Nhắc đến “năm Thìn bão lụt”, nhiều người nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở xứ Gò Công và nhiều tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Đây là trận bão lụt lịch sử, cách đây gần 120 năm.

Chuyện ít biết về 'năm Thìn bão lụt' xứ Nam Kỳ

Văn kim Khanh | 17/09/2023, 20:30

Nhắc đến “năm Thìn bão lụt”, nhiều người nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở xứ Gò Công và nhiều tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Đây là trận bão lụt lịch sử, cách đây gần 120 năm.

bl-2.jpg
Sau bão lụt, Gò Công thành bình địa - Ảnh: TL

Đến nay, tư liệu về trận bão lũ này không nhiều, chủ yếu thông qua sách báo còn lưu hay văn học dân gian. Hồi còn nhỏ người viết đã nghe ông ngoại hay nói câu: “Năm Thìn bão lụt chiếu trôi xa giường”.

Hay trong dân gian, nếu ai đó nói chuyện xưa cũ thì người dân hay nói câu: “Ông đó nói toàn chuyện Năm Thìn bão lụt”. Có nghĩa rằng ông đó nói toàn chuyện xưa cũ. Như vậy, thật ra chuyện năm Thìn bão lụt là như thế nào?

bl-1.jpg
Làng mạc Gò Công tiêu điều chết chóc sau bão lụt - Ảnh: TL 

Cho đến nay tư liệu viết về trận cuồng phong, bão lụt này không nhiều. Tác giả Việt Cúc, Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình, Hồ Biểu Chánh, nhà báo Nguyễn Ngọc… có nhắc đến.

Qua một số thơ, ca dao, thành ngữ trong dân gian, hình ảnh về sự kiện thiên tai này cũng có được đề cập nhưng không nhiều. “Năm Thìn bão lụt”, là cơn bão lụt là trận bão lụt kinh hoàng ở Nam Kỳ. Xứ Gò Công chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều vùng phụ cận như Định Tường, Cần Giờ và nhiều tỉnh Nam Kỳ đến tận Cà Mau cũng bị ảnh hưởng lớn. 

bl-5.jpg
Bão lụt ảnh hưởng tới Vũng  Tàu - Ảnh: TL

Trong cuốn sách Gò Công cảnh cũ người xưa của cụ Việt Cúc xuất bản thập niên 1970, sau đó được NXB Trẻ tái bản vào năm 1993 có thông tin về sự kiện này. Theo cụ Việt Cúc, đó là ngày Rằm tháng 3 năm Giáp Thìn đương mùa khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ bỗng trời nộ cuồng phong, mây đen bao phủ từ 10 giờ sáng đến chạng vạng.

Đến hơn 5 giờ chiều: “Bỗng xoay chiều gió từ phương Đông ào ào xô gãy cây và trốc gốc, vách nhà đổ xiêu. Lá cây, lá lợp nhà tốc bay tứ tung, cây cối nằm la liệt”. Cụ Việt Cúc cho rằng: “Không chỉ vậy, tàu thuyền ngoài biển, trong sông bị nhấn chìm vô số, xác người, xác súc vật trôi lềnh bềnh trên sông, cảnh tượng tang thương - bình địa khởi phong ba”.

bl-9.jpg
Cụ Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình có 1 bài viết về Năm Thìn bão lụt - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trong bài viết về Bão lụt năm Thìn của tác giả Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình có viết: “Ngày 16 tháng 3 âm lịch năm Giáp Thìn, nhằm ngày 1 tháng 5 dương lịch năm (1904), một trận lụt nổi lên phá hoại toàn cõi Nam Kỳ. Riêng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là thiệt hại nặng nhất”.

Ông Huỳnh Ngọc Liêng soạn một bài thơ nhắc nhở lại và ai điếu những người bị nạn:

Mỹ Tho trận bão thình lình. 

Cơ trời xui khiến dân tình xót xa 

Giáp Thìn nhằm tiết tháng ba 

Sớm mai mười sáu trời đà mưa giông

Tưởng là phong vũ bất đồng 

Chỗ này thì có, nơi không đâu chừng…”

Ông cũng ghi lại những hình ảnh tang thương sau bão lụt:

Rương xe, thùng bộng, mái lơn

Thuyền chài, cối giã, chạy bôn trên đồng

Xác người, xác thú chập chồng

Sóng dồi rều dập, vun giồng lấp khe

bl-8.jpg
Cúng đình trước lúc xảy ra thiên tai - Ảnh: TL 

Cơn bão đi qua, niềm đau ở lại. Tiếng khóc than vang vọng một vùng. Đàn ông tìm cây lá cất chòi ở tạm, đàn bà bòn mót lúa cho qua bữa. Sau đó, dân làng tổ chức việc đi tìm chôn xác, gặp đâu chôn đó, nhiều vô kể.

