Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có tính chất phá giá của đường Thái Lan khi chi phí sản xuất mía chỉ là 45 USD/tấn, trong khi chi phí mía/tấn đường gần 411 USD.

Có sự phá giá của đường Thái Lan khi tràn vào Việt Nam

Lam Thanh | 02/12/2020, 19:30

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có tính chất phá giá của đường Thái Lan khi chi phí sản xuất mía chỉ là 45 USD/tấn, trong khi chi phí mía/tấn đường gần 411 USD.

Hàng loạt nhà máy thua lỗ, ngừng hoạt động

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy đường sản xuất bình quân 140.000 tấn mía/ngày, niên vụ 2016 - 2017 sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường (chiếm khoảng 0,74% tổng sản lượng đường của thế giới), với diện tích trồng mía khoảng 300.000 ha.

dinh-trong-thinh.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh 

Sau khi ATIGA có hiệu lực, đến tháng 9.2020 hiện chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy buộc phải đóng cửa do chi phí sản xuất và giá thành quá cao so với đường nhập khẩu. Trong 30 nhà máy đang hoạt động cũng chỉ có 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà máy đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ.

Niên vụ 2019 - 2020 là năm thứ tư liên tiếp ngành mía đường của Việt Nam gặp khó. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30-60%. Giá đường giảm đã kéo theo giá mua mía của các nhà máy đường giảm sâu.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía của Việt Nam chưa tới 200.000 ha, vụ 2019 - 2020 này diện tích dự kiến chỉ còn hơn 150.000 ha, không phải con số 260.000 ha như trong các báo cáo. Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019 - 2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng muốn tăng diện tích và năng suất trồng mía phải tạo ra những cánh đồng mẫu lớn nhưng do chưa bỏ “hạn điền”, chưa có pháp chế rõ ràng khuyến khích việc tạo cánh đồng mẫu lớn nên phần lớn diện tích nguyên liệu đều đến từ các hộ nông dân trồng mía (khoảng 300.000 hộ với 1 triệu lao động), bình quân mỗi hộ có từ 0,5 đến 1,7 ha, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

“Điều này dẫn đến hạn chế, khó khăn cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hoá, giải pháp khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh”, ông Thịnh nói.

Có sự phá giá của đường Thái Lan

Sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực vào đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, riêng lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, ước gần 860.000 tấn, tăng khoảng 6 lần cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn (cả năm 2019 chỉ khoảng 300.000 tấn).

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân chủ yếu là do ngành đường Thái Lan đang được chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Theo số liệu xuất khẩu đường được công bố chính thức của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện của Thái Lan sang Việt Nam là 327,7 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu này thậm chí thấp hơn cả chi phí mía trong đường.

“Chi phí sản xuất mía ở Thái Lan vụ 2019 - 2020 là 1.419 bath/tấn, tương đương với 45 USD. Trong khi đó, chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là gần 411 USD chi phí mía/tấn đường. Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của loại đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam”, ông Thịnh nói.

Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ, chính phủ Thái Lan đang trợ giá tối thiểu 1,5 tỉ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường của nước này.

Đặc biệt, vụ kiện được Brazil đệ trình Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2016 cáo buộc Thái Lan trợ cấp quá mức cho các nhà sản xuất đường, kìm hãm giá đường quốc tế, giúp Thái Lan giành thị phần từ tay các nhà sản xuất Brazil, gây phương hại đến chính sách xuất khẩu đường Brazil cũng là minh chứng cho việc tài trợ quá mức của chính phủ Thái Lan cho các nhà sản xuất đường.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn kéo dài và có hệ thống của buôn lậu đường xuyên biên giới trong mấy năm qua đã gây sức ép lớn với sản xuất, kinh doanh đường trong nước. Nhưng sau khi Hiệp định ATIGA có hiêu lực các hành vi gian lận thương mại dưới các hình thức “tạm nhập, tái xuất đường thành phẩm” hay phục vụ “chế biến xuất khẩu” đang là một vấn đề lớn.

