Không ai nghĩ những người bị bệnh đao (down), thiểu năng trí tuệ, hay đi lang thang, phá phách, bị xua đuổi... lại được đi học. Nhưng tại lớp học đặc biệt của mình, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Vĩnh Long) đã biến điều không thể thành có thể.

Cô giáo Nga và 20 năm lớp học cho trẻ tự kỷ, nhiễm HIV...

Kim Hà | 28/11/2018, 06:20

Không ai nghĩ những người bị bệnh đao (down), thiểu năng trí tuệ, hay đi lang thang, phá phách, bị xua đuổi... lại được đi học. Nhưng tại lớp học đặc biệt của mình, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Vĩnh Long) đã biến điều không thể thành có thể.

Vốn là 1 giáo viên dạy văn bậc THCS, sau khi hoàn thành công tác phổ cập giáo dục cho đoàn viên, đảng viên và phổ cập tiểu học, chống mù chữ những năm 1980, cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (62 tuổi, ngụ P.8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) về công tác tại trường tiểu học ở TP.Vĩnh Long.

Trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy những người bị thiểu năng trí tuệ, mắc bệnh đao, tự kỷ, khuyết tật, thậm chí những người nhiễm HIV... bị xã hội xa lánh. Vì thế, họ thường bị bỏ rơi, không được chăm lo về đời sống tinh thần và chưa được quan tâm về giáo dục. Lúc đó, cô giáo Nga đã nhen nhóm trong đầu suy nghĩ sẽ mở mộtlớp học để dạy miễn phí cho những học sinh kém may mắn.

Dạy không giống ai

Năm 1999, lớp học tình thương khai giảng khóa đầu tiên. Theo cô Nga, đa số những học sinh trong lớp học của cô đều có hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ luôn bận rộn với gánh nặng mưu sinh nên con họ phải đi bán vé số, thậm chí xin ăn để có thu nhập trang trải.

Hơn nữa, những người bị bệnh thì cần phải có người thân đưa rước, vì bản thân các em không biết đường đến lớp và cũng không biết đường về nhà.

Cô Nga say sưa giảng bài trong lớp học đặc biệt của mình - Ảnh: Nguyên Anh

“Lúc đầu phụ huynh chưa tin tưởng. Thậm chí, có người nói tôi dạy không giống ai, bởi những đứa không bình thường như vậy làm sao mà dạy được? Nhưng tôi vẫn quyết tâm, kiên trì đến thăm hỏi, động viên cho họ thấy được sự quan tâm xuất phát từ tấm lòng của mình để họ tin tưởng đưa con đến lớp. Năm đầu tiên có 16 học sinh tham gia lớp của tôi”, cô Nga tâm sự.

Vận động được học sinh đến lớp là một chuyện, còn việc phải dạy làm sao để các em có thể tiếp thu được là cả quãng đường chông gai đối với cô Nga. Ban đầu, cô đinh ninh trong đầu là sẽ dạy cho học trò của mình bằng phương pháp thông thườngcác em tiếp thu chậm thì cứ dạy nhiều lần thì sẽ được. Tuy nhiên, cách dạy này không thành công, vì các em học trước quên sau, khi căng thẳng thì rất dễ nổi nóng, không kiểm soát được hành vi.

Cô Nga đã tìm tòi nghiên cứu và tự soạn cho mình một loại “giáo án đặc biệt” để dạy cho phù hợp. Từ đó, những buổi học của cô trò không còn cứng nhắc, khô khan nữa, mà đan xen với những trò chơi, tặng quà, ca hát, kể chuyện, vẽ tranh… để tạo nên sự hào hứng, thích thú thu hút học trò đến lớp.

Năm 2009, cô Nga nghỉ hưu và dời hẳn lớp học về nhà mình. Để có nơi học tập thoải mái, cô đã tận dụng phần mái che tại nhà, cô Nga bố trí bàn, ghế, bảng; trang bị cả nhà vệ sinh, chỗ nghỉ ngơi, cơm nước cho học sinh nào mà ba mẹ đón trễ.

Những học sinh “đặc biệt” của cô giáo Nga - Ảnh: Nguyên Anh

Cô Nga tâm sự: “Ở đây tôi có 40 học sinh, đa số là các em thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, bệnh “đao” nên các em rất dễ nổi nóng và làm theo bản năng.Chỉ cần lơ là, không quan tâm một chút là xảy ra chuyện ngay. Nhiều lúc các em tăng động làm rối lớp và rối mình dữ lắm, nhưng mình phải chịu đựng thì từ từ mới có thể làm dịu các em. Vì thế khi dạy, điều quan trọng nhất là phải “nhẫn. Tôi luôn giữthái độ mềm mỏng, không la rầy, lúc nào cũng khen ngợi, khích lệ. Các em cãi nhau thì dùng lời lẽ khuyên răn nhẹ nhàng và luôn luôn thương yêu, quan tâm các em như chính người thân của mình vậy”.

