Nhiều năm trở lại đây, mặc dù nghiêm cấm hành vi can thiệp y học đối với những trường hợp đã hoàn thiện về giới tính nhưng nhiều người đồng tính, song tính Việt Nam đã sang nước ngoài chuyển đổi giới tính.
Đến nay, vẫn chưa có cơ chế cho những người đã chuyển giới được thay đổi tên, họ, giới tính trên các giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn đến việc nhiều quyền lợi của cộng đồng người chuyển giới bị bỏ ngỏ như khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú, tạm vắng đều... tắc bởi giấy tờ một đằng mà hình hài bên ngoài một nẻo. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thế Huy - cán bộ pháp lý của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Dựa trên những nghiên cứu mà iSEE đã thực hiện, ông có thể khái quát về cuộc sống của người chuyển giới ở Việt Nam hiện nay? Họ đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
Trong hiểu biết trước nay của xã hội, người chuyển giới thường gắn liền với hình ảnh những người nam ăn mặc như nữ, đa phần làm các công việc giải trí hoặc việc làm không được xã hội đánh giá cao để kiếm sống. Tuy vậy, bức tranh về người chuyển giới lớn hơn rất nhiều, và "chân dung" của người chuyển giới cũng là một khoảng trống mà pháp luật Việt Nam đã bỏ sót từ lâu.Theo nghiên cứu về người chuyển giới của iSEE năm 2012, các khó khăn của người chuyển giới tập trung hầu như ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống: Gia đình, trường học, việc làm, sức khỏe, pháp lý… Vòng tròn ấy như sau: Không được gia đình chấp nhận thể hiện giới từ nhỏ, bạn bè và thầy cô xa lánh, nghỉ học sớm, không có nghề nghiệp tốt, nguy cơ về sức khỏe, không tiếp cận được với dịch vụ y tế thân thiện… Đặc biệt, tồn tại một khó khăn không nhỏ về mặt pháp lý hiện nay của người chuyển giới là không được pháp luật thừa nhận giới tính mong muốn ngay cả khi đã chuyển giới, do đó không thể thực hiện các giao dịch thông thường như làm giấy tờ, đăng ký, mua bán, đi lại bằng máy bay…
Ông có thể nói rõ hơn về hạn chế trong khía cạnh pháp lý của người chuyển giới?
Những trở ngại từ việc pháp luật không thừa nhận là một "bức tường" quá lớn. Các vấn đề pháp lý của người chuyển giới tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thay đổi tên cho phù hợp với giới tính mong muốn, cho phép thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và thừa nhận giới tính mới trong các giấy tờ sau khi phẫu thuật.
Nhiều người sau khi phẫu thuật ở nước ngoài, tốn kém và nguy hiểm, nhưng trở về Việt Nam thì không thể thay đổi giấy tờ, bỗng chốc trở thành "người vô hình" khi giấy tờ không khớp với tình trạng cơ thể. Đây là một nghịch lý lớn mà Luật Dân sự đang được sửa đổi cần giải quyết ngay.
Ở các nước trên thế giới, vấn đề quyền nhân thân của người chuyển giới được giải quyết như thế nào?
Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đều thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật, với những điều kiện khác nhau như có nơi yêu cầu triệt sản, có nơi chỉ yêu cầu phẫu thuật một phần, thậm chí không cần phẫu thuật vẫn có thể xin đổi danh xưng hoặc giới tính trên giấy tờ cá nhân hay giấy khai sinh. Quyền với cơ thể gắn liền với quyền riêng tư, vì đây là một việc hết sức cá nhân cũng như chính đáng, chưa nước nào có những bước lùi lại sau khi hợp pháp hóa việc chuyển giới cả.
Vậy, ông có kiến nghị gì cho lần bổ sung Luật Dân sự để tạo điều kiện cho người chuyển giới?
Rất ngắn gọn, cũng là những gì tôi muốn kiến nghị: Thêm điều khoản cho phép đổi tên "phù hợp với giới tính mong muốn", ghi nhận quyền "thay đổi giới tính theo mong muốn" và "thừa nhận giới tính mới, cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân sau khi chuyển đổi giới tính".
Nếu được bổ sung các quyền về nhân thân cho người chuyển giới, về mặt quản lý hành chính, cơ quan Nhà nước cũng có thêm những thuận lợi gì, thưa ông?
Tôi được biết, rất nhiều bạn chuyển giới không có một mảnh giấy tùy thân nào, đây chắc chắn là điều mà về mặt quản lý Nhà nước cũng không mong muốn chút nào. Không ai nên nằm ngoài sự thừa nhận của pháp luật. Việc không cho phép phẫu thuật, trong khi trình độ y tế Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, với quan điểm gây "rối loạn xã hội" là một lập luận sai lệch. Trái lại, việc tồn tại một bộ phận những người mà hình hài và giấy tờ tùy thân không "khớp" nhau mới gây nhiều rối loạn. Chúng ta cũng sắp sử dụng nhiều công cụ như mã số định danh, cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất, những thay đổi về tên, giới tính đều có thể làm đơn giản, dễ ghi nhận, quản lý thuận tiện.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng, việc công nhận các quyền của người chuyển giới chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam?
Tôi tôn trọng truyền thống, nhưng nhiều thứ chúng ta thực hành hàng ngày hiện nay cũng đã từng không phù hợp với truyền thống Việt Nam như việc phụ nữ tham gia công việc xã hội, hay như con cái tự do hôn nhân không theo ý cha mẹ. Tôi tin văn hóa Việt Nam luôn vận động, và quan trọng nhất, là theo chiều hướng giúp con người tự do và hạnh phúc hơn từng ngày. Trong mục tiêu đó, pháp luật đương nhiên cần phải đi trước xã hội, không hẳn là định hướng, mà còn như một sứ mệnh phụng sự cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lan Hương (Báo Kinh tế & Đô thị)