Áp lực về chủ động nước sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng đang cận kề khi mùa khô đang tới. Tuy nhiên, công trình nhà máy nước Hòa Liên vừa bị hủy thầu, chưa biết có khả năng hoàn thành theo tiến độ hay không khi pháp lý về đấu thầu vẫn chưa được chủ đầu tư làm thỏa đáng đối với đơn vị tham gia - nguồn cơn có thể gây ra khiếu kiện - gây chậm trễ dự án.

Có bất thường không vụ Đà Nẵng hủy gói thầu ngàn tỉ xây dựng nhà máy nước?

17/02/2020, 07:51

Áp lực về chủ động nước sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng đang cận kề khi mùa khô đang tới. Tuy nhiên, công trình nhà máy nước Hòa Liên vừa bị hủy thầu, chưa biết có khả năng hoàn thành theo tiến độ hay không khi pháp lý về đấu thầu vẫn chưa được chủ đầu tư làm thỏa đáng đối với đơn vị tham gia - nguồn cơn có thể gây ra khiếu kiện - gây chậm trễ dự án.

Khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy nước Hòa Liên

>> Vì sao gói thầu nhà máy nước ngàn tỉ bị Đà Nẵng hủy

Hủy thầu rồi mời thầu chóng vánh

Gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình nhà máy nước Hòa Liên (EPC) có giá hơn 1.031 tỉ đồng do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, mở thầu vào ngày 16.9.2019.

Nội dung chính của gói thầu là lập thiết kế bản vẽ thi công Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm; cung cấp lắp đặt thiết bị công nghệ; thi công xây dựng nhà máy, trạm bơm, tuyến ống và đập dâng...

Ngày 30.9.2019, liên danh SC5-KCON-HPC-Đại Việt được công bố trúng thầu.

Ngày 17.1.2020, ông Lương Thạch Vỹ, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã ký quyết định hủy kết quả lựa chọn liên danh SC5-KCON-HPC-Đại Việt.

Nguyên nhân hủy thầu được ban này cho biết: Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì không có cơ sở xác định Công ty Đại Việt là nhà thầu tư vấn phụ thiết kế công trình mở rộng nhà máy nước Dĩ An (Bình Dương) nâng thêm công suất 100.000m3/ngày đêm. Lý do là trong hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình này không có tên, chữ ký của nhân sự có liên quan và dấu của Công ty Đại Việt.

Với phân tích này, chủ đầu tư cho rằng Công ty Đại Việt không đáp ứng năng lực trong liên danh xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, không chứng minh được năng lực kinh nghiệm làm công trình tương tự trước đó.

Trước quyết định chóng vánh của phía chủ đầu tư, nhà thầu Đại Việt ngày 16.1.2020 đã có đơn xin cứu xét khẩn cấp gửi đến Thành ủy Đà Nẵng và các sở ngành liên quan; tuy nhiên, theo thông tin được biết thì đến nay chưa có hồi đáp nào cho việc này.

Trước ngày chủ đầu tư công bố quyết định hủy kết quả trúng thầu, công ty Đại Việt đã ký đơn xin cứu xét gửi các cấp ngành Đà Nẵng

Nhà thầu có thể khởi kiện ra tòa án

Việc chủ đầu tư quyết định hủy thầu đã làm dư luận có nhiều nghi vấn khi trước đó, trả lời tham vấn cho chủ đầu tư liên quan quyết định hủy thầu, Cục Quản lý đấu thầu cũng như Sở Tư pháp Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng nêu ý kiến về các vấn đề khiếu nại liên quan gói thầu này và cho rằng hồ sơ của công ty Đại Việt là phù hợp.

Theo đó, trong tài liệu mà công ty Đại Việt cung cấp trong đơn cứu xét để chứng minh từng là nhà thầu phụ cho công trình mở rộng nhà máy nước Dĩ An có hợp đồng thầu phụ ký với nhà thầu chính và được chủ đầu tư nhà máy nước Dĩ An xác nhận.