Những học trò “đặc biệt”

Suốt 20 năm qua, nhiều người dân tại TP.Vĩnh Long không còn xa lạ với những động tác thể dục, tiếng đếm, tiếng vỗ tay giòn giã cùng những bài hát ngô nghê vang lên mỗi ngày tại nhà bà giáo già. Bài học thường ngày là các bài hát thiếu nhi, ca ngợi quê hương; tập viết, tập đọc, vẽ tranh tô màu, làm toán, đạo đức... Cứ thế, những đứa trẻ tưởng chừng như không bao giờ hòa nhập được với xã hội bỗng nhiên trở nên gần gũi, lễ phép, ngoan ngoãn.

Học trò luôn dành những tình cảm yêu mến cho cô giáo của mình - Ảnh: Nguyên Anh

Theo cô giáo, điều khó khăn nhất khi dạy ở lớp học tình thương là khả năng tiếp thu của học sinh rất chậm. Cô chia sẻ: “Có người nhìn mình viết trên bảng thì viết theo được hết, nhưng kêu đọc thì đọc không được, không nhớ để đánh vần. Ví dụ những chữ đơn giản như: Cha, mẹ… thì đọc được, còn những chữ nhiều âm tiết ghép lại thì họ lại quên”.

Do đó, cô phải dạy đi dạy lại nhiều lần, thậm chí năm này qua năm nọ mới khắc sâu trong trí nhớ. Đối với cô Nga, mỗi sự tiến bộ của học trò dù chỉ là viết được một chữ, đọc được một vần cũng là niềm vui to lớn. Tuy vậy, cô giáo Nga vẫn trăn trở về số phận tương lai các em. Đa số các học sinh trong lớp học có hoàn cảnh rất đáng thương, thiếu thốn tình cảm gia đình,có em thì cha mẹ mất sớm, có em thì bị bỏ rơi phải sống nương nhờ ông bà...

Cô cho biết, trong lớp có em bị nhiễm HIV, cha mẹ đã mất. Em này thường xuyên vắng mặt vì phải theo bà nội ban ngày đi bán vé số, ban đêm thì đi xin ăn. Có em học sinh bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng từ người cha nghiện rượu. Khi sinh em này được vài ngày thì người mẹ bị ra máu sản hậu và mất trong lúc đang ẵm con cho bú. Đến tuổi vào lớp 1 thì em học không được, nên người nhà đưa qua lớp của cô. Ngày đầu đến lớp em này nói chuyện không rõ, nhưng hiện nay đã nói được, tiến bộ rất nhiều.

Bà Lê Thị Anh Đào (56 tuổi, ngụ xã Thanh Đức, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) tâm sự: “Con tôi bị bệnh “đao”, tôi cho vào học lớp cô Nga đã 3 năm rồi. Lúc đầu đưa vô thì tôi cũng lo sợ con tôi không học được, nhưng nhiều người cũng khuyên nên đưa con đến học để nó lanh lợi, hiểu biết chứ để ở nhà cháu không tiếp xúc với ai rồi sinh bệnh trầm cảm nữa.

Học với cô Nga, bây giờ con tôi có thể viết theo chữ cô cho trong tập, biết tô màu, vẽ tranh.Về nhà thì lễ phép lắm, rất vâng lời, không còn tự ý đi lung tung như trước đây nữa. Thấy con được như vậy, vợ chồng tôi rất mừng!”. Đó là em Nguyễn Hiếu An (16 tuổi).

Em Nguyễn Hiếu An (16 tuổi, con trai của bà Đào) đã theo học tại lớp này đã 3 năm - Ảnh: Nguyên Anh

Còn bà Lê Ngọc Yến (ngụ xã Tân Thạnh, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là bà nội của em Trịnh Thành Đạt (11 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ) không giấu được sự vui mừng khi cháu mình có thể đọc, viết và làm toán được khi học ở lớp cô Nga.

Bà Yến chia sẻ: “Tôi rất biết ơn cô Nga và thật sự khâm phục cô ấy. Vì ở nhà mình chỉ có mỗi đứa cháu mà còn chăm không xuể, còn ở đây cô Nga nhận 40 đứa, mỗi đứa mỗi bệnh khác nhau mà cô vẫn chịu đựng được. Không những vậy, cô còn dạy tụi nó ngoan ngoãn, biết nghe lời. Tụi nó cũng mến cô lắm. Nhiều khi đang học có đứa chạy lên ôm cô, hay có đứa thấy áo cô dính bẩn cũng lại phủi giúp”.

Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp đó, vừa qua cô Nga đã được Ủy ban Giải thưởng Kova đã vinh danh ở hạng mục Sống đẹp với những việc làm tốt, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng lần thứ 16 năm 2018.

Nguyên Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo Nga và 20 năm lớp học cho trẻ tự kỷ, nhiễm HIV...