Mặt hàng cua ghẹ không chỉ thu hút người tiêu dùng trong nước mà còn khách quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
Hai tháng đầu năm nay, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đều tăng đột phá nhập khẩu cua sống từ Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ sống của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 11,3 triệu USD.
Xuất khẩu cua bùn sống (cua xanh) và ghẹ sống sang Hồng Kông đã tăng gấp 2,2 lần đạt trên 1,6 triệu USD trong 2 tháng qua, chiếm 14% tổng xuất khẩu cua ghẹ sống của Việt Nam.
Trung Quốc lục địa là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm cua ghẹ sống của Việt Nam, chiếm 82% giá trị xuất khẩu đi các thị trường, với kim ngạch tăng mạnh nhất, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 9,2 tỉ USD, chủ yếu là cua bùn sống.
Mặc dù kim ngạch còn "khiêm tốn" nhưng Singapore cũng có nhu cầu nhập khẩu cua sống của Việt Nam tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hồng Kông.
Riêng trong tháng 2, xuất khẩu cua sống của Việt Nam đạt gần 10 triệu USD, có thể do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và các nước châu Á nên nhu cầu sản phẩm sống tăng.
Hai tháng đầu năm nay, tổng nhập khẩu cua ghẹ và các loài giáp xác khác của Việt Nam đạt 33,7 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cua đạt 24,6 triệu USD, tăng gấp 2 lần, xuất khẩu ghẹ đạt 8,8 triệu USD, tăng 53%, còn lại là các loài giáp xác khác. Riêng sản phẩm cua ghẹ sống xuất khẩu đã chiếm 1/3 giá trị với 11,3 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu cua ghẹ đông lạnh, cua ghẹ chế biến như cua đồng xay, ghẹ thanh trùng đóng lon, đùi ghẹ, thịt cua tuyết, thịt chân cua tuyết... sang các thị trường điển hình như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Cuối năm 2023, các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam đã xuất khẩu sang 32 thị trường trên thế giới. Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng bị hạn chế, nên thị trường xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam bị thu hẹp hơn so với cùng kỳ.