Chuyên gia của IMF cho biết, trong việc hỗ trợ cho các quốc gia xây dựng những hệ thống thống kê về kinh tế, đặc biệt là các quốc gia có sự phát triển và thay đổi nhanh như Việt Nam, thì việc cập nhật số liệu là rất khó khăn và quan trọng.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vừa cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ định kỳ của mọi cơ quan thống kê. Với lần đánh giá này, Tổng cục Thống kê cho hay, quy mô GDP được điều chỉnh tăng chủ yếu bởi 4 nguyên nhân: bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; và rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Đơn cử trong lần thống kê này được bổ sung thêm khoảng 76.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà trước đây chưa thống kê được.
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, khu vực kinh tế ngầm hay kinh tế bất hợp pháp chưa được tính toán trong lần thống kê này dù gần đây đã được đề cập nhiều lần.
"Đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới", ông khẳng định.
Trao đổi với phóng viên về sự cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP trong quá trình sản xuất thông tin thống kê, ông Robert Dippelsman - Phó trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, IMF có một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo các quốc gia thành viên có được các số liệu tốt nhất về kinh tế, trên cơ sở đó xây dựng được những chính sách và quản lý kinh tế tốt nhất.
Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng trong việc IMF hỗ trợ cho các quốc gia xây dựng những hệ thống thống kê về kinh tế, đặc biệt là các quốc gia có sự phát triển và thay đổi nhanh như Việt Nam, thì việc cập nhật số liệu là rất khó khăn và quan trọng.
Do đó, theo lời mời của Tổng cục Thống kê Việt Nam, phía IMF đã cử một đoàn công tác sang Việt Nam lần này để giúp rà soát phương pháp đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Bởi vì IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ số liệu, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ các hoạt động kinh tế ở Việt Nam.
Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết. Do đó, nhóm chuyên gia IMF đánh giá rất cao việc Tổng cục Thống kê gần đây đã tiến hành những cuộc Tổng điều tra về kinh tế để đảm bảo độ bao phủ 100% tất cả các doanh nghiệp và các hoạt động về kinh tế.
Theo ông, hiện tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần phải rà soát đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP của mình. Đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn. Tổng cục Thống kê có một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là phải phối hợp được với tất cả các bộ, ngành, cơ quan để làm sao rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ 100% như mong muốn của mình trong lần rà soát này.
Còn theo ông Emnanuel Manolikakis - chuyên gia tư vấn của IMF, đối với các quốc gia đang phát triển, thách thức lớn nhất là làm sao có thể nắm bắt được tất cả các số liệu của các doanh nghiệp một cách kịp thời và đầy đủ, trong khi các doanh nghiệp này đang phát triển với tốc độ khá nhanh.
“Đối với Việt Nam, vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Tổng cục Thống kê trong thời gian vừa qua đã phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc xác định và đánh giá các khu vực kinh tế để đảm bảo đo lường, tính toán được tất cả các hoạt động trong nền kinh tế”, chuyên gia này nói.
Ông Emnanuel Manolikakis cũng cho rằng, Tổng cục Thống kê trong lần điều chỉnh GDP này đã thực hiện hoàn toàn phù hợp với tất cả các thông lệ quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc Tổng điều tra về các hoạt động kinh tế, dân số, hộ gia đình… để đảm bảo được tất cả các hoạt động trong nền kinh tế, đặc biệt là những hoạt động mới nổi hoặc những hoạt động vừa và nhỏ được nắm bắt trong lần rà soát, điều chỉnh này.
Lam Thanh