Nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc đã chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch coronavirus gây ra tại Trung Quốc.

Coronavirus làm xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chững lại

30/01/2020, 18:35

Nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc đã chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch coronavirus gây ra tại Trung Quốc.

Hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona diễn biến rất phức tạp - Ảnh: Internet

Trong những ngày qua, bệnh dịch viêm phổi do coronavirus gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này tăng lên nhanh chóng.

Trước tình hình đó liên quan đến việc xuất nhập khẩu sang Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hiện đang theo dõi sát sao tình hình bệnh dịch viêm phổi do vi rút gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu.

"​Trước mắt, chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch này có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Thông tin từ Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, Cục Xuất nhập khẩu được biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn thị Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8.2.2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mở cửa vào ngày 3.2.2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.

​Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.

​"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra.

Cần phối hợp với các cơ quan chức năng dừng thực hiện làm thủ tục hải quan đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh qua các lối mòn, lối mở với Trung Quốc và không thực hiện thủ tục hải quan đối với các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và các chuyến bày từ vùng có dịch đến Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 4 và điểm 5 chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28.1.2020.

Đối với mặt hàng động vật và thực phẩm chế biến từ động vật nhập khẩu từ Trung Quốc phải được kiểm soát chặt chẽ ngay tại cửa khẩu, cơ quan hải quan chỉ thông quan hàng hóa sau khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm tra xác nhận đạt điều kiện nhập khẩu.

Cần phối hợp với cơ quan kiểm tra y tế biên giới tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách, hành lý đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về việc đã ghi nhận những trường hợp nhiễm coronavirus. Trường hợp phát hiện hoặc có nghi ngờ nhiễm bệnh thì bàn giao cho cơ quan y tế để xử lý theo quy định.

Bộ trưởng Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan trang bị dụng cụ, phương tiện để phục vụ cho cán bộ, công chức hải quan cửa khẩu đảm bảo an toàn trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc vận chuyển trái phép động vật hoang dã, hàng hóa qua biên giới; tạo điều kiện, thông quan nhanh chóng hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, dược phẩm phục vụ cho việc phòng chống, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra.

Về kinh phí liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, chỉ thị nêu rõ Vụ Hành chính sự nghiêp, Vụ Ngân sách nhà nước và các đơn vị liên quan căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23.1.2020 Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28.1.2020 hướng dẫn bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ chuẩn bị hàng dự trữ quốc gia để cấp cho các bộ, ngành, địa phương có dịch khi có yêu cầu.

Hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus diễn biến rất phức tạp, tính đến ngày 28.1 vừa qua, ngoài Trung Quốc, nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp nhiễm vi rút, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam, Ả Rập Xê út, Singapore, Campuchia, Sri Lanka, Đức, Mỹ, Pháp, Úc với 170 người chết và hơn 4.000 ca nhiễm vi rút. Những trường hợp nhiễm vi rút chủ yếu là người Trung Quốc hoặc nhập cảnh từ Trung Quốc vào các quốc gia khác.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coronavirus làm xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chững lại