Các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Nga đã đặt câu hỏi liệu có phải là tin xấu cho Nga khi trung tướng H.R.McMaster được Tổng thống Donald Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia.

Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ khiến Nga mừng hay lo?

Trần Trí | 24/02/2017, 16:59

Các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Nga đã đặt câu hỏi liệu có phải là tin xấu cho Nga khi trung tướng H.R.McMaster được Tổng thống Donald Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia.

Cố vấn an ninh quốc gia là chức vụ rất quan trọng, là trợ lýcủa tổng thống và không cần phải thông qua Thượng viện Mỹ. Ông cố vấn này thường tham dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia cùng với ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và các lãnh đạo bộ ngành quan trọng khác.

Ngày 20.2,Tổng thống Trump chỉ định tướng 3 sao Herbert Raymond McMaster làm Cố vấn an ninh quốc gia, thay thế trung tướng Michael Flynn phải từ chức vì “báo cáo láo” với Phó tổng thống Mike Pence, che giấu chuyện ông ta tiếp xúc với Đại sứ Nga ở Washington hồi năm ngoái, trấn an người Nga rằng ông Trump sẽ ra lệnh bãi bỏ lệnh cấm vận Nga.

Ông Flynn đã bị Cơ quan điều tra liên bang (FBI) thẩm vấn ngay sau khi ông Trump nhậm chức. Việc ông không khai báo những cuộc tiếp xúc trênvới các cơ quan tình báo Mỹ khiến ông có thể bị truy tố ra tòa.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật và tình báo Mỹ đã có những cuộc điện thoại được ghi âm, tài liệu ngân hàng và xuất cảnh của những trợ lý trong nhóm tranh cử của ông Trump, cùng những cộng sự thường xuyên liên hệ với những thành viên chính phủ và tình báo Nga trước cuộc tranh cử tổng thống của ông Trump, người luôn phủ nhận rằngkhông có mối quan hệ nào với Nga.

Một vài nhà nghiên cứu ở Nga cho rằng việc ông Trump chọn trung tướng McMaster đã chỉ ra tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ trương đối ngoại “kình Nga” truyền thống của phe Cộng hòa trong chính phủ Trump.Từ đó, họ dự báo trong vài tháng tới, Mỹ sẽ càng tăng chính sách bảo thủ đối với Nga.

Việc ông Trump chọn tướng McMaster làm Cố vấn an ninh quốc gia đã được giới truyền thông Mỹ hoan nghênh, tương tự là các nhân vật quyền thế đang duy trì thái độ “kình Nga”.

Thượng nghị sĩ John McCain được Moscow xem là người luôn không chấp nhận Mỹ thỏa hiệp với Nga, đã khen đấy là “lựa chọn xuất sắc của Tổng thống Trump”. Đó là lời khen hiếm hoi từ vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và thường chỉ trích chính quyền Trump.

Theo báo giới Mỹ, quan điểm của tướng McMaster là xem Nga như một mối đe dọa, một đối thủ của Mỹ. Ông không có mối quan hệ nào ở Nga, xem ra khác hẳn ông Flynn được cho là “cửa sổ của Điện Kremlin” mở vào chính quyền Trump.

Giáo sư Dmitry Suslov thuộc Câu lạc bộ đối thoại Valdai (củachính phủ Nga) nói: “McMaster có quan điểm chỉ trích Nga nhiều hơn Michael Flynn. Việc chọn ông ta cho thấy nhánh bảo thủ Cộng hòa đang kín đáo tăng tầm ảnh hưởng trong chính phủ Mỹ. Phó tổng thống Pence, và các ông McMaster, James Mattis là ví dụ của chiều hướng đó. Tôi cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ đi theo quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa, trong đó McMaster là người đi tiền trạm”.

Maxim Suchkov, một chuyên gia ở Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, nói ông chưa thể nói ông McMaster có chung quan điểm với ông McCain về Nga ở tầm mức nào. Nhưng cho rằng có thể quan điểm ấy giống của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Vị tướng này đã nói bóng gió rằng Mỹ nên “ở vị thế mạnh mẽ ” khi quan hệ với Nga.

Chuyên gia Suchkov nói: “McMaster có thể là một thách thức cho Moscow, nếu ông ấy nghĩ như Mattis. Tôi cho rằng sẽ rất tệ cho Nga, nếu Mattis và McMaster vận động hành lang để có một cách tiếp cận mạnh mẽ khi quan hệ với Nga. Có thể việc bàn các giải pháp quân sự và những lựa chọn chính sách cứng rắn sẽ nổi trội, nếu bộ sậu của Trump đầy những người thuộc cánh quân đội”.

Dù có sự quan ngại nhẹ rằng quan điểm của ông Trump nối lại quan hệ hợp tác Mỹ-Nga của ông Trump sẽ phải chìm khuất trước sức ép của những cố vấn quân sự, các chuyên gia nói Nga không quan tâm nhiều đến việc ông Trump chọn một người tỏ ra cứng với Nga làm cố vấn an ninh quốc gia.

Chuyên gia Suchkov nói ông không nghĩ sự lựa chọn này không có gì liên quan đến Nga, trên hết chỉ là một nước cờ chính trị của ông Trump, người tìm cách sử dụng một nhân vật được tôn trọng để củng cố vị thế của ông: “Đó là lý do tại sao ông Trump chọn một người mà không ai có thể thắc mắc về tinh thần yêu nước của ông ấy”.

Vì thế, Moscow có thể không bị chú ý đến nhiều trong các cuộc họp ở Phòng Tình hình tại Nhà Trắng, theo các chuyên gia. Michael Kofman ở Viện Kennan (thuộc Trung tâm Wilson, chuyên phân tích quân sự) nói: “Tướng Mattis là một chỉ huy quân sự có nghề, sẽ không bị tác động bởi những câu chuyện gieo hoảng loạn rằng Nga sẽ tiến hành các cuộc chiến tranh có ủy quyền”.

Nếu đúng như vậy, Nga có thể không trong danh sách quan ngại an ninh hàng đầu của Mỹ. Theo Kofman, cánh quân đội trong bộ sậu Trump sẽ quan tâm nhiều hơn đến Iran chứ không phải Nga: “Chính phủ Mỹ bận chuyện Iran và quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi Nga có lẽ đứng hạng thấp hơn trong danh mục quan ngại an ninh quốc gia của Mỹ”.

Kim Hương (theo Russia beyond the headlines)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ khiến Nga mừng hay lo?