Tuy Trần Thủ Độ anh hùng đến vậy nhưng hậu duệ của ông lại có những người nhát gan, sẵn sàng bán nước cầu vinh. Khi giặc Nguyên tràn vào nước ta thì cháu nội Trần Thủ Độ là Trần Văn Lộng không nhớ đến câu "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Thay vào đó, Lộng mang cả nhà sang hàng.
Cho dù có nhiều cái nhìn khác nhau về nhân vật Trần Thủ Độ nhưng các sử gia đều thừa nhận ông là người có tấm lòng trung thành với nhà vua, với gia tộc và với cả đất nước. Trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, khi Thái Tông do dự và dời thuyền đến hỏi Thủ Độ thì Thủ Độ tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Câu nói đó được lưu danh mãi trong lịch sử hào hùng của dân tộc về tinh thần bất khuất, không sợ chết để bảo vệ non sông.
Tuy Trần Thủ Độ anh hùng đến vậy nhưng hậu duệ của ông lại có những người nhát gan, sẵn sàng bán nước cầu vinh. Chúng ta đang nhắc đến nhân vật Trần Văn Lộng. Chính sử chỉ chép ngắn về Trần Văn Lộng trong đoạn sau khi thắng quân Nguyên, triều đình nhà Trần xử phạt những kẻ phản bội, đặc biệt là tông thất như sau. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: " Bọn Trần Kiện và Trần Văn Lộng bắt phải đổi họ là Mai, duy Ích Tắc là họ thân với nhà vua, không nỡ bắt đổi họ, mà chỉ gọi là "Ả Trần", có ý mỉa mai là nhu nhược như đàn bà. Vì thế nên việc ghi chép lúc bấy giờ có tên gọi là "Ả Trần", "Mai Kiện".
Về Trần Kiện, con Trần Quốc Khang (Trần Quốc Khang làcon ruột của Trần Liễu nhưng thân lại mang danh là con trưởng của Trần Thái Tông) đã được viết trong bài trước đây. Nhưng về Trần Văn Lộng thì sử sách chép hơi ít. An Nam chí lược của Lê Tắc viết nhiều thông tin hơn cả: Thân thế của Lộng được ghi rõ là: "Con của Nhân Thành Hầu, Trần Duyệt, cháu nội của quốc thúc thái sư Trần Thủ Độ, ở nước nhà được phong tước Chương Hoài Thượng Hầu, tính người khiêm tính ôn hoà, được quốc vương dùng làm đại tướng, trấn thủ sông Tam đái".
Một điều phải nói rõ Lê Tắc là cũng là một kẻ hàng Nguyên và là bạn thân của Trần Kiện nên lời lẽ y tả về những kẻ cùng thân phận bằng những lời lẽ hết sức ca ngợi. Nhưng dù sao thì có thể thấy là Lộng nhờ công của ông nội cũng được triều đình trọng dụng. Thế nhưng, Lộng lại chẳng được cái chí như của Trần Thủ Độ. Khi giặc Nguyên tràn vào nước ta thì Lộng không nhớ đến câu "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Thay vào đó, Lộng mang cả nhà sang hàng.
An Nam chí lược chép: "Mùa đông năm Giáp Thân, hiệu Chí Nguyên (1284), đại binh của Trấn Nam Vương đến An nam. Năm sau, (1285), Văn Lộng đem gia quyến nội phụ Thiên triều, được cho làm chức Gia Nghị đại phu, Tuyên Vũ Sứ Qui Hoá Giang Lộ, cho tiền, lụa, cung tên, yên ngựa, theo quân đánh dẹp, hiệu lực có công. Năm Tân Mão, hiệu Chí Nguyên (1291), vào triều kiến được tuyên mệnh thăng Trung đại phu, Tuyên Úy Sứ Quảng Tây đạo, cho tiền 25.000 quan, kim đoạn hai cây".
So với Trần Kiện thì Trần Văn Lộng ít nợ máu với dân tộc hơn. Nếu Trần Kiện mang cả vài vạn người đầu hàng khiến Toa Đô đang bị chẹn ở phía Nam có dịp được thông đường đánh lên phía Bắc khiến vận nước nguy nan thì Trần Văn Lộng không dính dáng nhiều đến các cuộc chiến tranh. Chính vì thế, Trần Văn Lộng cũng không phải trả giá bằng sinh mạng như Trần Kiện. Tuy được sang làm quan nhà Nguyên, cảnh cuối đời của Trần Văn Lộng cũng chẳng ra gì. Nhà Nguyên đâu có hậu đãi mãi khi thấy không còn giá trị lợi dụng. An Nam chí lược nêu: "Năm Bính Ngọ, hiệu Đại Đức (1306), đình chỉ cấp lương tháng cho thuộc liêu, cho ruộng 100 khoảnh để tự dưỡng". Vậy đó, Trần Văn Lộng và tay chân phải tự cấy ruộng mà ăn. Nếu không chạy sang Nguyên cầu vinh mà vẫn ở lại nước thì chắc chắn ruộng cho Lộng phải nhiều hơn trăm khoảnh rồi mà tên tuổi không bị liệt vào thành phần phản bội.
