Thanh tra TP.HCM chỉ rõ có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op. Điều này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, an ninh kinh tế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản tại Saigon Co.op

27/07/2020, 16:59

Thanh tra TP.HCM chỉ rõ có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op. Điều này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, an ninh kinh tế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Kết luận Thanh tra TP.HCM chỉ ra nhiều sai phạm tại Saigon Co.op - Ảnh: TL

Ngày 27.7, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op).

Nhiều sai phạm tại Saigon Co.op

Theo kết luận thanh tra, việc tăng vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op thực hiện chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ tổ chức, hoạt động của Saigon Co.op đã được đại hội thành viên thông qua. Hợp tác xã (HTX) thành viên đã huy động nguồn vốn góp từ bên ngoài chứ không phải từ thành viên của các HTX để góp vốn vào Saigon Co.op.

Đặc biệt, trong các năm 2018, 2019 có 6 HTX hoạt động kinh doanh không có hiệu quả. Trong những năm này, có một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỉ đồng nhưng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỉ đồng là điều không bình thường.

Bên cạnh đó, phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các HTX thành viên cho thấy tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26% - 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Đặc biệt, kết luận cũng chỉ rõ có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay. Điều này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Việc này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Để quá trình thanh tra được chính xác, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, ngày ngày 24.7, Thanh tra TP.HCM có văn bản đề nghị chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tiến hành đại hội biểu quyết các vấn đề liên quan. Việc làm này ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên... là vi phạm pháp luật thanh tra.

Cũng theo kết luận thanh tra, Saigon Co.op được UBND TP.HCM phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động theo quyết định số 1344/QĐ-UB-KT ngày 5.3.1999 với tổng vốn đăng ký là hơn 23 tỉ đồng. Từ năm 1999 đến nay, Saigon Co.op được UBND TP.HCM giao cùng Sở Tài chính - Vật giá TP (nay là Sở Tài chính) xây dựng quy chế quản lý nguồn vốn này trình UBND TP.HCM. Mặc dù vậy, đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, Saigon Co.op còn một số sai phạm khác về quản lý tài chính.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Kết luận của Thanh tra TP.HCM nêu rõ các sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của HĐQT, thành viên liên hiệp, ban tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.

Trên cơ sở các kết luận được công bố, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo, yêu cầu Saigon Co.op nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật thanh tra. Theo đó, thành phố cần tạm ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra và không thay đổi nhân sự HĐQT, ban tổng giám đốc, lãnh đạo các phòng ban đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền.

Saigon Co.op chủ trì phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương xây dựng quy chế để quản lý, mở sổ theo dõi chặt chẽ tài sản không chia tích lỹ qua các năm được tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán TP chuyển sang đến nay, nguồn tài trợ khác và Saigon Co.op có nghĩa vụ sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển.

Cùng với đó, tổ chức rà soát kiểm tra, làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên, đề xuất phương án xử lý số vốn điều lệ tăng từ vốn, tài sản không chia; số tiền huy động năm 2020 tăng vốn điều lệ không đúng quy định. Saigon Co.op cũng cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý số tiền tăng vốn điều lệ từ nguồn tích lũy không chia qua các năm để báo cáo UBND TP.HCM.

Thanh tra TP.HCM cũng yêu cầu Saigon Co.op xây dựng phương án huy động vốn cụ thể, phương thức thực hiện, đồng thời đảm bảo phù hợp chủ trương, chính sách của TP; cần lấy ý kiến của các sở- ngành chức năng trước khi trình UBND TP.HCM.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản tại Saigon Co.op