Bình luận về vụ việc, luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng: “Liên quan đến yêu cầu điều kiện nhà thầu tham gia dự thầu của dự án mới phải có các điều kiện nhất định, trong đó có thể phải đáp ứng điều kiện đã từng tham gia thực hiện các gói thầu tương tự trước đó là điều thường thấy trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định như thế nào là đảm bảo tư cách nhà thầu phụ đúng theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể, theo Khoản 36 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định cách để xác định một nhà thầu phụ được quy định là: “Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng đã ký với nhà thầu chính”. Như vậy, nếu trong dự án trước đó, Công ty Đại Việt đã ký kết hợp đồng thầu phụ với nhà thầu chính, đã được cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu chính xác nhận tư cách nhà thầu phụ, có đầy đủ hồ sơ làm bằng chứng cho việc thực hiện công việc trên thực tế thì họ đủ điều kiện đã thực hiện gói thầu tương tự theo luật định.

“Theo các thông tin, văn bản mà Công ty Đại Việt cung cấp thì chúng tôi cũng thấy rằng Công ty Đại Việt được coi là đạt về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự và đã được Cục Quản lý đấu thầu xác nhận tại công văn số 1224/QLĐT-CS”, luật sư Trần Hậu cho hay.

Ngoài ra, về cách thấu hiểu và giải thích quy định của pháp luật, chúng tôi cho rằng cơ quan chuyên môn là Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng đã có ý kiến rất phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng khẳng định tại công văn số 32/STP-XDKTVB ngày 3.1.2020 rằng “Công ty Đại Việt được sử dụng hợp đồng này để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự cho gói thầu Nhà máy nước Hòa Liên”.

Luật sư Hậu cho rằng: “Như vậy, từ các quy định của pháp luật, từ nhận định của Cục Quản lý đấu thầu, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, tất cả đều xác nhận tư cách dự thầu của Công ty Đại Việt là hợp pháp, do đó việc hủy thầu là rất có vấn đề và cần phải cẩn trọng xem xét lại”.

Một vấn đề được đặt ra là nếu như nhà thầu làm đơn khởi kiện trong khi ngày 20.2 sắp đến, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng mở thầu lại thì mọi việc sẽ trở thành như thế nào.

Về trách nhiệm, luật sư Trần Hậu phân tích: “Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi, quyết định hủy thầu, thay đổi lại kết quả đấu thầu vì lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp khác sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình; đồng thời hiện nay luật quy định rõ nếu việc hủy thầu trái pháp luật thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra theo quy định tại khoản 10 Điều 73, khoản 9 Điều 74 Luật đấu thầu năm 2013”.

“Do đó, khi bị hủy thầu mà không được xem xét, xử lý để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp dự thầu thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu phải bồi thường tất cả các thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp”.

“Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ dựa vào cơ sở liên quan đến chuyện không ký, xác nhận trên bản vẽ của dự án trước đó mà Công ty Đại Việt tham dự, để cho rằng công ty này không đáp ứng hồ sơ mời thầu của dự án mới từ đó, sau khi đã công bố họ trúng thầu, qua quá trình lâu dài rà soát, kiểm tra, tổ chức đấu thầu nay lại thay đổi kết quả đấu thầu là không thỏa đáng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, luật sư Hậu cho hay.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã không ít việc lùm xùm liên quan đến việc doanh nghiệp khởi kiện chính quyền. Nếu như các sở, ban ngành hay chính quyền Đà Nẵng cho rằng việc kiện là thể hiện sự văn minh nhưng khi có quá nhiều doanh nghiệp đi kiện chính quyền thì câu chuyện về năng lực quản lý cần được đặt ra.

Thạch Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có bất thường không vụ Đà Nẵng hủy gói thầu ngàn tỉ xây dựng nhà máy nước?