Ngành Y lâu nay vốn lắm chuyện không giống ai, được dư luận quan tâm và ầm ĩ mạng xã hội. Mới nhất là chuyện nguyên tư lệnh ngành bị đề nghị kỷ luật, 2 phó tư lệnh vướng vòng lao lý. Rồi “tướng” của hai bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị bắt. Trong đó, sếp Bệnh viện Thủ Đức bị bắt kéo theo một “tiểu đội” chạy án.
Lực lượng chạy án chủ chốt có cựu cán bộ Bộ Công An, cựu thành viên Hội đồng Trị sự giáo hội Phật Giáo (đã hoàn tục), Tổng giám đốc một công ty du lịch hàng đầu và cả lao động tự do. Mở rộng điều tra, có khi nhà tù tang thêm cả trung đội. Nhiều người đề nghị đại phẫu ngành Y vì quá nhiều đồn đoán tiêu cực trong hai năm dịch bệnh. Đảm bảo, đụng tới đâu, vỡ tới đó.
Không ai phủ nhận nỗ lực của ngành Y, lực lượng tinh nhuệ tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ vắt kiệt sức, quên cả mạng sống mình để chống dịch, vẫn có lắm kẻ rắp tâm “đâm sau lưng chiến sĩ”. Số đông họ là những người có chức, có quyền, cấu kết với doanh nghiệp vật tư y tế, đẩy giá lên trời, thao túng dịch vụ.
Người bệnh lãnh đủ, nhà nước thiệt đơn thiệt kép. Vừa mất tiền, mất cán bộ, mất nhiều mạng người vô tội, chết tức tưởi; nhưng lớn nhất là mất niềm tin vào ngành Y và bộ máy nhà nước. Những người sắp đứng trước vành móng ngựa, có người từng là anh hùng lao động, có người là chuyên gia hàng đầu, có người là thần tượng của bệnh nhân và không ít bạn trẻ.
Có người bảo do cơ chế và hoàn cảnh. Tôi bỗng nhớ chuyện cò và quạ mà lúc sinh thời, mẹ thường đem ra răn dạy các con. Rằng “Con cò lặn lội bờ sông. Mà sao áo trắng như bông suốt ngày. Quạ kia dẫu ở trên cây. Mà sao áo lại dính đầy tro than”. Đừng đổ tội cho hoàn cảnh. Phải lượng sức mình, nếu không kham nổi thì từ chối, đâu ai ép buộc. Thậm chí nhiều người còn phải chạy chọt, lobby.
Cách đây gần 10 năm, nhà báo Hoàng Thiên Nga, người vừa đạt giải A báo chí quốc gia với loạt bài về tiêu cực ngành y đã cảnh báo khi tâm sự: “Tham nhũng trong ngành y là khủng khiếp nhất vì ăn chặn nguồn sống của bệnh nhân, nhất là người nghèo. Vịn cớ là hàng hóa đặc biệt nên phải chỉ định thầu, phù phép và thông đồng đẩy giá kịch trần. Không thể tưởng tượng nổi”.
Chuyện tiêu cực của ngành y mới phơi bày chút đỉnh đã rất buồn. Nhưng có chuyện còn đáng buồn hơn dù chẳng dính gì đến tham nhũng. Báo Dân Trí ngày 6.11.2021 đưa tin “Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi điều trị ung thư lớn nhất nước, chỉ còn 10% bệnh nhân đến điều trị suốt mùa dịch. Không phải vì bệnh ung thư giảm mạnh, mà vì phong tỏa, người bị ung thư không thể đến điều trị nên lãnh đạo bệnh viện cầu cứu”.
Ung thư là bệnh nền nguy hiểm, là môi trường cho COVID-19 cướp mạng nếu chẳng may vướng F0. Buồn vì nhiều bệnh nhân bỏ mạng vì không được điều trị kịp thời. Tưởng bệnh viện cầu cứu giúp bệnh nhân nhưng không, cầu cứu vì “Lo 1.600 cán bộ nhân viên “mất Tết” do không có người bệnh nên không có nguồn thu”?
Chẳng lẽ bệnh viện sống bám vào bệnh nhân. Nếu vậy, phải nuôi bệnh, mới có nguồn thu? Bệnh viện công còn vậy, các bệnh viên tư thì thế nào? Không có bệnh nhân, đáng lý bệnh viện phải ăn mừng nhưng ngược lại. Nghịch lý này làm trăn trở, ray rứt bao người, cả trong lẫn ngoài ngành y. Có người an ủi, may là chỉ mới có một bệnh viện cầu cứu. Nếu cả ngành cầu cứu, chắc “bó tay chấm com” toàn tập.
