Một Hà Nội trong lụt lội mà vẫn trữ tình. Một Hà Nội đầy biến động và ám ảnh qua những thân phận người, thân phận của hoa đào, của mái tường rêu phong, cổ kính trong sự kết nối xưa và nay. Một Hà Nội đẹp trong “đau đớn” (chữ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp).
Đó là Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. “Hà Nội của tôi đó, tôi tìm được một góc riêng để kể về Hà Nội, để hiểu hơn thành phố mình đang sống, và vì thế, tôi không bỏ đi được”.
Vẫn những bức ảnh đen trắng, theo Nguyễn Hữu Bảo, đen trắng có sức gợi của trí tưởng tượng. Cuộc sống hiện đại, màu sắc càng ngày càng rực rỡ đã làm cho cảm xúc đi theo thiên hướng của lối đẹp đẽ, không có chiều sâu của suy tưởng. “Hà Nội dấu yêu” chất chứa nhiều kỷ niệm của Hữu Bảo với nơi ông đã sinh ra và lớn lên.
Nhà nhiếp ảnh cho biết, ông không còn trẻ nên thích tìm về những gì xưa cũ, như một nhà khảo cổ lần tìm lại quá khứ từ những tàn tích còn sót lại. Hữu Bảo đã lục lại trong kho ảnh từ ngày ông mới bắt đầu vào nghề (1973), để tuyển lựa những bức ảnh giữ hồn của Hà Nội một thời.
Có những bức ảnh ngày xưa ông định bỏ đi, nhưng bây giờ lại có giá trị, bởi đó là câu chuyện của văn hóa, của lịch sử. Thời gian làm cho giá trị bức ảnh được đẩy lên.
Đó là những bức về phố Lương Ngọc Quyến cổ kính, rêu phong với những mái nhà cổ thuần Việt. Là những bức tường rêu phong, tưởng chừng như vu vơ, nhưng có sức ám ảnh ghê gớm về sự chuyển dịch của thời gian.
Từ một cảm nhận về Hà Nội bằng bản năng, từ thuở ấu thơ đến khi có ý thức về ảnh và trực tiếp làm những công việc liên quan đến văn hóa, kiến trúc của Hà Nội, đã giúp Nguyễn Hữu Bảo đến gần với Hà Nội hơn, hiểu thành phố mình đang sống hơn. Ông hạn chế chụp Hà Nội ở những góc “đẹp đẽ”. Cái đẹp với ông, phải có những câu chuyện, những ẩn ý.
Vì thế, 10 chủ đề trong cuốn sách ảnh của ông là 10 truyện ngắn, cô đọng về Hà Nội. Câu chuyện về Hồ Gươm trường tồn với thời gian, câu chuyện về giấc mơ trưa trên phố, về thân phận hoa đào, thân phận ma nơ canh, về cầu Long Biên…
Những góc nhìn, những câu chuyện về chính thân phận người, thân phận của một dân tộc đi qua nhiều biến động của lịch sử, của chiến tranh…
Sau này, khoảng những năm 1990, ảnh màu từ nước ngoài ùa về. Nhưng Nguyễn Hữu Bảo nhận ra, ảnh màu có thể làm người ta choáng ngợp ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng hai sắc đen trắng lại có cái duyên thầm ẩn sâu và vô cùng lãng mạn
Vì thế, dù những bức ảnh về Hà Nội trong cuốn sách được chụp bằng ảnh màu, ông vẫn đưa nó trở về hai màu cơ bản trong nhiếp ảnh. Ở đó, ông đã nhìn Hà Nội như người yêu của mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì đó là những khoảnh khắc rất khó khăn mới có được, bởi Hà Nội ngày nay đã xô bồ hơn, nếu không yêu, không đắm đuối với người tình, ông sẽ chẳng tìm thấy nguồn cảm xúc để tiếp tục tìm kiếm và bấm máy.
Nhiều người hỏi, ông thuộc trường phái nào trong nhiếp ảnh. Nguyễn Hữu Bảo dí dỏm: “Tôi theo dòng vu vơ”. Nhưng sự vu vơ làm nên chuyện, bởi những góc nhìn đầy ám ảnh trong những bức ảnh của ông.
Ông luôn có thói quen ra khỏi nhà là mang theo máy ảnh và không phải với những dự định, toan tính hôm nay mình sẽ chụp gì.
