Về quê cùng gia đình vào dịp tết là khoảng thời gian đẹp nhất mà ai cũng từng có... Và dưới đây là những câu chuyện tôi nghe được trong những ngày về quê ăn tết.

Chuyện nhặt được ở quê ngày tết

Tiểu Vũ | 04/02/2022, 09:19

Về quê cùng gia đình vào dịp tết là khoảng thời gian đẹp nhất mà ai cũng từng có... Và dưới đây là những câu chuyện tôi nghe được trong những ngày về quê ăn tết.

Thường là mỗi cuối tháng chạp, phố huyện quê tôi (đất Quảng Nam) lại đón nhận rất nhiều người tứ tán khắp nơi trở về quê ăn tết, có thể nói đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm ở xứ sở này. Bến xe thị trấn thành nơi vui nhất bởi ở đó luôn có những chuyến xe chở đầy niềm vui hội ngộ liên tiếp đổ về bến quê nhà.

Với tôi, có lẽ dịp về quê ăn tết lần này là sự kiện rất đặc biệt và đáng nhớ, bởi trước đó tôi và rất nhiều người phải sống trong cảnh bốn bề phong tỏa cách ly do đại dịch COVID-19 càn quét nhiều tháng ở Sài Gòn. Và cuối cùng chúng tôi cũng được bình yên rời thành phố trở về ngôi nhà thân yêu nơi quê hương mình trong mong đợi của biết bao người thân.  

Khi đặt những bước chân đầu tiên về mảnh đất quê hương để đi qua những ngả đường thân thuộc, tâm hồn tôi đong đầy những cảm xúc lạ lùng thật khó tả. Phố huyện già cỗi cổ kính bất ngờ trở nên rộn ràng tươi mới và trẻ lại hẳn. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong số những người về quê ăn tết, đông nhất vẫn là đám trẻ con. Đi đâu cũng nghe thấy tiếng nói chuyện với nhau bằng chất giọng nửa Sài Gòn nửa Quảng. Họ rủ đi chợ hoa, sắm tết, đi cà phê, ăn tất niên, đi thăm người thân, bạn bè, thậm chí là đi... nhậu. 

z3070417177189-f4a16bd0d70336a71a601a0daf33db76-8561.jpg
Người trẻ xếp hàng lên xe về quê ăn tết - Ảnh:  Lê Thanh

Tôi cũng hòa mình vào niềm vui chung đó bằng cách lang thang trên những con đường phố huyện. Nhìn hai bên đường tôi thật sự mừng vui trước sự đổi mới của quê hương. Đường phố giăng như bàn cờ, ngã ba ngã tư đã lắp đèn xanh đèn đỏ. Dù phố huyện bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng những con đường vẫn được trang trí đèn hoa để đón tết, nhìn rất đẹp; chợ huyện đông nghẹt người đi sắm tết, hàng quán cà phê với nhiều phong cách lúc nào cũng đầy khách.

Cách nhà tôi vài căn, năm ngoái vẫn còn đất trống, năm nay lại thấy vài nhà mới xây khang trang màu sơn còn mới tinh. Hỏi ra mới biết đó là “nhờ tiền của con Thảo, thằng Tuấn đi làm bên Nhật gửi về cho ba nó mua đất xây nhà”. Ra khỏi xóm tới trung tâm phố huyện. Mới quy hoạch có vài năm mà nay phát triển đến mức nhìn không thể nhận ra, đường hai chiều, hai bên đường là những dãy nhà san sát, ở những vị trí đắc địa có những tòa nhà đồ sộ với những chiếc xe hơi bóng lộn đậu trước cửa.

Về quê lần này vui quá, niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, khi thấy phố huyện quê tôi phát triển quá nhanh. Càng vui hơn khi biết lứa bạn bè của tôi ngày đó có nhiều đứa thành đạt, đường thăng tiến thênh thang. Cũng có người lên làm lãnh đạo trong chính quyền cấp xã cấp huyện; sự nghiệp, cơ ngơi bề thế...

Tôi đã sống trong niềm vui ấy suốt những ngày ở quê ăn tết... Nhưng khi tĩnh tâm lại, tôi dần dần hiểu ra, phía sau sự "hoành tráng" của phố huyện quê tôi là những câu chuyện không mấy vui vẻ khi được thằng bạn thân lấy xe máy chở đi một vòng quanh thị trấn.

Khi đi ngang qua công viên, tôi hỏi: "Nhà của ai mà to đẹp hai mặt tiền lại trước công viên rứa?", "Nhà anh L. hồi trước làm bí thư chứ ai!". "Cái biệt thự này của ai ri?", "Của anh N. phó chủ tịch". "Đây là nhà của anh S. hồi xưa làm bên viện kiểm sát", "Miếng đất này của anh T. đương bí thư", "Cái nhà hoành tráng trên đồi là của anh K. hồi trước làm ban quy hoạch", "Cái nhà to đùng mấy tầng hai mặt tiền sát chợ của ai vậy mày? "Của ông Ng. bí thư nhiệm kỳ trước”… Suốt con đường quanh phố huyện, khi hỏi tôi luôn nhận được những câu trả lời đại loại như vậy.

Về quê, tôi lại được nghe những câu chuyện “muôn năm cũ” như bác lãnh đạo kia về hưu rồi nhưng vẫn cố gắng “cắm” thằng con trai vào một vị trí nào đó trong chính quyền địa phương. Đương kim bí thư huyện đoàn là con trai của cựu bí thư huyện ủy; phó chủ tịch xã hiện nay là con trai ông phó bí thư xã vừa nghỉ hưu năm ngoái… Vì thế chuyện tốt nghiệp đại học xong "về phục vụ quê hương" vẫn là câu khẩu hiệu vui chứ khó thành hiện thực. “Ngay những vị trí nho nhỏ như cán bộ địa chính, phòng văn hóa thông tin, cán bộ đoàn, văn thư, hội phụ nữ, ban dân chính... cũng không có cửa đâu nha cưng”, thằng bạn nói với tôi như vậy.

Nghe những câu chuyện vậy, tôi ngỡ ngàng nhận ra điều: "Quê hương là để nhớ để thương chứ không phải để ở". Đó là thực tế buồn và chua xót, nhưng biết làm sao, nếu những người trẻ như tôi ở lại quê nhà thì cơ hội nào cho chúng tôi?

Và tôi hiểu vì sao mỗi năm vào cuối chạp phố huyện quê tôi lại rộn ràng đón rất nhiều người về quê ăn tết. Sang năm, sang năm và xa hơn nữa chắc vẫn thế...

Bài liên quan
Đầu năm nghe ‘Xuân và tuổi trẻ’ nhớ nhạc sĩ La Hối
Ngày xuân nghe lại ca khúc "Xuân và tuổi trẻ" của nhạc sĩ tài hoa La Hối, người đã hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương đất nước. Trong giai điệu rộn ràng ấy thấp thoáng một đoạn đời hào hùng bi tráng tráng của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện nhặt được ở quê ngày tết