Giải trình trước Quốc hội sáng 15.11 về các dự án nghìn tỉ thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định. Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự.

Có thể cho phá sản, xử lý hình sự đối với các dự án nghìn tỉ thua lỗ

Trí Lâm | 15/11/2016, 11:45

Giải trình trước Quốc hội sáng 15.11 về các dự án nghìn tỉ thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định. Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự.

Sáng 15.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo đó, có 22 đại biểu quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anhcho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ gửi tới các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên ông thấu hiểu các đại biểu cần biết thêm nhiều thông tin hơn nữa. 5 dự án này được đầu tư từ năm 2008 đến nay trong nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép... Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể đi sâu phân tích, theo tính chất đặc thù của ngành, dự án có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đánh giá chung tổng thể thì rất khó.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, các dự án này đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt, lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Ví dụ như dầu thô từ mức hơn 100 USD một thùng tới hơn 170 USD một thùng, hiện nay chỉ còn trên dưới 40 USD một thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Vì thếdự án Xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Theo Bộ trưởng, chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài, dự án thực hiện không đúng theo hợp đồng. Trong quá trình tham gia triển khai thực hiện thì đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do....

"Vì thế các dự án này hiện nay hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho hay, các dự án này kém hiệu quả vì năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91) phải chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...

Quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể.

“Cùng với đó, sẽ xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định... Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anhnói.

Về việc xử lý các dự án này, Bộ trưởng cho rằng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản nhà nước trong các dự án này, phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế."Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản... nếu cần thiết", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ. Cụ thể Gang thép Thái Nguyên, dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu xăng sinh học... Bộ Công Thương đã có giải pháp báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ họp, đưa ra quyết định cụ thể.

Chất vấn trở lại, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh trách nhiệm cơ quan quản lý của Nhà nước đến đâu, quản trị doanh nghiệp đã thực hiện như thế nào vì bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung này. Nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư rồi khoán trắng việc đầu tư cho doanh nghiệp như vậy thì trách nhiệm chủ quản ở đâu? Việc công nghệ không phù hợp thì vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đến đâu? Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thế nào? Đây là tiền thuế của dân thì làm sao như vậy được?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ giải quyết, làm rõ sau 5 dự án lớn đã nêu thì còn bao nhiều dự án đầu tư thất thoát vốn.

Quá trình đánh giá cụ thể, nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ phận trong các dự án thua lỗ nghìn tỉthì cần thời gian. Về điều này, ông Tuấn Anh cho biết, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà còn các bộ, ngành khác cùng tham gia đánh giá, để không xảy ra tình trạng tương tự.

Theo quy định thì các bộ, ngành Nhà nước trước năm 2012 tham gia quản lý về chiến lược, quy hoạch của ngành, tham gia tham mưu Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau 2012 quy định pháp lý đã chặt chẽ hơn nên đảm bảo xem xét được rõ trách nhiệm của các bộ chủ quản trong quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư của doanh nghiệp. Vì thế, đối với các dự án này sẽ chiều theo quy định của pháp luậtlàm rõ được trách nhiệm các bên xem mức độ làm sai thế nào.

"Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải có báo cáo cụ thể gửi đến các đại biểu.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có thể cho phá sản, xử lý hình sự đối với các dự án nghìn tỉ thua lỗ