Cổ phiếu Alphabet giảm hơn 4% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 17.4 (hiện ở mức 105,41 USD) sau khi có thông tin Samsung Electronics đang xem xét dùng Bing thay Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của công ty.

Cổ phiếu công ty mẹ của Google lao dốc sau thông tin Samsung định hợp tác với Bing

Sơn Vân | 17/04/2023, 21:30

Cổ phiếu Alphabet giảm hơn 4% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 17.4 (hiện ở mức 105,41 USD) sau khi có thông tin Samsung Electronics đang xem xét dùng Bing thay Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của công ty.

Trong khi cổ phiếu Microsoft tăng 1% và hiện được giao dịch ở mức 289,01 USD.

Google đã thống trị thị trường tìm kiếm trong nhiều thập kỷ với thị phần hơn 80%, nhưng Phố Wall lo ngại công ty có thể tụt lại phía sau Microsoft trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng khốc liệt.

Alphabet (công ty mẹ của Google) từng mất 100 tỉ USD vốn hóa thị trường vào ngày 8.2 sau khi chatbot Bard trả lời không chính xác trong một video quảng cáo.

Nhà phân tích James Cordwell của công ty Atlantic Equities cho biết: “Các nhà đầu tư lo lắng Google đã trở thành một nhà độc quyền lười biếng trong lĩnh vực tìm kiếm và những diễn biến trong vài tháng qua là một hồi chuông cảnh tỉnh”.

James Cordwell nói thêm rằng các chi phí tiềm năng liên quan đến việc làm cho Google Search trở nên cạnh tranh hơn so với Bing cũng có thể là nguyên nhân gây lo ngại.

Trong nhiều năm, Bing là công cụ tìm kiếm bị Google bỏ xa và nhiều người lãng quên. Tuy nhiên, Bing đã trở nên thú vị hơn với những người trong ngành khi gần đây được tích hợp AI. Các đối thủ cạnh tranh (gồm cả Bing phiên bản mới) đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Google trong 25 năm.

Google đang trong quá trình tạo ra một công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI, cũng như cập nhật công nghệ trong nền tảng hiện có của mình. Động thái này diễn ra sau thông tin Samsung Electronics có thể biến Bing thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của họ, theo The New York Times.

Khả năng Google mất thỏa thuận hợp tác với Samsung Electronics đã dẫn đến "sự hoảng loạn" nội bộ khi công ty cố gắng theo kịp sự bùng nổ của ChatGPT và AI, theo một email mà The New York Times có được.

Google đang cập nhật công cụ tìm kiếm hiện tại như một phần của dự án có tên Magi. Ước tính có khoảng 160 nhân viên đang làm việc trong "phòng chạy nước rút" để hoàn thành các tính năng cập nhật trong một số lĩnh vực.

Công cụ tìm kiếm mới sẽ cung cấp cho người dùng trải nghiệm được cá nhân hóa hơn nhiều so với dịch vụ hiện tại của Google, cố gắng dự đoán nhu cầu từ người dùng.

Trước câu hỏi về chuyện này, Google nói với The New York Times rằng "không phải ý tưởng sản phẩm nào cũng dẫn đến việc ra mắt, nhưng như từng nói trước đây, chúng tôi rất vui mừng về việc mang các tính năng AI mới cho tìm kiếm và sẽ sớm chia sẻ thêm thông tin chi tiết".

Google rơi vào tình trạng rối ren kể từ tháng 12.2022 khi phát ra tín hiệu báo động đỏ vì sự tăng trưởng cực nhanh của ChatGPT, chatbot phổ biến được tạo bởi OpenAI. Khoảng hai tuần sau, Google thành lập nhóm đặc nhiệm trong bộ phận tìm kiếm của mình để bắt đầu xây dựng sản phẩm AI, hai người có kiến ​​thức về những nỗ lực này cho biết.

Hàng tỉ người sử dụng công cụ tìm kiếm Google mỗi ngày cho mọi thứ. Website trắng đơn giản với logo Google và hộp trống ở giữa là một trong những trang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Những thay đổi với Google sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống người dùng internet thông thường và đến gần đây khó có thể tưởng tượng ra điều gì có thể thách thức nó. Thế nhưng, mối đe dọa đến sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm ngày càng lớn khi Microsoft hợp tác với OpenAI để ra mắt phiên bản Bing mới tích hợp chatbot AI vào tháng 2.

Hiện đại hóa công cụ tìm kiếm đã trở thành nỗi ám ảnh của Google và những thay đổi dự định có thể đưa công nghệ AI mới vào các smartphone cùng gia đình trên toàn thế giới.

Mối đe dọa việc mất hợp đồng với Samsung Electronics đại diện cho sự nứt gãy tiềm tàng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh tìm kiếm của Google, có giá trị lên đến 162 tỉ USD vào năm ngoái. Dù chưa rõ liệu việc Microsoft làm việc với AI có phải là lý do chính khiến Samsung Electronics đang cân nhắc thay đổi sau 12 năm qua không, nhưng đó là giả định được đặt ra bên trong Google.

