Hôm 23.4, các đội cứu hộ từ một số quốc gia đã chiến đấu với thời gian để tìm một tàu ngầm Hải quân Indonesia mất tích trên biển Bali với 53 thủy thủ đoàn. Tàu này sẽ nhanh chóng cạn kiệt oxy sau 15 giờ nữa nếu chưa bị áp lực nước đè bẹp.
Máy bay trực thăng tìm kiếm và nhiều tàu hải quân đã rời Bali và một căn cứ hải quân ở đảo Java, Indonesia để hướng đến khu vực mất liên lạc với tàu ngầm KRI Nanggala-402 (44 năm tuổi do Đức sản xuất) hôm 21.4. Tàu ngầm này mất tích khi chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận phóng ngư lôi.
"Ưu tiên chính là sự an toàn của 53 thành viên phi hành đoàn", Tổng thống Indonesia - Joko Widodo cho biết vào cuối ngày 22.4.
Hải quân Indonesia đang điều tra xem liệu tàu ngầm có bị mất điện khi lặn và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp do xuống độ sâu 600-700 mét, vượt quá giới hạn có thể tồn tại của nó, hay không.
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia - Yudo Margono nói một vật thể có "lực từ trường cao" đã được phát hiện trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét và cuộc tìm kiếm trên không trước đó đã phát hiện một vết dầu loang gần vị trí cuối cùng của tàu ngầm.
Nếu tàu ngầm vẫn còn nguyên vẹn, các quan chức cho biết nó sẽ chỉ đủ không khí để tồn tại khoảng 15 giờ nữa cho đến sáng sớm thứ 7 (24.4).
Theo người phát ngôn của Hải quân - Julius Widjojono, tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện có thể chịu được độ sâu lên tới 500 mét nhưng bất cứ thứ gì hơn nữa đều có thể gây tử vong. Biển Bali có thể sâu hơn 1.500 mét.
Một trong những người trên thuyền là chỉ huy hạm đội tàu ngầm Indonesia, Harry Setiawan.
Một chuyên gia quốc phòng Indonesia nói có thể tìm thấy thủy thủ đoàn còn sống, nhưng Connie Rahakundini Bakrie cho biết: “Nếu tàu ngầm ở trong độ sâu 700 mét dưới biển, họ sẽ khó sống sót vì áp lực dưới nước sẽ gây ra các vết nứt và vỡ vỏ thép”.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, KRI Nanggala-402 gia nhập hạm đội Indonesia vào năm 1981 và trải qua quá trình tân trang tại Hàn Quốc 2 năm, hoàn thiện vào 2012. Tàu ngầm này được cho là ở trong tình trạng tốt.
Berda Asmara, vợ của thuyền viên Guntur Ari Prasetyo (39 tuổi), người đã đi trên KRI Nanggala-402 khoảng 10 năm, nói: “Tôi hy vọng rằng họ sẽ được tìm thấy còn sống. Chúng tôi đã có một cuộc gọi video”.
“Anh ấy nói với tôi rằng sẽ đi thuyền và mong tôi cầu nguyện cho anh", cô nói về lần cuối cùng nói chuyện với chồng.
Úc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Mỹ đã cử tàu hoặc máy bay chuyên dụng để đáp ứng lời đề nghị hỗ trợ của Indonesia.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang gửi "tài sản trên không" để hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm.
Hai tàu Hải quân Úc đang hướng đến khu vực tìm kiếm bao gồm một tàu khu trục nhỏ với hệ thống định vị thủy âm đặc biệt.
Indonesia vận hành 5 tàu ngầm, 2 chiếc Type 209 do Đức chế tạo gồm cả Nanggala và 3 tàu mới hơn của Hàn Quốc.
Indonesia đã và đang tìm cách hiện đại hóa khả năng quốc phòng của mình nhưng một số thiết bị của họ đã cũ và từng xảy ra những vụ tai nạn chết người những năm gần đây.