Hà Nội hiện ra trong những bức ảnh của ông cũng vậy, tự nhiên, giản dị như cuộc sống đang diễn ra từng ngày. Thế mà đủ sức gợi, đủ sức ám ảnh bởi những câu chuyện ẩn chứa trong đó.
Phố Hàng Đào năm 1979. |
Xem ảnh của Nguyễn Hữu Bảo, không chỉ dùng cái nhìn bên ngoài của thị giác, mà phải nhìn bằng trái tim, bằng tâm cảm, mới cảm được cái đẹp, sự sâu sắc trong mỗi tác phẩm. Ở đó có những mảng màu đối lập của đời sống, nhưng không hề sắp đặt mà diễn ra rất tự nhiên như cuộc sống vốn dĩ thế.
Ở đó là một Hà Nội đẹp trong mất mát, trong sự xa cách, trong những biến động. Chứ không phải chỉ là Hà Nội đẹp trong sự tĩnh lặng của hoài niệm, của tiếc nuối.
Là phóng viên ảnh của Tạp chí “Xưa và nay” và bạn bè của ông cũng là các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa nên quá trình Hữu Bảo chụp ảnh về Hà Nội cũng chịu tác động của góc nhìn xã hội và lịch sử.
Với ông, một bức ảnh đẹp phải có tiếng nói về một vấn đề xã hội nhất định, chứ nếu chỉ sở hữu cái đẹp duy mỹ thì nên thẳng tay loại bỏ.
Vì thế, “Hà Nội dấu yêu” không có một bức ảnh phong cảnh nào thuần mỹ về Thủ đô. Xem ảnh của ông, ngẫm thấy một nỗi đau nhân tình thế thái, thấy sự bé nhỏ, nổi trôi của thân phận người…
Và ở đó có cả những ẩn ức của ông đối với đời sống này. Nhưng không bi quan, bi lụy mà vẫn ẩn chứa tình yêu đối với cuộc sống của tác giả. Quan điểm khác biệt này của Nguyễn Hữu Bảo khiến ông không có nhiều bạn trong giới. Nhưng đây là bài học ông đã rút ra sau một lần suýt bỏ nghề…
Ngày đó, ông đã là một tay máy có chỗ đứng trong giới nhiếp ảnh, được mời đi theo đoàn các nhà nhiếp ảnh trẻ của kênh truyền hình National Geographic đến nhiều vùng của đất nước.
Một chiều hoàng hôn, đoàn phim dừng chân, và cũng giống như các nhà nhiếp ảnh khác của Việt Nam, Hữu Bảo giơ máy lên và chụp cảnh sắc đang hiện ra trước mắt rồi đem khoe với nhà nhiếp ảnh của đoàn làm phim. Vị khách này không những không khen, mà còn chỉ cho ông biết, bức ảnh đẹp thì có đẹp nhưng không có nghĩa.
Sau chuyến đi ấy, Hữu Bảo đã rất hoang mang. Và cũng kể từ đó, ông bắt đầu một con đường khác trong hành trình đi tìm chính mình.
Với Nguyễn Hữu Bảo, chụp ảnh là hành trình đi tìm chính mình, và trong hành trình ấy, ông đã chạm tới cảm xúc của người xem, bởi những ám ảnh, những vui buồn trong chính bức ảnh của ông.
Nhiều người bảo, Nguyễn Hữu Bảo lẩn tránh thực tế, khi nhiếp ảnh phải lao vào những điểm nóng của đời sống. “Tôi chỉ là một nhà nhiếp ảnh, tôi nhìn bằng góc nhìn của mình.
Vẫn là Hà Nội của gồng gánh, của người ăn mày, của lũ lụt, nhưng nó không gợi những câu chuyện bi lụy. Bởi nếu người nghệ sĩ chọn góc nhìn thương hại sẽ khác. Tôi chụp bằng sự sẻ chia, thấu cảm với đời sống”, ông chia sẻ.
Và đó cũng là lý do khiến người xem ảnh của Nguyễn Hữu Bảo giật mình nhận ra, Hà Nội vẫn còn đây, trong sự bình yên, trong sự mất mát và trong cả những tiếc nuối…
Hạnh Nguyên(Cảnh Sát Toàn Cầu)