Các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thánh thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Cỗ xe kinh tế Việt Nam khựng lại, khó khăn vẫn còn ở phía trước

Sơn Lam | 20/09/2023, 07:00

Các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thánh thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

3 động lực tăng trưởng đều suy yếu

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trong việc hồi phục.

“Sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại”, ông Phạm Thế Anh chia sẻ.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, một mối lo nữa là tình hình lạm phát cao khiến các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phát đi tín hiệu sẵn sàng thắt chặt thêm tiền tệ nếu cần thiết, hoặc ít nhất là giữ nguyên trạng thái hiện tại cho tới khi lạm phát nằm trong vòng mục tiêu của họ.

phuoc-2.jpeg
Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023

Cho rằng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam còn ở phía trước, ông Phạm Thế Anh dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam chứng kiến cả ba thành phần của tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều suy yếu.

Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản chỉ tăng lần lượt 2,68% và 1,15%, trong khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thậm chí còn giảm tới 10%. Mặt khác, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,2%. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội mặc dù được hỗ trợ khá lớn bởi đầu tư nhà nước nhưng chỉ tăng khiêm tốn ở mức 4,7% trong 6 tháng đầu năm.

Có chung nhận định, TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

“Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn”, ông Thành nói.

Theo đó, sau hai năm đầu tăng trưởng bình quân 5,26% và nếu năm 2023 này GDP tăng được 5,5%, thì ngay cả khi GDP 2 năm 2024-2025 tăng được 7%, tốc độ bình quân 5 năm cũng chỉ là 6%.

phuoc-4.jpeg
TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam)

Ông Thành cho rằng cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

“Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực này mà không có chính sách khuyến khích để thay đổi hành vi thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được. Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể”, ông Thành nói.

Công cụ lãi suất đã gần tới hạn

Vị chuyên gia cho hay, kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, đồng thời bơm thanh khoản giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm khá nhanh, từ mức 8 - 10% trong quý 1 xuống còn khoảng 6 - 7%/năm hiện nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ còn 4 - 5%/năm.

“Việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm tới hạn và Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm bởi các các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng với lạm phát lõi), cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại.

pham-the-anh.jpeg
PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân)

Do vậy, chính sách tiền tệ hiện nay chỉ nên tập trung vào giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.

“Thay vì lạm dụng các công cụ tiền tệ, Việt Nam nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, là tăng cường chi tiêu/giảm thuế trong thời kỳ khó khăn, cắt giảm chi tiêu/tăng thuế trong thời kỳ thuận lợi”, ông Anh nói.

Ngoài ra, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, theo ông Phạm Thế Anh, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng tín dụng thuế đầu tư - một hình thức cam kết hoàn thuế dựa trên chi phí đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước muốn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng cần nhận thức đúng đắn về tình hình lạm phát để xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá đặt trong bối cảnh tổng thể kinh tế vĩ mô.

Ông Phước nói tình hình lạm phát tại Việt Nam và tại các nền kinh tế lớn trên thế giới có nhiều điểm khác nhau. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt nguồn từ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng với liều lượng lớn từ đại dịch COVID-19 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tới nay, lạm phát tại các nước này đã đi qua giai đoạn đỉnh nhờ ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ với liều lượng mạnh và tần suất lớn từ giữa năm 2022.

phuoc.png
TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

“Diễn biến lạm phát tại Việt Nam có sự khác biệt do quy mô của các gói hỗ trợ là không quá lớn và chủ yếu là các biện pháp giảm, giãn thuế. Ngoài ra, còn có các biện pháp can thiệp của nhà nước để ổn định giá của nhiều loại mặt hàng nên lạm phát không cao như nhiều nền kinh tế lớn”, ông Phước nêu.

Xuất phát từ thực tiễn này, ông Phước cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không cần quá lo ngại về nguy cơ lạm phát, mà đổi lại, cần có cách tiếp cận hài hòa hơn giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động sản xuất trong nước, chính sách tiền tệ nên được điều hành theo hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cỗ xe kinh tế Việt Nam khựng lại, khó khăn vẫn còn ở phía trước