Nhiều bạn bè và học trò tôi làm trong ngành y, khi được hỏi đều cười buồn hoặc xin phép không trả lời. Họ bảo “Thực trạng bệnh viện sống nhờ bệnh nhân ở Việt Nam ngày càng trầm trọng”. Ở các nước và cả miền Nam trước 1975, bệnh viện được gọi là “Nhà thương”, công, tư minh bạch. Người nghèo đã có nhà thương thí. Chẳng bù cho hiện nay. Cứ bị F0 thử xem, nghèo là khó thoát.
Có bị bệnh, mới biết qúy sức khỏe. Cả đời, nếu biết mình không bao giờ ốm đau thì tham vọng khôn lường. Đang khỏe mạnh, bệnh là rất khổ. Bệnh mà nghèo lại càng bất hạnh hơn. Tốt nhất là ráng tập thể dục, ăn uống, sống lành mạnh để không bệnh. Nhưng mình không khổ thì bệnh viện sẽ khổ vì không có nguồn thu.
Trước dịch, luôn quá tải, cả người bệnh, người nhà, lẫn bệnh viện đều kêu khổ. Mỗi người có cái khổ riêng. Dịch bệnh, vắng hẳn bệnh nhân (có khi đã lìa đời vì COVID-19), chỉ còn bệnh viện kêu khổ. Có người nửa thật nửa đùa “Khổ quá, không chừng phải giải cứu như nông sản thì nguy to!”. Chẳng lẽ, lúc đó lại phát động toàn dân “Thi đua bị bệnh để cứu các bệnh viện?”.
Các cơ sở công lập đều có ngân sách ổn định. Từ bệnh viện, trường học đến di tích bảo tàng. Bệnh viện công nhưng vẫn thu viện phí và khám dịch vụ là nguồn thu chính. Dẫu rằng bảo hiểm y tế là bắt buộc với gần 90% dân số nhưng vẫn bất cập. Trường công nào cũng thu học phí, dù chỉ tượng trưng. Học phí tiểu học và trung học cơ sở hàng tháng, nhiều khi chưa bằng một giờ học thêm.
Mấy bảo tàng, di tích đa phần sống nhờ nguồn thu đám cưới, đám tiệc; cho thuê mặt bằng mở quán cà phê, buôn bán. Dịch bệnh, không chỉ thất mà mất nguồn thu. Chỉ là họ chưa hoặc không dám lên tiếng cầu cứu vì biết rằng “Nỗi khổ này không của riêng ai”. Vấn đề là ai cứu?. Bộ còn chưa cứu nổi mình thì cứu ai. Trời thì chưa bao giờ thấy, nói chi gặp. Không ít đơn vị, thay vì kêu ca, chủ động tìm cách tự cứu theo cách riêng của mình.
Các doanh nghiệp cũng vậy. Kêu vẫn kêu, được phần nào hay phần đó. Chỉ đề nghị hỗ trợ chứ không cầu cứu. Từng doanh nghiệp phải tự cứu nếu không muốn tự chết. Khám chữa bệnh dịch vụ cũng như các trường học dạy thêm; không thể là nguồn thu chính. Hậu dịch, rất nhiều khiếm khuyết của cơ chế quản lý nhà nước bộc lộ, không riêng gì ngành y. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Lỗi của cá nhân một nhưng lỗi cơ chế gấp mấy lần.
Bài toán chẳng đơn giản nhưng đáp số không quá khó. Cơ chế do con người tạo ra thì con người cũng có thể thay đổi. Quan trọng là có muốn thay đổi và thay đổi triệt để hay không. Vấn đề cấp bách là tinh gọn và sắp xếp lại bộ máy quản lý. Các hội đoàn phải tự lực chứ không bao cấp. Các nước đều làm vậy. Lĩnh vực nào cũng thế; công – tư rõ ràng, lương viên chức đủ sống căn bản và lương thiện.
Không thể cứ một mình một chợ, làm khác thiên hạ mãi. Hoặc Việt Nam sai, hoặc cả thế giới sai. Những chuyện lạ ngành y, ngành nào cũng có.