Chiều 17.6, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk công bố kết luận cuối cùng về việc xác minh làm rõ nguyên nhân việc bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (SN 2000, trú tại thôn 3, xã Ea B’Hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) phải cưa chân sau quá trình điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin.
Theo kết luận của Sở Y tế, trong quá trình bệnh nhân Lê Thị Hà Vi nằm điều trị thì Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin để xảy ra nhiều thiếu sót, trình độ chuyên môn của các bác sĩ hạn chế. Ngoài ra lãnh đạo của bệnh viện phân công người không đúng chuyên môn dẫn đến bệnh nhân Hà Vi phải cưa mất một chân, cụ thể:
Sau khi được nhập viện, hồ sơ ghi chép của bệnh nhân Hà Vi chưa đầy đủ, tỉ mỉ các dấu hiệu khám lâm sàng. Đối với lần hội chẩn thứ 1 vào ngày 7.3.2016, nội dung hội chẩn không đầy đủ, không ghi nhận thời gian cuộc hội chẩn và không ghi tên phẫu thuật viên trong biên bản hội chẩn. Các thành viên tham gia hội chẩn không nhận định được tình trạng diễn biến của bệnh.
Đến 8 giờ ngày 8.3.2016, bệnh nhân được cắt bó bột đưa lên phòng mổ thì bác sĩ phẫu thuật thấy chân phải sưng căng đau, nổi nhiều phổng nước nên hoãn mổ và đưa bệnh nhân về lại khoa Ngoại để tiếp tục theo dõi, điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân không được theo dõi liên tục các dấu hiệu chèn ép khoang trong thời gian sau đó. Các bác sĩ trực tiếp điều trị chưa ý thức cảnh giác phòng, chống hội chứng chèn ép khoang cấp tính. Dó đó, bệnh nhân chưa được thăm khám các nội dung phù hợp với bệnh cảnh hiện tại.
Bác sĩ Y Tâm là người trực tiếp điều trị chỉ định bó bột ban đầu là không đúng chuyên môn và cũng là bác sĩ điều trị nhưng không theo dõi diễn biến của bệnh nhân sau khi bó bột. Mặc dù bác sĩ Tâm được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nội khoa nhưng lại được phân công vị trí làm tại khoa Ngoại.
Bác sĩ Trịnh Đức Lam là phẫu thuật viên chính đối với bệnh nhân này sau khi được hội chẩn, nhưng trong biên bản hội chẩn không có tên bác sĩ Trịnh Đức Lam. Khoảng 8 giờ ngày 8.3.2016, bác sĩ Trịnh Đức Lam khám bệnh nhân tại phòng mổ, phát hiện chân tổn thương căng cứng, nổi phổng nước nhưng bác sĩ Lam không đánh giá tiên lượng được tổn thương sâu xa và biến chứng của loại gãy này, chỉ chú ý đến xương gãy mà không chú ý đến biến chứng sau gãy của xương vùng này.
Bác sĩ Lê Quang Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin là người trực tiếp lãnh đạo cùng hội chẩn với bác sĩ điều trị bệnh nhân này nhưng không nắm được về mặt chuyên môn để chỉ đạo các bác sĩ trong khoa xử lý.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin bố trí việc làm của bác sĩ Y Tâm là không phù hợp.
Sau khi có kết luận cuối cùng, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị, bệnh viện đa khoa huyện Cư Kiun tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với tập thể cá nhân có liên quan đến quá trình chẩn đoán điều trị dẫn đến tai biến của bệnh nhân. Đồng thời xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề y tế theo quy định.
Trước đó, trưa 6.3, em Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10 trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đang trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông và được người dân đưa vào bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu.
Tại đây, Vi được chẩn đoán gãy mâm chày xương cẳng chân phải và được các y, bác sỹ bệnh viện tiến hành bó bột. Sau đó, Vi liên tục kêu đau do vậy gia đình đề nghị bác sĩ tháo bột ra và cho chuyển viện nhưng các bác sĩ không đồng ý và nói đó là chuyện bình thường.
Mãi đến sáng 8.3, khi các bác sĩ tháo bột ra để tiến hành phẫu thuật thì thấy chân Vi xuất hiện nhiều phổng nước, sưng vù nên tạm hoãn mổ và tiếp tực theo dõi và điều trị. Đến ngày 11.3, thấy vết thương của Vi ngày càng nghiêm trọng nên gia đình quyết định chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi thăm khám, qua chẩn đoán Vi bị hoại tử và có khả năng phải cưa chân nên được chuyển gấp xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh để chữa trị, nhưng khi xuống đến nơi thì các bác sĩ cho biết do đưa xuống quá muộn vết thương bị nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ chân mới giữ được tính mạng.