Các bên đang trong quá trình đàm phán hợp đồng và Samsung Electronics vẫn có thể tiếp tục chọn Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình. Điều này đồng nghĩa Google phải trả cho Samsung Electronics nhiều tỉ USD mỗi năm để đổi lấy lượt truy cập.

Tương tự, Google vẫn phải trả cho Apple một khoản tiền khổng lồ hàng năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của hãng này nhằm duy trì ưu thế cạnh tranh. Trang Forbes cho rằng Google trả cho Apple gần 15 tỉ USD vào năm 2021 để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định. Sang năm 2022, con số lên đến 18 - 20 tỉ USD.

Ý tưởng Samsung Electronics, công ty mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu smartphone chạy hệ điều hành Android, xem xét việc chuyển đổi công cụ tìm kiếm gây sốc cho nhân viên Google.

Sau khi một số nhân viên được thông báo rằng Google đang tìm kiếm tình nguyện viên trong tháng này để giúp đưa ra tài liệu cho cuộc thuyết trình với Samsung Electronics, họ đã phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc và bất ngờ.

Alphabet và Samsung Electronics không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận. 

samsung-tinh-hop-tac-voi-bing-google-hoang-so-gap-rut-phat-trien-cong-cu-tim-kiem-moi11.jpg
Samsung có thể chọn Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình khiến Google lo lắng - Ảnh: Internet

Google đã nghiên cứu AI trong nhiều năm nhưng do dự phát hành các công cụ AI của mình vì vấn đề an toàn, sợ đưa ra thông tin sai lệch và có xu hướng thiên vị.

Nhiều năm trước, hai kỹ sư Google đã thúc đẩy lãnh đạo phát hành một chatbot tương tự ChatGPT song vấp phải sự phản đối, theo trang The Wall Street Journal.

Vào khoảng năm 2018, Daniel De Freitas, từng là kỹ sư nghiên cứu tại Google, bắt đầu làm việc trong một dự án phụ về AI với mục tiêu tạo ra một chatbot đàm thoại bắt chước cách con người nói. Noam Shazeer, kỹ sư phần mềm thuộc đơn vị nghiên cứu AI của Google, sau đó đã tham gia dự án.

Theo The Wall Street Journal, Daniel De Freitas và Noam Shazeer đã có thể xây dựng một chatbot mang tên Meena, có thể tranh luận về triết học, nói chuyện bình thường về các chương trình tivi, tạo ra các câu nói đùa... Daniel De Freitas và Noam Shazeer tin rằng Meena có thể thay đổi hoàn toàn cách mọi người tìm kiếm trực tuyến, theo các đồng nghiệp cũ của họ.

Thế nhưng, những nỗ lực của Daniel De Freitas và Noam Shazeer để khởi chạy chatbot (sau này đổi tên thành LaMDA, mô hình ngôn ngữ đằng sau Bard) đã đi vào bế tắc khi các lãnh đạo Google cho biết chatbot không tuân thủ các tiêu chuẩn công bằng và an toàn AI của công ty. Các lãnh đạo Google đã cản trở nhiều nỗ lực của hai kỹ sư này nhằm gửi chatbot cho nhà nghiên cứu bên ngoài, thêm tính năng trò chuyện vào trợ lý Google và tung bản demo ra công chúng.

Chán nản với phản hồi của lãnh đạo, Daniel De Freitas và Noam Shazeer rời Google vào gần cuối năm 2021 để thành lập công ty riêng Character Technologies Inc, dù đích thân Giám đốc điều hành Sundar Pichai đề nghị họ ở lại và tiếp tục làm việc trên chatbot, theo The Wall Street Journal.

Character Technologies Inc, hiện có tên là Character.ai, sau đó đã phát hành một chatbot có thể nhập vai thành những nhân vật như Elon Musk hay Mario (của Nintendo).

"Nó đã gây ra một chút chấn động bên trong Google, nhưng cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ gặp nhiều may mắn hơn khi tung ra những thứ như vậy từ một công ty khởi nghiệp", Noam Shazeer thổ lộ trong cuộc phỏng vấn với nhà đầu tư Aarthi Ramamurthy và Sriram Krishnan vào tháng trước.

Bài liên quan
Kỹ sư hé lộ Google đào tạo Bard bằng các phản hồi của ChatGPT rồi nghỉ việc, làm cho OpenAI
Các cuộc chiến AI đang diễn ra khốc liệt với việc Google tham gia bữa tiệc hơi muộn. Bard bị cáo buộc sử dụng các phản hồi của ChatGPT được chia sẻ trực tuyến làm dữ liệu đào tạo, nhưng Google bác bỏ điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ phiếu công ty mẹ của Google lao dốc sau thông tin Samsung định hợp tác với Bing