Cũng cần nói thêm, đến tháng năm năm đó, phần do người và vật chết sình trương, phần cây cỏ ẩm mục, nhà cửa ngập lụt không vệ sinh nên người dân Gò Công lại hứng họa dịch bệnh, khổ ải vô cùng.

bl-4.jpg
Ngày giỗ hội ở Gò Công 16.3 âm lịch - Ảnh: TL 

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có tới hơn 5.000 người chết; súc vật thì mười phần chết tám, và hơn phân nửa nhà dân bị sập trong cơn bão năm Thìn này. Từ đó, ca dao Gò Công có câu rằng:

Gặp đây mới biết em còn

Hồi năm bão lụt anh khóc mòn con ngươi”.

Tuy nhiên ngày xảy ra bão lụt có hai ý kiến trái chiều nhau. Cụ Việt Cúc thì ghi là ngày 15.3 âm lịch, còn cụ Huỳnh Minh, cụ Sơn Nam, và nhà báo Tô Nguyệt Đình thì ghi lại là ngày xảy ra lũ lụt là ngày 16.3 âm lịch (sau một ngày). Xem ra ngày 16.3 là có cơ sở hơn.

Trong dân gian Gò Công và Mỹ Tho có câu:

Tháng ba mười sáu lai niên

Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung

Nghĩa là hằng năm, cứ ngày 16.3 âm lịch, dân chúng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công có thân nhân bị thiên tai cướp đi sinh mạng cùng hợp nhau cúng bái, gọi là giỗ hội.

blnt-5.jpg
Cảnh sinh hoạt của dân Gò công trước lúc thiên tai - Ảnh: TL 

Tác giả Huỳnh Minh trong cuốn Gò Công xưa và nay đã xúc cảm khi nhắc đến sự kiện này và mở đầu bằng câu hát "đưa em" quen thuộc:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc

Gió nào độc bằng gió Gò Công

Một trận Đông phong xiêu vợ lạc chồng

Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi

Theo cụ Huỳnh Minh, vào ngày 16 ấy, mưa dầm từ trưa đến 4 giờ chiều, gió rung cây lá đổ, lần lượt nhà lá sập rệu rã trong mưa giông. Cũng cần nói thêm, thời điểm này chính là lúc các đình làng khai hội Kỳ Yên, trong làng làm lễ cúng Thần, xây chầu đại bội, đào kép còn mang râu đội mão, bị nước dâng ngập lụt tới góc đình, có người mắc kẹt trên cây, mặt nguyên phần trang điểm, kêu la cầu cứu.

Chi tiết này cho thấy đây là cơn bão lụt bất thình lình, không ngờ nên người dân hoàn toàn thụ động trong việc ứng phó.

bao-lut-1904.jpg
Cây cối ngã đổ ở Sài Gòn trong bão lụt Năm Thìn - Ảnh: TL 

Một câu chuyện cảm động về tình người được cụ Huỳnh Minh kể lại: "Tại Gò Công thuở đó có ông Lộ Công Tập ở làng Long Thuận, có một ngôi nhà ngói năm căn nền lót gạch tàu mới cất. Ngôi nhà chắc chắn ấy đã không bị cơn bão tàn phá. Sau bão lụt có khoảng 400 người bị thiên tai ương không nơi trú ngụ đã về đây xin ở tạm. 

Ông Lộ Công Tập gom hết quần áo trong nhà đem cho dân mà cũng không đủ, cơm nấu bằng chảo lá sen, hết chảo này tới chảo khác cho người dân ăn. Nghĩa cử hào hiệp đầy lòng nhân ái của gia đình ông Lộ Công Tập đáng để cho người đời ghi nhớ" - tác giả Huỳnh Minh ghi lại trong sách Gò Công xưa và nay.

Trận bão năm Giáp Thìn (1904) được xem là trận cuồng phong mạnh nhất từng đổ bộ vào Sài Gòn khiến nhiều người chết, thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn. Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn được xem là vùng đất có khí hậu ôn hòa, quanh năm nắng ấm. Mưa to bão lớn ít xuất hiện nên người dân Nam Bộ thường không có kinh nghiệm chống bão so với miền Trung và miền Bắc. 

Cơn bão năm 1904 lớn đến độ đã đi vào những câu thơ ca dân gian truyền miệng của người dân Nam Bộ.

"Bến Thành nóc chợ cũng bay.

Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…".

blnt-2.jpg
Cần Thơ, Vĩnh Long bị ảnh hưởng nhẹ - Ảnh: TL 

Hay như bài:

Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào

Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh

Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh

Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai

Vĩnh Long, Sa Đéc một vài

Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can.

Những ghi chép từ tài liệu và sách cũ cho thấy, địa bàn chịu ảnh hưởng của cơn bão năm Giáp Thìn hầu như khắp Nam Bộ, sang tận Campuchia. Các nơi bị thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang); Tân An (Long An); Chợ Lớn, Gia Định (TP.HCM) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng ở gần bờ biển đã bị một hải lưu cao đến 3,5 mét cuốn đi mất.

Thật là một trận thiên tai kinh hoàng cho vùng đất Nam Bộ cách nay hơn 1 thế kỷ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
5 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ít biết về 'năm Thìn bão lụt' xứ Nam Kỳ