Thăm dò của báo Yomiuri Shimbun cho biết gần 40% số nhân viên của 7 công ty điện hạt nhân (ĐHN) ở Nhật không có kinh nghiệm tái khởi động lò phản ứng hạt nhân.

Công nhân điện lực Nhật Bản không có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân

Bảo Vĩnh | 19/09/2022, 19:40

Thăm dò của báo Yomiuri Shimbun cho biết gần 40% số nhân viên của 7 công ty điện hạt nhân (ĐHN) ở Nhật không có kinh nghiệm tái khởi động lò phản ứng hạt nhân.

Vì quy trình tái khởi động lò phản ứng diễn ra chậm, các công ty này phải tìm cách duy trì chuyên môn của nhân công, bằng cách đưa họ đến các nhà máy ĐHN và nhà máy nhiệt điện của các công ty khác.

Thực tập vận hành lò phản ứng hạt nhân trên máy mô phỏng

Lò phản ứng số 2 của nhà máy ĐHN Shimane (Công ty điện lực Chugoku) hiện đang ngưng hoạt động để Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản (NRA) kiểm tra độ an toàn. Khâu kiểm tra này phải mất khoảng 7 năm 8 tháng mới hoàn tất, theo Yomiuri Shimbun ngày 18.9.

Nhà máy ĐHN Shimane đã ngưng hoạt động hơn 10 năm nay, nên 41/107 nhân công vận hành (tương đương 38%) không có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng. Vì thế, Công ty điện lực Chugoku bắt đầu huấn luyện nhóm nhân công trên trong năm tài khóa 2022. Công ty nhờ cựu nhân viên Hisashi Makino (65 tuổi) có hơn 30 năm kinh nghiệm làm người hướng dẫn.

Tại nhà máy ĐHN Shimane của công ty có một máy mô phỏng dựa theo phòng kiểm soát trung tâm lò phản ứng số 2. Makino đã hướng dẫn Sho Ogawa (27 tuổi) khởi động một lò phản ứng hạt nhân qua máy mô phỏng. Ogawa là nhân công của nhà máy từ năm 2013 nên anh không có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng.

Ogawa thực hiện một thao tác bật công tắc, như thể nhiệt lượng phát từ lò phản ứng đã làm quay một turbin sẽ tạo nên điện năng. Sau đó, hai "thầy trò" kiểm tra quy trình khởi động, xác định những sai sót. Ogawa rất muốn tham gia công tác tái khởi động nhà máy ĐHN Shimane một cách thực tiễn, nên anh nỗ lực thực tập thay vì chỉ đọc các hướng dẫn.

Ngoài việc điều hành ở phòng kiểm soát trung tâm, nhân công còn phải đi kiểm tra ở điểm xây lò phản ứng. Ông Makino nói: “Người vận hành phải có kinh nghiệm thực tiễn để có thể lập tức phát hiện các bất thường”.

Ông Makino cho biết khi lò phản ứng hoạt động, điều quan trọng là người vận hành phải rèn luyện các giác quan thay vì cứ dựa vào các thiết bị, và phát hiện các bất thường từ nhiệt độ trong hệ thống bơm cùng âm thanh của lò.

7 công ty có nhân công chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy ĐHN

Hiện tại, chỉ có các Công ty điện lực Kansai, Kyushu và Shikoku có khả năng tái hoạt động vài lò phản ứng hạt nhân.

Hồi tháng 8, Yomiuri Shimbun đã khảo sát các công ty điện lực, phát hiện 7 công ty đã đặt lò phản ứng hạt nhân của họ vào quy trình kiểm tra của NRA. Đó là các công ty Hokkaido, Tohoku, Japan Atomic Power, Chubu, Hokuriku, Chugoku và nhất là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị sở hữu nhà máy ĐHN Fukushima số 1. Nhà máy này từng xảy ra tai nạn rò rỉ phóng xạ tiếp sau vụ động đất - sóng thần ngày 11.3.2011.

Các nhà máy ĐHN của nhóm 7 này chưa tái khởi động lò phản ứng, nên tổng cộng 420 nhân công chưa bao giờ vận hành một nhà máy ĐHN. Hokkaido Electric có tới 80/170 nhân công không có kinh nghiệm này.

Tờ báo Nhật còn nêu phải mất 10 năm đào tạo để một nhân công trở thành một nhà vận hành nhà máy ĐHN giỏi. Duy trì và phát triển kỹ năng hoạt động là một vấn nạn lớn của tất cả các công ty này.

