Hơn ba mươi năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, người dân sống trong hẻm 205, đường Âu Cơ, phường 5, quận 11, TP.HCM đã quá quen thuộc với hình ảnh ông cụ gầy gò hằng ngày cầm cây chổi tre cần mẫn quét dọn sạch sẽ mọi ngóc ngách của con hẻm đầy rác và mảnh thủy tinh mà không hề đòi bất cứ một khoản thù lao nào.
Gần nửa đời quét rác
Chúng tôi bắt gặp ông Thái Thành (75 tuổi) trong một buổi trưa nắng gắt của Sài Gòn, với vóc người nhỏ thó, gầy gò cùng tấm lưng còng, tay cầm chổi miệt mài quét sạch con hẻm nơi mà ông đã sống gần trọn đời mình. Nghe tiếng chào của tôi, ông giật mình nhìn lên, tưởng rằng có người hỏi thăm đường, ông nhanh nhẹn đi lại tiệm Internet gần ngay đó, nói mấy câu tiếng Hoa với bà chủ tiệm để nhờ giúp đỡ chỉ đường cho người khách lạ.
Ông Thành vốn người Hoa, nói tiếng Việt không rành nên cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn và ngắt quãng bằng các câu “già cả rồi”, “không biết nói gì đâu”, “đợi lát cô về”... Cô ở đây là bà Cam Thức Dung (50 tuổi) tổ trưởng khu phố, người biết rõ mọi ngọn ngành về ông Thành.
Bà Dung cho biết, ông Thành sinh ra và lớn lên ngay trong con hẻm ông đang quét rác hằng ngày. Ở hẻm này, đa số là bà con người Hoa sinh sống. Cả xóm chỉ có một vài hộ người Việt nhưng cũng nói tiếng Hoa. “Người Việt nói tiếng Hoa là bảo đảm tụi cháu không biết luôn, giống y như người Hoa vậy. Vì thế nên ông Thành nói tiếng Việt không rành”.
|
Bất kể nắng hay mưa hằng ngày ông Thành cũng cần mẫn với công việc của mình |
Thời trai trẻ ông Thành làm công cho một vựa ve chai của người Hoa. Sau đó chuyển qua làm ở cơ sở sản xuất thủy tinh. Qua một thời gian, cơ sở nơi ông làm việc cũng giải thể, ông chuyển sang thu mua đồ phế liệu mưu sinh qua ngày. Cũng chính từ đó ông bắt đầu với công việc quét rác trong con hẻm.
Chuyển chỗ ở những vẫn quét rác
Mặc dù hiện nay ông Thành đã chuyển chỗ ở sang chung cư Lạc Long Quân nhưng hằng ngày ông vẫn quay trở lại con hẻm năm xưa mình sinh sống để quét rác. Nhiều người là hàng xóm cũ nhìn thấy ông với chiếc lưng còng lom khom quét quét, đổ đổ giữa trời trưa nắng mà không khỏi xúc động.
Mỗi ngày, cứ vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng, ông Thành lại cầm chổi đi quét rác khắp con hẻm quanh co. Làm việc đến chừng 7 giờ thì ông đi kéo xe, đẩy hàng, hoặc ai kêu gì thì làm nấy. Xong việc ông lại tiếp tục cầm chổi đi quét một lượt khắp xóm cho đến tận 10 giờ tối lúc mọi người chìm dần vào giấc ngủ, ông mới lặng lẽ ra về.
Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, chưa bao giờ người dân trong hẻm thấy vắng bóng dáng nhỏ bé của ông già quét rác. Điều lạ là ông không bao giờ mặc áo khi làm việc, cứ tấm lưng trần như vậy bất kể thời tiết. Có hôm mưa lớn người ta cũng chỉ thấy ông trùm cái túi ni lông lên đầu đi móc rác ở dưới các ống cống để cho nước không bị ngập.
|
Nhờ ông Thành mà con hẻm của người dân sạch bong không có một cọng rác |
Khi chúng tôi thắc mắc sao ông không mặc áo cho đỡ nắng, ông Thành cười hiền nói: “Tui quét đó giờ không có mặc áo quen rồi, giờ bắt tui mặc khó chịu lắm, không có quét được”.
Bà Nguyễn Thị Phúc (60 tuổi) sống tại khu vực cho hay: "Tôi về đây ở là đã thấy ông Thành làm công việc này rồi, ngày nào ông cũng cần mẫn quét rác đúng giờ giúp cho con hẻm của cả khu dân cư luôn sạch đẹp. Đợt nào ông mà bị bệnh là cả con hẻm như một bãi rác. Việc của ông rất ý nghĩa và đáng trân trọng nên người dân sống ở đây rất yêu mến ông".
"Quét đường cho sạch sẽ, mệt thì nghỉ một chút, xong lại ra quét tiếp. Người ta cho tiền thì lấy, không cho thì thôi, không có đòi hỏi gì hết". Trò chuyện được một lúc ông quay qua hỏi tôi: "Còn hỏi nữa không, không hỏi già đi quét nữa à". Tôi chưa kịp trả lời, ông Thành đã xách cây chổi đi ra đầu hẻm tiếp tục công việc quét rác hằng ngày của mình.
|
Ông Thành móm mém cười vui vẻ nói: "Còn sức còn làm, già rồi góp được chút sức nào cho đời là cảm thấy vui rồi". |
Mấy chục năm quét rác, ông Thành đã trở thành một phần không thể thiếu đối với con hẻm nhỏ này cũng như những người dân sống ở đây. Chính vì vậy nên có món gì ngon người ta đều biếu ông, nhà nào có chai lọ nhựa không dùng nữa cũng "quyên góp" để ông có tiền trang trải cuộc sống. Một quán cơm ở đó cho ông ăn miễn phí bữa trưa mỗi ngày. Còn "bữa tối thì mua cơm bình dân ăn, có 10 ngàn, 20 ngàn à", ông Thành móm mém cười nói.
Khi hỏi về việc sẽ tiếp tục quét rác bao lâu nữa, ông Thành nói: "Còn sức còn làm, già rồi góp được chút sức nào cho đời là mình cảm thấy vui rồi.
Trong cái xô bồ, ồn ã của thành phố phát triển bậc nhất cả nước, có những con người vẫn lặng lẽ ngày ngày làm việc thiện như ông Thành. Chẳng cần những huy chương, những bằng khen, nghĩa cử của ông rất đáng quý và được nhiều người trân trọng.
Lê Quyết