Cả người khác có họ xa bên nhánh Trần Thủ Độ cũng theo hàng giặc Nguyên thời kỳ trước cuộc kháng Nguyên lần 2 là Vũ đạo hầu, gọi Trần Thủ Độ là chú ruột. Chính sử không chép về Vũ đạo hầu nhưng Nguyên sử quyển 209, liệt truyện cuốn 96, trong phần Ngoại di nhị An Nam có nhắc đến Vũ đạo hầu và các con (Văn Nghĩa hầu, Minh trí hầu) theo hàng nhà Nguyên cùng đợt với Trần Kiện, Trần Văn Lộng
An Nam chí lược cũng chép khá kỹ chuyện này và tiết lộ chính Văn nghĩa hầu Trần Tú Viên là người khởi xướng việc hàng: "Cháu gọi An nam quốc vương bằng bác, con của Vũ Đạo Hầu, dáng người thanh tú, có tài văn chương. Mùa đông năm Giáp thân, niên hiệu Chí Nguyên (1284), đại binh đến An nam. Mùa xuân năm sau (1285), Tú Viên khuyên cha mẹ qui thuận. Tháng 4 vào bệ kiến. Lúc bỏ nước ra đi, dọc đường gia quyến bị tử vong hết tám người
Tháng 9 đến Kinh Sư, Hoàng thượng ngợi khen và xuống chiếu phong làm Phụ Nghĩa Công, Tư Thiện Đại phu, cấp hổ phù, cho tiền 5.000 quan, cho người con là Đức Tiệm làm chức Tuyên vũ Sứ An nam Phủ Lộ, Gia Nghị đại phu".
Theo thông tin từ trang dòng họ nhà Trần (donghotrannguyenhan) thì Bia thần đạo của Văn nghĩa hầu Trần Tú Viên (in trong Chí Chính tập, quyển 56, trang 262 do nhà xuất bản Tân Văn Phong, Đài Bắc xuất bản dựa trên bản in của bộ Nguyên nhân văn tập trân bản tùng san, xuất bản đời Thanh Tuyên Thống) có nhắc đến gia thế. Văn bia viết ý là: Họ Trần lấy được nước bèn truy phong người em họ Thái tổ Trần Thừa là Thẩm làm An Quốc vương. (Thẩm là anh ruột của Trần Thủ Độ). Phong cho con của Trần Thẩm là Trần Túc Kinh làm Vũ Đạo vương. Vũ Đạo vương lấy Trình Thị làm vợ, sinh 3 con trai. Ông là con trưởng húy là Tú Viên được vua phong là Văn Nghĩa hầu. Hai người con khác, một người là Minh Thành hầu (không rõ tên húy), một người là Minh Trí hầu (không rõ tên húy). Con Tú Viên là Trần Đức Tiệm.
Theo văn bia thì năm 1285, khi Thoát Hoan đem đại quân tiến vào biên giới Đại Việt, Nhật Huyên (tức vua Trần Thánh Tông) tổ chức phòng giữ các nơi xung yếu, nhiều lần bị thua. Trấn Nam vương Thoát Hoan vào chiếm Thăng Long. Con người em của ông (Tú Viên) bèn trình với Vũ Đạo (con của An Quốc vương) rằng: "nhà Nguyên đang hưng thịnh, vạn quốc thần phục, nhà ta không sợ mệnh trời mà chống cự, thật là việc làm nghiêng đổ tông miếu, tàn hại sinh dân, ai là người sẽ chuyển họa thành phúc, ôm đồ tế khí mà bảo tồn miếu thờ tổ tiên? Vũ Đạo nghe theo bèn xin hàng…"
Cái giá của việc phản bội hàng giặc của gia đình Trần Tú Viên rất đắt. Trần Tú Viên tuy thoát chết nhưng phải chứng kiến cảnh 8 người trong nhà bị chết trên đường bỏ nước cầu vinh. Nếu như cha con Trần Tú Viên kiên quyết trung thành với nhà Trần để kháng Nguyên tới cùng thì có lẽ gia quyến không thảm như vậy. Và cho dù có hy sinh vì quyền lợi dân tộc thì họ vẫn được hậu thế nhớ là con cháu trung thần chứ không phải là những kẻ hèn nhát cầu vinh.
Trang web của dòng họ nhà Trần khi nhắc về những nhân vật như Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên cũng nhận định: Đây có thể là nguyên nhân các sách sử Việt Nam về sau không còn thấy nói đến có nhân vật nào là hậu duệ của Trần Thủ Độ ở Việt Nam.
Anh Tú
Đọc thêm
Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong vụ thảm sát người họ Lý
Bất hòa giữa Quách Quỳ và Triệu Tiết khiến quân Tống bại trận trên đất Việt
Sai lầm của vua Tống khi để Quách Quỳ làm chánh tướng
Hoài bão của Tương Dực trước đêm xây dựng Cửu trùng đài
Lê Tương Dực – Phiên bản lỗi của Lê Thánh Tông
Việc sứ giả nhà Minh nói Lê Tương Dực là Vua lợn cần phải xem lại
Sứ giả nhà Minh sao dám phán: Vận nước Nam có 400 năm