Dù đã có nhiều nỗ lực trong Chương trình Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng đến nay vẫn còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt quy chuẩn.
Đó là đánh giá của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn theo quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16.4.2004 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tại Sóc Trăng ngày 30.11. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTTN) từ năm 2000, Chiến lược Quốc gia về cấp Nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 104/QĐ/2000-TTg ngày 25.8.2000. Bộ NN&PTNT là cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện.
Để tạo nguồn lực thực hiện chiện lược quốc gia, ngày 16.4.2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về chương trình tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay chương trình đã triển khai hoạt động trong 16 năm với Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường sức khỏe và giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh; nâng cao điều kiện sống; giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đã cơ bản đạt được. Nhận thức của người dân có tiến bộ, điều kiện sống được cải thiện đáng kể, công trình cấp nước và vệ sinh được đầu tư. Tuy nhiên môi trường nhiều nơi vẫn còn ô nhiễm, nhất là rác thải, nước thải; vấn đề rác thải chưa được quan tâm giải quyết.
Về nguồn lực đầu tư, mục tiêu đặt ra cho các giai đoạn là 160.000 tỉ đồng và kết quả đạt được là 106.733 tỉ đồng. Kết quả huy động nguồn lực cho Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 2000 đến nay đạt 106.733 tỉ đồng. Kết quả đã có 6.571.593 lượt hộ vay làm công trình nước, 6.209.318 hộ vay làm công trình vệ sinh gia đình (nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, bể bioga), góp phần tăng thêm 30% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 19,5% hộ có nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
Tuy nhiên theo đánh giá mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, việc cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại như vẫn còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt chuẩn. Còn hơn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà vệ sinh không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học. Tập trung giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hộ gia đình chưa quan tâm môi trường, cảnh quan; tiêu thoát, ô nhiễm nước thải, rác thải,...
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng nhiều, đặc biệt là hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; lũ, ngập lụt, úng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng cực đoan. Suy giảm số lượng và ô nhiễm chất lượng nguồn nước ngày càng tăng đòi hỏi phải có các công trình tạo nguồn cấp nước ổn định, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tỉ lệ cấp nước sạch và vệ sinh ở nhiều vùng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước như vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là những vùng có tỉ lệ cao về người nghèo, dân tộc thiểu số. Giá nước sạch ở các địa phương thấp, chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của công trình và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Cơ chế hỗ trợ trong quản lý vận hành cho các vùng khó khăn chưa cụ thể nên việc thực hiện rất khó khăn, nhiều nơi không thực hiện được… Hiện mới có khoảng gần 50% các trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước, nguồn lực phân tích chất lượng nước hàng năm cũng rất hạn chế.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định Nước sạch nông thôn; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Quốc gia về cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó tập trung đảm bảo phần nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, ưu tiên nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, hệ thống thủy lợi đã và sẽ đầu tư mới trong kế hoạch trung hạn, đảm bảo số lượng và chất lượng. Trình Thủ tướng tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng cho vay,..
Trước mắt Tổng cục Thủy lợi sẽ thực hiện các công trình nước sạch nông thôn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ưu tiên các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt, ngập úng (trong đó có 6 tỉnh ĐBSCL), vùng khan hiếm nước miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên) với kinh phí khoảng 1.500 tỉ đồng. Ưu tiên các công trình cấp nước nông thôn trong Đề án An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn, hồ đập giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội; các công trình dự kiến vay vốn Ngân hàng Thế giới cho cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho 17 tỉnh ĐBSCL, miền Trung với kinh phí khoảng 8.000 tỉ đồng (400 triệu USD)…