Có thể đoán định, tên Huế là tên dân dã, chỉ cái tên Thuận Hóa, do đọc chệch Hóa thành Huế. Còn tại sao lại đọc chệch như thế, thì có lẽ phải nghiên cứu ngữ âm tiếng địa phương...

Cố đô triều Nguyễn mang tên Huế từ bao giờ?

01/11/2017, 05:28

Có thể đoán định, tên Huế là tên dân dã, chỉ cái tên Thuận Hóa, do đọc chệch Hóa thành Huế. Còn tại sao lại đọc chệch như thế, thì có lẽ phải nghiên cứu ngữ âm tiếng địa phương...

Chùa Thiên Mụ (TP.Huế), một danh thắng nổi tiếng đất cố đô - Ảnh: Nguyễn Thông

Nhiều người hỏi tôi: Huế được gọi từ bao giờ? Tên "Huế" là vì sao?

Hỏi tôi thì tôi hỏi ai. Nếu không hỏi được, bèn hỏi một kho thông tin rất ba vạ là… Wiki. Ra thế này: Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì:

-Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".

-Những tài liệu sử học cũ ngoại trừ Quốc triều chính biên toát yếu khi nói tới Huế, đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế.

-Bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện.

-Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué.

-Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.

-Trong một lá thư viết tại Sài Gòn ngày 15 tháng 7 năm 1789 của Olivvier de Puynamel gửi cho Létodal ở Macao, hai lần cái tên Hué được nhắc đến khi nói về tình hình nơi này". (hết trích Wiki)

Đã bảo wiki chỉ là kho tin tham khảo thôi. Nó không biết rằng ngày 20.10.1898, dụ của Vua Thành Thái lập thị xã Huế, ngày 30.8.1899 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ và ngày 12.12.1929 được nâng thành thành phố Huế (người vô danh nào đó viết wiki... đã vô tình hay hữu ý quảng bá cho ông Trần Trọng Kim).

Có thể đoán định, tên Huế là tên dân dã, chỉ cái tên Thuận Hóa, do đọc chệch Hóa thành Huế. Còn tại sao lại đọc chệch như thế, thì có lẽ phải nghiên cứu ngữ âm tiếng địa phương Thừa Thiên-Huế, (nếu kiêng húy thì sao không ai nói đến?).

Ngọ Môn kinh thành Huế - Ảnh: Nguyễn Thông

Duy có việc gọi Thuận Hóa thành ra Hóa - Huế thì hiểu được. Cư dân Việt truyền thống, tên cổ (nôm) địa danh toàn đơn âm, bây giờ còn rơi rớt một ít ở phía bắc, được lưu dân mang tập quán ấy vào miền Nam. Quê tôi gần Hải Phòng, cho đến trước 1975, dân cư vẫn gọi thành phố ấy là Phòng (bỏ chứ Hải). Người Huế gọi Thuận Hóa là Hóa/Huế cũng vậy thôi.

Nghe nói năm 2014, Huế có cuộc hội thảo về đổi hay không đổi tên Huế. Tôi cho rằng đổi hay không cũng... OK. Gọi béng là Thuận Hóa, hay Phú Xuân cũng được, mà để Huế thì cũng hay, hay ở cái giữ cái hồn dân dã, đưa dân dã thành chính quả, vào hệ thống danh xưng nhà nước.

Tôi viết mấy điều như trên đây, vì đang ở Huế, chiều nay mưa trên phố Huế, kiếp giang hồ có bến đợi. Chợt nhớ câu thơ rất hay (của ai quên rồi): Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Giang hồ Huế nghe cơm sôi Huế, chợt lẩn thẩn nghĩ tại sao lại Huế.

Nguyễn Xuân Hưng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố đô triều Nguyễn mang tên Huế từ bao giờ?