Sáng 16.9, tại Hà Nội, Trung ương đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (1889 - 2019).

Cụ Bùi Bằng Đoàn, chí sĩ hết lòng vì dân vì nước

TTXVN | 16/09/2019, 13:49

Sáng 16.9, tại Hà Nội, Trung ương đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (1889 - 2019).

Dự lễ kỷ niệm có: nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh;Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An,Nguyễn Sinh Hùng; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam...

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnhcụ Bùi Bằng Đoàn (19.9 1889 - 2019), nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (tứcChủ tịch Quốc hội)là chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Hà Nội.

Một chí sĩ yêu nước nhiệt thành

CụBùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần vương kháng Pháp thất bại; các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc.

“Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của triều đình nhà Nguyễn, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “liêm chính” của một bậc danh nho chân chính.

Đối với nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, Cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ là người đã đề xuất và tổ chức đắp đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc…

Sau Cách mạng tháng 8, Vua Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập trong điều kiện cách mạng gặp muôn vàn khó khăn bởi sự chống phá của thù tronggiặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ.

Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ, tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc, chức vụ quan trọng. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14.11.1945.

Trong những ngày đầu thành lập, chính quyền cách mạng hoạt động còn nhiều bỡ ngỡ, khiếm khuyết. Để bộ máy chính quyền nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt là tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay.Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt, trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn được cử là Trưởng ban để đảm bảo sự lãnh đạo thực hiện của cơ quan có chức năng, quyền hạn rất lớn trong Chính phủ. Đó là sự lựa chọn thể hiện tầm nhìn sáng suốt và sự tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cụ Bùi Bằng Đoàn, đồng thời thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật trọng dụng nhân tài của cụ Hồtrong việc huy động nhân sĩ, trí thức tham gia công cuộc kiến thiết đất nước.

Nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ

Vào tháng 1.1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11 năm đó, cụ được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban thường trực Quốc hội, thay cụ Nguyễn Văn Tố nhận nhiệm vụ mới.

Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban thường trực Quốc hội - người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.

Trong diễn văn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, vào thời điểm đó, cụ và Ban Thường trực Quốc hội đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến, nên dù không thể tổ chức các kỳ họp thường xuyên, nhưng đại biểu quốc hội với tư cách là đại diện của nhân dân đã kết nối, động viên quần chúng nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Mặt khác, nhằm huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, cụ đã có nhiều cuộc kinh lý đến tận các địa phương để thăm hỏi nhân dân, gửi thư thăm hỏi đồng bào.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11.1946”. Lời tuyên bố đanh thép của cụ đã đánh vàoâm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trong những ngày kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện những chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân để góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cụ đã tham gia Ban Vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (LiênViệt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng.

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh nặng. Được tin cụ ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đưa cụ vào vùng tự do Thanh Hóa để yên tâm chữa bệnh. Trong thời gian chữa bệnh, tuy xa Trung ương, xa Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng qua thư từ, liên lạc, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn thường xuyên được Hồ Chủ tịchthăm hỏi, động viên và bàn luận về những vấn đề quốc sự. Đáp lại, cụ Bùi cũng thường xuyên gửi thư góp ý cho Trung ương, cho Chính phủ và luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Hà Nội được giải phóng, cụ Bùi Bằng Đoàn được Trung ương đón về ở tại nhà số 10Trần Hưng Đạo, gần Bệnh viện Quân đội 108 để tiện chữa bệnh. Từ khi cụ Bùi chuyển về Hà Nội, Bác Hồ thường xuyên đến thăm cụ.

Ngày 13.4.1955, Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn từ trần. Cụ đi xa, nhưng tấm gương yêu nước, thương dân, tận tụy với công việc và sự liêm khiết, chính trực của cụ cùng với những cống hiến to lớn mà cụ đã để lại cho Quốc hội, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sẽ mãi được khắc ghi.

Tấm gương tiêu biểu hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “Dĩ công vi thượng”, cụ Bùi Bằng Đoàn - một vị quan thượng thư trong bộ máy của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng. Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nướcvì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các đại biểu quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Theo TTXVN/Tin tức
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cụ Bùi Bằng Đoàn, chí sĩ hết lòng vì dân vì nước