Theo thăm dò, 7 công ty trên đều dùng máy mô phỏng hoặc cử nhân viên đi học ở các công ty nay đã mở lại hoạt động nhà máy ĐHN. Vì các kiểu lò phản ứng đang hoạt động có thể khác nhau, các công ty xem việc huấn luyện không phải là để cải thiện kỹ năng, mà là trải nghiệm thực tiễn các hoạt động của thiết bị.

japan-inspect-nmd-shika.jpg
Nhân viên NRA kiểm tra đường đứt gãy của nhà máy ĐHT Shika - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Ngành ĐHN ít người theo học, cần có học bổng để thu hút sinh viên

Ngoại trừ Japan Atomic Power, các công ty cũng cử người đến các nhà máy nhiệt điện vốn có nhiều cấu trúc tương tự các nhà máy ĐHN. Nhưng khác biệt chính yếu đó là người học việc không được xử lý các thanh hạt nhân.

Tadashi Narabayashi, một giáo sư của Viện Công nghệ Tokyo chuyên về thiết kế lò phản ứng, nói: “Một khi khởi động lại hoạt động của lò phản ứng, tất cả những người có trách nhiệm vận hành tại chỗ cần có thể nhận ra những bất thường và cảnh giác các nguy cơ tiềm năng”.

Ngành điện hạt nhân Nhật hiện tiếp tục thiếu nguồn nhân lực sẵn sàng chịu trách nhiệm ở các nhà máy ĐHN trong tương lai. Theo Công ty Japan Atomic Industrial Forum, số sinh viên đại học tham gia các khóa học nghề liên quan ĐHN trong năm học 2021 chỉ là 380 người, so với năm 2010 có 1.903 người.

Một quan chức cho biết ngành ĐHN khó tuyển sinh vì thiếu môi trường thực tập, tỷ lệ sinh con thấp ở Nhật, và nhất là vì các nhà máy ĐHN mang tiếng xấu vì tai nạn ở nhà máy ĐHN Fukushima năm 2011.

Giáo sư Tatsujiro Suzuki của Đại học Nagasaki và chuyên về chính sách năng lượng hạt nhân, nói: “Công tác bảo trì là cần thiết để bảo trì và điều hành an toàn các nhà máy ĐHN. Sự thiếu nguồn nhân lực có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các nhà máy này. Chính phủ, các công ty điện lực và các công ty có liên quan ĐHN nên cấp học bổng để sinh viên có thể theo học và có cơ hội làm việc ở vai trò tập sự”.

Tiêu chuẩn an toàn đang làm chậm nỗ lực mở lại các lò phản ứng

Ngoài việc nhân công thiếu kinh nghiệm, việc các lò phản ứng chưa tái hoạt động do quá trình kiểm tra lâu dài và nghiêm ngặt của NRA, nơi vừa kỷ niệm 10 năm hoạt động kể từ khi được lập ngày 19.9.2012.

NRA được lập để đúc kết các bài học từ tai nạn Fukushima năm 2011. Để khôi phục niềm tin của người dân sau tai nạn nói trên, NRA nay là một bộ phận vệ tinh của Bộ Môi trường. Theo Điều khoản 3 của Luật Tổ chức Chính phủ Nhật, NRA độc lập trong việc quản lý nhân sự và ngân sách.

NRA có 5 ủy viên và năm 2013 cơ quan này đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn vận hành hạt nhân mới và được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới, nhằm củng cố các biện pháp phòng chống thiên tai, tai nạn nghiêm trọng như lõi lò phản ứng bị nóng chảy, vệt đứt gãy gần nơi xây nhà máy ĐHN.

NRA buộc các nhà máy ĐHN từng được công nhận độ an toàn trước đây phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất. Trong 10 năm qua, các công ty điện lực đã đăng ký kiểm tra độ an toàn của 27 lò phản ứng. Nhưng chỉ có 17 lò được công nhận an toàn và chỉ 10 lò được phép tái hoạt động.

Một lý do khiến kéo dài quy trình kiểm tra độ an toàn, là sự thiếu liên lạc giữa NRA với các công ty điện lực. Vì thế, NRA ngày 7.9 đã quyết định xem xét lại cách tổ chức kiểm tra độ an toàn nhằm tăng hiệu quả kiểm tra.

Bài liên quan
Công ty Mỹ, Pháp cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân của CH Czech
Khi ký thỏa thuận này với hai công ty phương Tây, Cộng hòa Czech giảm được sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập từ Nga, theo AP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân điện lực Nhật Bản không có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân