1. Ở tuổi 44, Justin Trudeau, lãnh đạo đảng Tự do, đã trở thành vị thủ tướng trẻ thứ hai của Canada, và là người đầu tiên nối gót cha anh ở cương vị thủ tướng trong lịch sử nước này.
Sinh năm 1971, Justin Trudeau có cha là Pierre Elliott Trudeau, Thủ tướng Canada từ 1968 đến 1979 và một lần nữa từ 1980 đến 1984, một chính khách có tầm ảnh hưởng lớn lao trong chính trường nước này, từng tạo sức hút với công chúng mạnh đến mức được gọi là “Trudeaumania”. Justin Trudeau cưới Sophie Gregoire, một cô bạn thời thơ ấu, nguyên là người mẫu và người dẫn chương trình truyền hình, và có ba con.
Lớn lên trong hào quang sự nghiệp chính trị của người cha Thủ tướng và ông ngoại cũng là một bộ trưởng nội các, ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013 rằng tuổi thơ của ông là một sự pha trộn giữa đặc ân và cuộc sống bình dân. Sống trong dinh thủ tướng nhưng đi xe buýt tới trường tiểu học. Đồng thời, cha mẹ luôn ghi khắc vào đầu ông rằng “đặc ân đi liền với trách nhiệm, rằng chẳng có gì khiến chúng tôi giỏi giang hơn bất kỳ ai, có chăng là ngẫu nhiên may mắn”.
Theo New York Times, Justin Trudeau đến với chính trị khá trễ. Sau thời thơ ấu trải qua dưới ánh mắt công luận, Justin Trudeau bỗng biến mất khỏi tầm ngắm của mọi người, tập trung học văn chương Anh và Pháp ở đại học, làm huấn luyện viên trượt tuyết, dọn dẹp trong một hộp đêm, trước khi trở thành giáo viên trung học ở Vancouver. Ông cũng thường thượng võ đài đấu quyền Anh.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 2007 khi ông tiến hành chiến dịch tranh cử thành công vào Quốc hội Canada ở một đơn vị bầu cử không có truyền thống ủng hộ đảng Tự do của ông. Tháng 4.2013 ông trở thành lãnh tụ đảng Tự do, đúng 45 năm và một tuần sau khi cha ông nắm vị trí ấy.
Lớn lên trong hào quang sự nghiệp chính trị của người cha Thủ tướng và ông ngoại cũng là một bộ trưởng nội các, ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013 rằng tuổi thơ của ông là một sự pha trộn giữa đặc ân và cuộc sống bình dân. Sống trong dinh thủ tướng nhưng đi xe buýt tới trường tiểu học. Đồng thời, cha mẹ luôn ghi khắc vào đầu ông rằng “đặc ân đi liền với trách nhiệm, rằng chẳng có gì khiến chúng tôi giỏi giang hơn bất kỳ ai, có chăng là ngẫu nhiên may mắn”.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2013, ông từng nói rằng ở dưới cái bóng của những tên tuổi lẫy lừng trong chính trường Canada vừa là một điều hạnh phúc vừa là một nỗi khổ sở. Khởi đầu sự nghiệp chính trị ở Montreal, một đơn vị bầu cử mà người dân có thu nhập dưới mức trung bình và ủng hộ xu hướng ly khai của Quebec, con đường của Justin Trudeau sẽ không dễ dàng. Nhưng ông nói ông muốn chứng tỏ rằng mình “không xem bất cứ cái gì là đã được bảo đảm sẵn và muốn tự mình nỗ lực để đạt được mục đích”.
2. Đó là chuyện xứ người. Ở nước ta gần đây cũng có nhiều người trẻ “nối gót cha anh” thăng tiến trên chính trường. Có người học hành trong nước, có người học hành và lấy bằng ở nước ngoài về, con đường chính trị hanh thông. Có người trải qua thời gian ngắn làm một công việc nào đó trước khi được bố trí cương vị trong bộ máy quản lý nhà nước dù rằng không có ai từng trải qua những công việc “bình dân” như dọn dẹp trong quán bar hay đấu võ đài.
Dù sao, đặt trong tình hình bộ máy quản lý nhà nước hiện tại với không ít khuyết nhược điểm như trì trệ, nhũng nhiễu, thiếu hiệu quả thì trẻ là một ưu điểm và việc có nhiều người trẻ, được học hành đàng hoàng trong bộ máy quản lý nhà nước cũng mang lại hy vọng về một sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho bộ máy quản lý nhà nước. Và dù sao, cờ đã tới tay, hy vọng họ sẽ phất cờ thành công vì mục đích nâng cao cuộc sống và niềm tin của người dân. Giờ là lúc họ cần chứng tỏ họ không chỉ thăng tiến nhờ cái bóng của người đi trước.
Họ có đáp ứng thành công thách thức đó hay không, thời gian mới có thể trả lời. Nhưng dù thế nào, chắc chắn họ không thể quên còn bao nhiêu người trẻ khác mà năng lực có khi không kém, đã không có được điều kiện, cơ hội để chứng tỏ năng lực như họ. Xã hội này đã ghi trên lá cờ của mình mục đích hướng đến: dân chủ - công bằng - văn minh. Mà công bằng trước hết là công bằng về cơ hội. Bao nhiêu người trẻ đã không có được cơ hội học hành đàng hoàng trong nước, nói chi đến du học bằng ngân sách nhà nước. Bao nhiêu trẻ đi học ở vùng cao, vùng sâu chỉ mong có được bữa “cơm có thịt”. Bao nhiêu trẻ đã phải nghỉ học sớm để giúp cha mẹ mưu sinh, như em Linh bán vé số ở Bình Thuận, bị mẹ tưới xăng đốt vì không bán hết vé số. Rất, rất nhiều người trẻ đã không có được cơ hội học hành tử tế để chứng minh năng lực của mình.
Và đó là món nợ, xin được gọi là “nợ cơ hội”, mà những người trẻ được tạo điều kiện, cơ hội để thăng tiến nhanh cần ghi nhớ để trả cho những người trẻ cùng thế hệ đã không có được điều kiện, cơ hội như họ.
Đoàn Khắc Xuyên / Người Đô thị