Việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông không làm tăng tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua.

Chuyển đổi 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông không làm tăng tổng mức đầu tư

Lam Thanh | 11/01/2021, 18:39

Việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông không làm tăng tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua.

Chiều 11.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với 100% Ủy viên có mặt đồng ý.

quoc-hoi-5.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp - Ảnh: VPQH

Thông qua Nghị quyết chuyển 2 dự án sang đầu tư công

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, qua nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các ủy ban, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, với 2 dự án thành phần đoạn đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chuyển sang đầu tư công với số vốn của Nhà nước là 100%.

“Nếu chúng ta không triển khai 2 dự án này thì sẽ không đảm bảo kết nối toàn tuyến giao thông Bắc - Nam phía đông cho đến năm 2023. Ngoài ra, trong tình hình đại dịch COVID-19 thì cần có sự đầu tư, tạo điều kiện đầu tư của ngân sách Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Hiển nêu.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án không làm tăng tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua. Việc chuyển đổi từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Chính phủ sẽ có trách nhiệm là phải xây dựng phương án thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước và phải báo cáo tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 15 sau.

Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết với nội dung như sau:

Điều 1: Chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương.

Điều 2: Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương.

Điều 3: Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các nội dung tại Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Chuyển đổi không làm tăng tổng mức đầu tư

Trình bày báo cáo thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về phương án xử lý đối với 2 dự án thành phần này, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Lý do là nếu tiếp tục đầu tư 2 dự án thành phần này theo phương thức PPP sẽ phải tổ chức lại công tác lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài và chưa chắc lựa chọn được nhà đầu tư.

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: VPQH

Do đó sẽ không bảo đảm tiến độ, đồng thời không phát huy được hiệu quả tổng thể của dự án vì 2 đoạn tuyến này nằm xen giữa các dự án thành phần khác đang triển khai thực hiện.

Lý do thứ hai, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước đối với 2 dự án thành phần này không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, không tăng tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định và nguồn vốn đầu tư cho 2 dự án này được sử dụng từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến năm 2021 giải ngân hơn 15.030 tỉ đồng cho dự án, nếu 2 dự án thành phần này được chuyển đổi sẽ có tác động lan tỏa tốt đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hơn nữa, công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án thành phần này (đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) đã cơ bản được hoàn thành, nếu chậm triển khai đầu tư có thể xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, khó khăn trong quản lý mặt bằng. Việc chậm triển khai dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, gây khó khăn hơn khi triển khai các dự án tiếp theo.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn; sau đó tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP.

Do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 cho phép các dự án đầu tư theo phương thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho 2 dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ giúp nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.

Chậm tiến độ so với dự kiến

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội khóa 15 xem xét và thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 với tiến độ thực hiện dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2021, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay tiến độ của dự án đã chậm so với dự kiến.

Thực tế, 2 dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP) cho thấy sự cần thiết, cấp bách của hai dự án này.

Trong khi, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 (03 dự án đầu tư theo phương thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, 6 dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến lựa chọn loại ý kiến thứ nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông không làm tăng tổng mức đầu tư