Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng nếu điều chỉnh đột ngột sẽ khiến các doanh nghiệp khó xoay sở. Do đó, đây là bài toán khó cần phải giải.
Thị trường và chính sách

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Thuế không phải chìa khóa vạn năng nhưng cần hài hòa lợi ích!

Trí Lâm (thực hiện) 16/08/2024 14:22

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng nếu điều chỉnh đột ngột sẽ khiến các doanh nghiệp khó xoay sở. Do đó, đây là bài toán khó cần phải giải.

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng rượu, bia và bổ sung thuế đối với nước giải khát có đường. Những đề xuất này đang gây nhiều quan điểm trái chiều trong giới chuyên gia lẫn doanh nghiệp.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), về vấn đề này.

Hiện đang có dư luận trái chiều xoay quanh phương án đánh thuế TTĐB đối với bia, rượu và đồ uống có đường trong dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- TS Nguyễn Văn Phụng: Dự thảo luật Bộ Tài chính trình Chính phủ lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ so với dự thảo trước. Dự thảo cũng đã tiếp thu ý kiến của công luận, chưa áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp, phương pháp tuyệt đối.

Tôi cho rằng ở Việt Nam, nếu áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên cú sốc và thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Lý do là đại bộ phận người dân thu nhập trung bình, không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá hàng triệu đồng 1 chai rượu, hàng trăm ngàn một chai bia. Do đó, việc áp thuế theo tỷ lệ phần trăm là hợp lý. Tôi đánh giá rất cao tiếp thu của ban soạn thảo.

Dự thảo nghiên cứu mức độ tăng thuế TTĐB theo 2 phương án. Tôi thấy rằng chúng ta luôn đặt vấn đề tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm đồ uống có cồn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông qua đó thay đổi hành vi người tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng đồ uống có cồn, thực hiện hành vi uống có trách nhiệm và từ đó bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2003 - 2005, sức tiêu dùng trên đầu người là 3,8lít/người/ năm và năm 2015 - 2016 là 8,3 lít. Trong khi đó thuế bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010 - 2012, 50% từ năm 2013, 55% từ 2016, 60% từ 2017, 65% từ 2018 đến nay và chúng ta đang đề xuất cần tiếp tục tăng thêm theo lộ trình tích cực và phù hợp.

phung-1.jpg
TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế

Như vậy, thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, nhưng xét theo số liệu tiêu dùng bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Đặc biệt là tác động nghịch của rượu bia khi tỷ lệ người lạm dụng rượu bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số tiêu dùng rượu, nhưng năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên đến 14,4%, gấp 10 lần. Như vậy, thuế tăng 5% mỗi năm nhưng hành vi bạo lực do lạm dụng rượu bia tăng đến 10 lần.

Vừa qua, chỉ khi Nghị định số 100 năm 2019 được Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện rất quyết liệt thì sức tiêu dùng rượu bia mới giảm đi, cả người bán và người uống có thay đổi hành vi: Người đã uống rượu bia không lái xe, nhà hàng thay đổi cách phục vụ giúp người uống trở về nhà và các vụ bạo lực do lạm dụng đồ uống mới có xu thế thay đổi.

Con số thống kê và quan sát thị trường cho tôi thấy rõ ràng là tác động của biện pháp hành chính mạnh hơn nhiều so với tác động của việc tăng thuế.

Có lẽ vì vậy nên ban soạn thảo đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án tăng nhanh, tăng mạnh ổn định mỗi năm 10% và đến 2030 đạt mức 100%, dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để kỳ vọng tác động thay đổi hành vi ngay.

Tôi đánh giá rằng đây là ý kiến tốt, tuy nhiên điều băn khoăn là việc đánh giá tác động chưa được toàn diện. Các con số đánh giá tác động chỉ mang tính tương đối, ngược với đánh giá tác động của nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.

Còn về nước ngọt, hiện nay Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng nghiên cứu sức khỏe cho người dân nhưng số liệu từ các cơ quan không được thống nhất. Do đó cơ quan quản lý cần công bố trước công luận loại nước ngọt nào ảnh hưởng đến sức khoẻ, phải điều tiết các mặt hàng cũng gây ra tác động nghịch, hại cho các cơ quan trong bộ máy cơ thể con người như não bộ, tim phổi, dạ dày, gan, thận…

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa như hiện nay. Ông nghĩ thế nào về điều này? Liệu có nên lùi thời gian tăng thuế?

- Nếu như tăng thuế ngay bây giờ thì có đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp hay không? Điều này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn được mà cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế tổng thể, đánh giá tác động toàn diện nhiều vòng, liên ngành...

Với 2 phương án trên, chúng ta mới chỉ xin ý kiến đại biểu Quốc hội từ tháng 10, tháng 5 sang năm mới được thông qua. Do đó vẫn còn thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng. Cơ quan soạn thảo cần lắng nghe từ nhiều chiều và đề nghị các chuyên gia cho ý kiến một cách thận trọng.

Theo tôi, trong mối quan hệ đảm bảo thu ngân sách hợp lý trong bối cảnh phải cơ cấu lại các nguồn thu thuế, xã hội đang đòi hỏi phải điều chỉnh giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi ngân sách phải bảo đảm tăng chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa xã hội… thì chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế gián thu, trong đó có thuế TTĐB.

phung-2.jpg
Doanh nghiệp lo ngại khó khăn khi tăng thuế TTĐB với rượu bia, nước giải khát có đường

Ngoài ra, các chiến dịch truyền thông cũng cần có để người tiêu dùng chấp nhận mức giá, tác động đến nhà sản xuất để họ cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng các công thức phù hợp, giảm chất độc hại.

Các doanh nghiệp hiện nay quá quan tâm đến quảng bá, marketing mà lại không quan tâm nhiều đến cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất.

Như vậy, để sửa luật thuế TTĐB, vừa đảm bảo thu ngân sách, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng lại không quá tác động tiêu cực đến doanh nghiệp… là điều không dễ giải quyết phải không, thưa ông?

- Thuế nói chung cũng như thuế TTĐB nói riêng, nhiệm vụ chính của nó là tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, thuế này cũng tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập và tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội.

Tuy nhiên, thuế không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề cũng như làm thay đổi ngay đến hành vi tiêu dùng và thói quen sinh hoạt. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Do đó, chính sách thuế càng phải công tâm, khách quan, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng, đánh giá tác động nhiều chiều và phải đạt được kết quả là vừa tăng thu ngân sách, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiêu dùng xã hội văn minh, an toàn, lành mạnh.

Đối với 2 phương án đưa ra, các doanh nghiệp lên tiếng cũng là có lý của họ. Việc điều chỉnh một cách đột ngột cũng khiến cách doanh nghiệp khó thích nghi kịp, do đó cần phải tìm hiểu, thu nhập ý kiến sâu rộng, kỹ càng.

Do đó, đây là bài toán khó mà chúng ta cần phải giải. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể sáng tạo ra thu nhập, cho nên việc thu thuế cần phải đảm bảo phù hợp với người dân, phù hợp với mức thu nhập, phù hợp với tiêu dùng.

Vậy nên trong tất cả các phương án điều chỉnh thuế, đều đã có các phương án được tính toán một cách cẩn thận, tác động nhiều chiều để đảm bảo số thu cao nhất dựa trên cơ sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Thuế không phải chìa khóa vạn năng nhưng cần hài hòa lợi ích!