Phải nỗ lực tự thay đổi

Theo ông Thịnh, thời gian tới đây, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các hộ nông dân trồng mía cần phải nỗ lực rất cao trong việc tự đổi mới, tự thay đổi.

Theo đó, cần thành lập các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất đường với các hợp tác xã và các hộ nông dân.

Trong các hợp đồng kinh tế phải quy định rõ ràng trách nhiệm cụ thể trong việc cung cấp, hỗ trợ giống mía tốt, quy trình chăm sóc phù hợp và việc cung cấp phân bón, cung cấp các dịch vụ của các chủ thể, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng của các chủ thể. Trong hợp đồng nên quy định rõ mức phân chia lợi nhuận hợp lý theo trách nhiệm của từng chủ thể.

duong-mia.jpg
Mía đường Việt Nam phải tự thay đổi

Đặc biệt, trong hợp đồng nên có các quy định về lợi nhuận tăng thêm khi giá tăng, hoặc chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể trong chuỗi liên kết khi giá giảm hoặc thiệt hại bất khả kháng.

“Cần có sự phân chia thu nhập hợp lý giữa người nông dân trồng mía với nhà sản xuất đường và với hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ đường một cách hợp lý, tránh tình trạng chi phí giá đường đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên quá cao so với giá bán của các nhà máy đường”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nông dân phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế và các hiệp định liên quan. Tại Việt Nam, theo Quyết định số 68, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức vay tối đa lên đến 100% giá trị trang thiết bị.

Chuyên gia này đánh giá, về lý thuyết, với chính sách trên, nông dân trồng mía có thể đầu tư mua mới thiết bị cơ giới phục vụ việc làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch hoàn toàn chỉ bằng nguồn vốn vay, được miễn lãi suất trong hai năm đầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn thông qua chính sách này rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục, quy định về danh mục chủng loại máy, cách xác định đối tượng vay… nên tác dụng còn hạn chế.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng nêu quan điểm là cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các chính sách hỗ trợ mới phù hợp với hội nhập; đẩy năng suất cây mía, hạ giá thành sản phẩm đường để tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng đường mía.

Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để sử dụng có hiệu quả các sản phẩm phụ như rỉ đường, bã mía… nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh mía đường.

Ngăn chặn buôn lậu đường

Một điều cũng không kém quan trọng, theo ông Thịnh, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề ngăn chặn buôn lậu đường qua biên giới, kiểm tra, kiểm soát tình trạng gian lận thương mại. Vấn đề đường nhập lậu đang trở thành nguy cơ lớn với quy mô ngày càng gia tăng và được tổ chức tinh vi.

Đồng thời, cần ngăn chặn tình trạng nhiều doanh nghiệp tận dụng kẽ hở pháp luật để đưa đường thô, đường tinh luyện nhập khẩu vào tiêu thụ trong nước. Với việc tạm nhập nhưng không tái xuất, bán ngay ở thị trường trong nước sẽ gây phương hại lớn đến ngành sản xuất đường nội địa.

Cùng với đó, Hiệp hội Mía đường và các cơ quan chức năng cần làm tốt vai trò bảo trợ cho các chủ thể trong ngành sản xuất mía đường.

Trước hết, cần tìm kiếm các căn cứ làm bằng chứng chứng minh được sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bán phá giá và chính phủ Thái Lan đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường không phù hợp với các cam kết.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra theo đúng quy định của pháp luật nhằm đánh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và biện pháp tự vệ cần thiết để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất mía đường trong nước trước các hành vi cạnh tranh bất bình đẳng tới từ bên ngoài.

Đồng thời, các cơ quan chức năng có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.

Bài liên quan
Hiệp hội Mía đường cầu cứu Thủ tướng về đường tạm nhập tái xuất
Hiệp hội Mía đường VN vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không gia hạn cho các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã hết hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có sự phá giá của đường Thái Lan khi tràn vào Việt Nam