Vụ việc Phó giám đốc Eximbank TP.HCM Lê Nguyễn Hưng rút 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn đã gây hoang mang dư luận suốt 2 ngày qua về việc bảo đảm an toàn tiền gửi tại các ngân hàng hiện nay.

Chuyên gia bày cách gửi tiền an toàn sau vụ khách mất trăm tỉ tại Eximbank

tuyetnhung | 24/02/2018, 15:53

Vụ việc Phó giám đốc Eximbank TP.HCM Lê Nguyễn Hưng rút 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn đã gây hoang mang dư luận suốt 2 ngày qua về việc bảo đảm an toàn tiền gửi tại các ngân hàng hiện nay.

Dù các ngân hàng đã cố gắng giám sát chặt chẽ với sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ, nhiều quy định kiểm soát bảo đảm an toàn khác nhưng lỗ hổng rủi rovẫn là thách thức hiện hữu. Vụ việc khách hàng bị Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM "rút ruột" 245 tỉ đồng là minh chứng rõ nét nhất về rủi ro này.

Nguyên nhân của những vụ việc có dáng dấp như trên thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: giữa cán bộ ngân hàng liên quan và khách hàng có quan hệ cá nhân trong đời thường, quy trình giao dịch bị đơn giản hóa và dựa trên cơ sở niềm tin cá nhân, lạm dụng quyền hạn; thậm chí có trường hợp nhân viên ngân hàng và khách hàng tự viết giấy thỏa thuận rồi đóng dấu ngân hàng; khách hàng chủ quan hoặc không nắm rõ quy trình giao dịch, thụ động trong việc ký các thủ tục giấy tờ dẫn tới tình huống có thể bị lợi dụng và gặp rủi ro; ngân hàng gặp rủi ro nội bộ khi chính nhân viên có chủ đích lừa đảo, lạm dụng quyền hạn để giả mạo, rút ruột tiền gửi...

Trao đổi với báo Một Thế Giới xung quanh vấn đề này,chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra những khuyến cáo với khách hàng đang hoặc sẽ có ý định gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng thời gian tới.

Nên thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình

Ông Hiếu cho biết hiện nayđể cạnh tranh và giữ chân khách, áp lực chỉ tiêu kinh doanh tại các ngân hàng nên nhiều khách hàng VIP thường được cán bộ ngân hàng mời mở sổ tại nhà hoặc đến tận nơi đang làm việc.

Tuy nhiên, trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro vì nếu gặp phải nhân viên gian dối, giao sổ tiết kiệm giả mạo sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống, trong khi người gửi tiền lại không thực hiện các biện pháp kiểm tra chéo... thì sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy, ông Hiếu khuyến cáo khách hàng không nên để nhân viên, kể cả lãnh đạo ngân hàng đến giao dịch tại nhà. Thay vào đó, khách hàngnên thường xuyên kiểm tra tài khoản.

Mỗi tháng ít nhất một lần khách nên vào internet banking để kiểm tra tài khoản vì mọi lịch sử giao dịch của khách hàng đều có trong đó. Bên cạnh đó, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để kiểm soát các hoạt động giao dịch: nộp tiền, rút tiền, rút lãi... đối với tài khoản tiết kiệm của mình.

Ngân hàng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn khi giao dịch

Về phía ngân hàng, ông Hiếu đề xuất nên có ít nhất 2 người đại diện phía ngân hàng với bất kể giao dịch nào bên ngoài đi chăng nữa, vì sự việc Phó giám đốc Eximbank TP.HCM Lê Nguyên Hưng một mình đến nhà khách hàng giao dịch đã vi phạm nguyên tắc an toàn của ngân hàng.

Theo đó, bản thân các ngân hàng nên có quy định hạn chế cán bộ nhân viên giao dịch với khách hàng bên ngoài ngân hàng, đặc biệt là giao dịch với các khách hàng VIP.

Với những sự việc tương tự như tại Eximbank, về nguyên tắc ông Hiếu cho rằng vẫn phải đợi phán quyết của tòa án nhưng ở những nước phát triển quá trình xử lý rất nhanh chóng. Cụ thểnếu cán bộ ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng thì ngân hàng thường cótrách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay ngân hàng cách xử lý vẫn chậm chạp, thường phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả. Đây là một yếu tố mà pháp luật cần phải điều chỉnh cho hợp lý.

Thông báo mới nhất của NHNN

Liên quan đến sự việc tại Eximbank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 23.2đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Trong đó, các ngân hàng phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11.10.2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Tổ chức tín dụng (TCTD) phải phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra;thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định; tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD....

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia bày cách gửi tiền an toàn sau vụ khách mất trăm tỉ tại Eximbank