Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng chỉ rõ tình trạng một số cơ quan chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình.

Có tình trạng lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né trách nhiệm của bộ, cơ quan mình

Hoài Lam | 05/05/2023, 10:20

Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng chỉ rõ tình trạng một số cơ quan chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình.

Bộ ngành né tránh trả lời, hướng dẫn địa phương

Thủ tướng vừa có công điện chỉ đạo khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Công điện nêu, thời gian qua, căn cứ Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy chế làm việc của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đã tăng cường quan hệ công tác, phối hợp giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng. Điều này góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ, cơ quan chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời. Cá biệt có một số trường hợp rất chậm trễ, để tồn đọng kéo dài; có trường hợp trả lời, hướng dẫn nhưng còn chung chung, né tránh, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; việc phối hợp giữa một số bộ, cơ quan để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; một số cơ quan chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời phát huy trách nhiệm của lãnh đạo bộ, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, các bộ ngành.

“Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần giải quyết kịp thời, dứt điểm nhằm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ ngành, phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ ngành đã được gửi đến các bộ, cơ quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định tại khoản 1 điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ, đặc biệt phải giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.

Trường hợp vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bộ ngành thì các bộ, cơ quan nhận được kiến nghị, đề xuất phải có văn bản trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ của việc không xem xét, giải quyết, không phải thẩm quyền; đồng thời có hướng dẫn phù hợp (nếu cần thiết).

Phải có văn bản trả lời, hướng dẫn ngay,  không né tránh trách nhiệm

Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ ngành cần phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, Thủ tướng yêu cầu khi nhận được kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ ngành; các bộ, cơ quan chủ trì phải có ngay văn bản gửi các bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề lấy ý kiến, thời hạn trả lời.

“Tuyệt đối không lấy ý kiến phối hợp của bộ, cơ quan không liên quan. Quá trình lấy ý kiến, bộ, cơ quan chủ trì cần chủ động, tích cực phối hợp, đôn đốc, trao đổi trực tiếp để bộ, cơ quan phối hợp có ý kiến trả lời kịp thời, đúng hạn”, Thủ tướng yêu cầu.

tn.jpg
Thủ tướng ra công điện chỉ đạo khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ ngành

Sau khi nhận được ý kiến của bộ, cơ quan phối hợp; bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời, hướng dẫn ngay, rõ ràng, dứt khoát, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Trường hợp quá hạn mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì xử lý theo đúng quy định của quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm c khoản 1 Công điện số 280/CĐ-TTg.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, bộ ngành bảo đảm không bỏ sót, chậm trễ trong xử lý công việc.

Không trình công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát các văn bản đề nghị của địa phương đã gửi đến các bộ ngành, cơ quan ở trung ương mà chưa được giải quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi và thường xuyên đôn đốc.

Trường hợp cần thiết, chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị làm việc với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương theo đúng quy định tại khoản 4 điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại công điện này; báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng phụ trách trước ngày 15.5.2023 về những đề nghị của địa phương, bộ ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có tình trạng lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né trách nhiệm của bộ, cơ quan mình