Sau khi đại gia thủy sản Phan Bá Tòng bị bắt, tổ công tác do UBND TP Cần Thơ lập để giải quyết vụ việc của công ty Thiên Mã đã xác định công ty còn nợ như trên.

Công ty của đại gia 'Tòng Thiên Mã' Cần Thơ nợ 891 tỉ

Tuổi Trẻ | 24/05/2016, 06:04

Sau khi đại gia thủy sản Phan Bá Tòng bị bắt, tổ công tác do UBND TP Cần Thơ lập để giải quyết vụ việc của công ty Thiên Mã đã xác định công ty còn nợ như trên.

Ngày 23.5, ông Võ Thanh Hùng - trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tổ trưởng tổ công tác do UBND TP Cần Thơ lập tại Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã (công ty Thiên Mã) cho biết số nợ đến ngày 20-5 của công ty này là 891 tỉ đồng, trong đó lãi vay ngân hàng là 383 tỉ.

Tổng nợ của công ty đối với các tổ chức tín dụng là 516 tỉ đồng; nợ 98 nhà cung cấp vật tư 95 tỉ đồng; nợ 28 hộ bán cá 16,6 tỉ đồng; nợ cá nhân 5,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty Thiên Mã do ông Phan Bá Tòng (còn gọi là Tòng Thiên Mã) làm giám đốc còn nợ thuế 11 tỉ đồng, nợ lương công nhân 1,6 tỉ đồng...

Trả nợ lương, giải quyết việc làm cho 400 công nhân

Ông Hùng, cho biết sau khi “Tòng Thiên Mã” bị bắt, UBND TP Cần Thơ đã thành lập tổ công tác với nhiệm vụ tránh bất ổn xảy ra tại công ty. Bởi trước đó có trường hợp giám đốc công ty thủy sản bị bắt, chủ nợ đến xiết tài sản, công nhân đòi lương,...

Do đó, mục tiêu ưu tiên của tổ công tác là giải quyết nợ lương cho công nhân. Rà soát tài khoản do “Tòng Thiên Mã” đứng tên tại ngân hàng thấy còn 350 triệu đồng và 27.000USD, tuy nhiên ngân hàng mới cho tổ công tác rút khoản 350 triệu để giải quyết nợ lương công nhân.

“Còn 27.000USD do giấy ủy quyền hết hạn nên chưa rút ra được. Tổ công tác cũng đã đề nghị Bộ Công an cho ủy quyền để rút số tiền còn lại, tiếp tục trả lương công nhân”- ông Hùng nói.

Hiện còn 400 công nhân đang làm việc cho Công ty Thiên Mã, chủ yếu là gia công và hưởng lương theo tuần. Tuy nhiên theo ông Hùng nếu tiếp tục làm gia công, công ty Thiên Mã sẽ tiếp tục lún nợ.

Tổ công tác cũng đã làm việc với các công ty thủy sản khác trong khu công nghiệp Trà Nóc và họ sẵn sàng nhận hết 400 công nhân nếu Công ty Thiên Mã phá sản.

Khả năng tuyên bố phá sản công ty Thiên Mã

Theo ông Hùng, tình trạng của Công ty Thiên Mã không thể cứu vãn, tài sản còn lại theo công ty là 180 tỉ đồng tuy nhiên các ngân hàng định giá vào khoảng 110 tỉ đồng.

Lý giải chuyện gần đây nhiều doanh nghiệp thủy sản làm ăn thua lỗ, nợ nần... ông Hùng cho rằng sai lầm của doanh nghiệp là vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung hạn.

Dẫn chứng việc này, ông Hùng cho biết Công ty Thiên Mã không chỉ kinh doanh thủy sản mà còn đầu tư bất động sản. Nhà đất đóng băng, phải tìm nhiều cách để vay nợ trong khi lãi suất quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi dẫn đến nợ nần, thua lỗ.

“Đến thời điểm này, coi như nhiệm vụ của tổ công tác đã xong. Tiếp theo UBND TP nên chỉ đạo công ty cho thuê lại nhà máy. Các tổ chức tín dụng cũng ngồi lại để tính toán nợ, nếu được thì tái cấu trúc không được thì tuyên bố phá sản công ty”- ông Hùng đề xuất.

Lê Dân/Tuổi Trẻ

Ảnh: Hiện chỉ còn 400 công nhân làm việc cho Công ty Thiên Mã, chủ yếu gia công cho doanh nghiệp khác

Bài liên quan
‘Mozart viết mã’ 7 tuổi được công ty Nga tuyển dụng
Đài BBC đưa tin một công ty công nghệ Nga mời thần đồng viết mã Sergey tham gia đội ngũ quản lý ngay khi cậu đủ tuổi để nhận việc làm có lương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty của đại gia 'Tòng Thiên Mã' Cần Thơ nợ 891 tỉ