tạp hóa

Một Thế Giới | 13/10/2013, 08:18

Trong các kênh bán lẻ truyền thống, tiệm tạp hóa đang duy trì tăng trưởng khá ở mức 9%, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh ở mức 74% so với cùng kỳ năm 2012.

           

Hiện nay tại thị trường bán lẻ Việt Nam, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Circle K, Shop&Go, B-Smart, Mini Stop, FamilyMart… đã xuất hiện và phát triển với tốc độ khá chóng mặt. Liệu về lâu dài, mô hình mua sắm hiện đại này có là mối đe dọa đối với tiệm tạp hóa hay là thách thức để mô hình truyền thống cải tiến hơn.

Xu hướng mới

Thời gian gần đây, các cửa hàng tiện ích xuất hiện ngày càng nhiều ở các vị trí trung tâm thành phố, trường học hay khu dân cư. Không gian sạch sẽ, mát mẻ, hàng hóa đa dạng và tiện dụng từ thực phẩm đến hoá mỹ phẩm được trưng bày ngăn nắp, nhân viên chào đón nhiệt tình. Có cửa hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu thưởng thức tại chỗ. Điều này tạo nên một phong cách mua sắm mới, nhất là đối với giới trẻ.

Hiện Co.opFood đã có 62 cửa hàng, SatraFood hơn 20 cửa hàng, Vissan có hơn 100 cửa hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm dạng cửa hàng tiện lợi.

Tuy thu hút khách nhờ những yếu tố trên nhưng giá cả lại là nguyên nhân lớn khiến cho người tiêu dùng ngần ngại mua sắm tại đây. So sánh cùng món hàng ở cửa hàng tiện ích so với ở chợ hay cửa hàng tạp hóa, giá có khi chênh lệch 5-10%.

Đại diện Shop&Go cho biết chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển dựa trên mức sống ngày càng cao của người dân thành thị (TP.HCM, Hà Nội), yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá, sự phục vụ, môi trường mua sắm thân thiện và thuận tiện  như vị trí cửa hàng thuận lợi, mở cửa 24/24. Đây là điều các cửa hàng tạp hóa chưa làm được. Riêng Shop&Go dự kiến đến tháng 11.2013 sẽ đạt 100 cửa hàng trên cả nước.

Theo ông Kigure Tahehiko, chủ tịch FamilyMart, thương hiệu vừa mở 6 cửa hàng, nói “đây chỉ là bước khởi đầu”. Dự kiến đến cuối năm nay, FamailyMart sẽ mở thêm 20 cửa hàng, trong năm 2014 thêm 50 cửa hàng và đến năm 2015 đạt 200-300 cửa hàng.

Nhưng có khó đe dọa?

Dù tự tin về khả năng phát triển của mình nhưng đại diện Shop&Go vẫn cho rằng lúc này cửa hàng tiện lợi chưa thật sự là mối nguy đối với các cửa hàng tạp hóa. Số lượng thì chênh lệch quá lớn, phần lớn thói quen người tiêu dùng chưa thay đổi hoàn toàn và đặc biệt là sự chênh lệch về giá cả.

Gía của cửa hàng tạp hóa thấp hơn vì chi phí vận hành thấp, trao đổi bằng tiền mặt. Trong dài hạn, các cửa hàng tạp hóa sẽ dần chuyển đổi hình thức trưng bày như nâng cấp trang thiết bị (máy tính tiền, tủ kệ…) nhằm giảm bớt khoảng cách sự khác biệt với cửa hàng tiện lợi.

tiem tap hoa van co suc song truoc su canh tranh cua cac cua hang tien loi. anh: internet

Tiệm tạp hóa vẫn có sức sống trước sự cạnh tranh của các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Internet

Ông Kigure từ FamilyMart cho biết FamilyMart hỗ trợ công nghệ vận hành  để các tiệm tạp hóa không bị mất đi mà sẽ sinh lợi và phát triển khá hơn. Theo đó, Familymart sẽ kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu, tiếp xúc với chủ các cửa hàng tạp hóa, giống như hợp tác để hiện đại hóa, quy cũ hơn quy trình vận hành.

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, sáng lập viên Công ty Pizza Home, cho rằng xét về mặt thương hiệu, cách bài trí, dịch vụ, độ tin tưởng… thì các cửa hàng tiện lợi đều có ưu thế nổi trội hơn so với mô hình tiệm tạp hóa.

Nhưng tiệm tạp hóa liên quan đến văn hóa tiêu dùng và không dễ thay đổi một sớm một chiều. Vì thế, thị trường của các tiệm tạp hóa không thể bị thu hẹp lập tức khi xuất hiện các cửa hàng tiện lợi.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, ông Hoàng Tùng lại cho rằng cửa hàng tiện ích là một xu hướng tiêu dùng tiên tiến và rõ ràng đó là một mối đe dọa đối với các tiệm tạp hóa.

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cũng khẳng định “chắc chắn là đe dọa” vì hai loại hình này đều nhằm vào cùng phân khúc khách hàng mục tiêu riêng. Nghĩa là những người chỉ tạt vào mua các mặt hàng thiết yếu phát sinh mà không trù liệu trước. Sự sắp xếp ngăn nắp, quản lý rạch ròi, tính tiền bằng máy, bộ máy vận hành chuyên nghiệp… sẽ tạo sự thích thú, tiện lợi cho khách hàng khi đến mua sắm.

Thế nhưng nhược điểm duy nhất vẫn là mức giá bán cao hơn ở tiệm tạp hoá. Nên những ai quan tâm đến sự tiện nghi trong mua sắm thì chọn cửa hàng tiện lợi, những ai quan tâm về giá thì chọn tiệm tạp hóa.

Về lâu dài, xu hướng tiệm tạp hóa sẽ thu hẹp dần khi người dân có cuộc sống khá hơn, lúc đó vấn đề chất lượng đặt lên hàng đầu.

Đối với đặc thù kinh tế Việt Nam hai mô hình này sẽ tồn tại song song. Khoảng 10 năm nữa khi có sự dịch chuyển nhanh mua sắm hiện đại chủ yếu ở đô thị trước thì lúc đó mới là mối đe dọa tiệm tạp hóa.

Thảo Nguyên

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cửa hàng tiện lợi khó thay tiệm tạp hóa