Vẫn đọc mà hồ nghi cái thông tin về việc bán sạch 10.000 vé 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng' tại Sài Gòn. Vẫn nghĩ những bức ảnh chụp khán giả đứng đông nghẹt đợi giờ chiếu là nhất thời, có tính bốc phét cao; 18h30 mới vào suất chiếu mới, nhưng 18h, trước cửa phòng chiếu IDECF đường Lê Thánh Tôn, khán giả đã xếp hàng, tuần tự mà dài thêm, vì vé không có số ghế, vào sớm sẽ có chỗ tốt hơn.
Phòng chiếu IDECAF chừng 300 ghế, cả ghế xúp cũng đầy, khiến một khán giả nửa chừng muốn ra ngoài đi vệ sinh bỗng hốt hoảng khi thấy cuối phòng không còn chỗ len ra.
Trước khi chiếu, khán giả (99% là người dưới 25, chắc vậy) ai hầu như cũng một smartphone chụp ảnh cho mình, cho nhau trong rạp. Đèn vừa tắt, những dòng chữ đầu vừa hiện, đã không còn một ánh sáng nào từ màn hình điện thoại hắt ra từ những hàng ghế mà tôi quan sát được, cứ thế cho đến hết buổi, mặc cho bao nhiêu tin nhắn và cuộc gọi run rẩy trong túi quần.
Nguyễn Thị Thắm là một thành viên của Varan Việt Nam. Nếu một ngày nào đó Varan có in đĩa và bán những bộ phim mà các thành viên Varan Việt Nam đã làm rỉ rả trong suốt chục năm qua, tôi nghĩ các bạn nên mua để mấy chục năm sau con cháu xem.
Đó là nhật ký của một Việt Nam vào thời phát triển nhanh và lộn xộn, như nhật ký của một thiếu niên cao quá nhanh, hư cũng nhanh, ngoan thất thường, đến nỗi không ai ghi và muốn ghi cho nó một nhật ký. Nhưng đạo diễn André Van In (Pháp gốc Bỉ) – một trong những thành viên sáng lập Varan Pháp – là một người từ xa tới, nhận thấy cái quan trọng, cái sinh động và hay ho của giai đoạn phát triển ấy. Ghi nhật ký cho nó, không gì hay hơn là thông qua các câu chuyện, các con mắt nhìn trung thực, đủ mọi khía cạnh của Việt Nam: đời sống chợ người, thu hồi đất, sinh hoạt nhà trọ, cuộc sống người khuyết tật, ngày bình thường ở làng, cuộc mua bán chung cư, đội múa lân…
Nguyễn Thị Thắm chọn với Varan một đề tài vừa dễ vừa khó: đời sống của nhóm "pê-đê" diễn hội chợ. Dễ vì nói tới "pê-đê" là "vui" rồi, ai cũng tò mò muốn xem. Chẳng phải khi đi ngoài đường, thỉnh thoảng thấy một anh trang điểm đậm, áo váy thướt tha, chúng ta vẫn ngầm liếc tò mò đó sao? Khó vì cái tò mò ấy, cái “ngộ ngộ” ấy nó sẽ lấn át những ý nghĩ nghiêm túc, nếu có, về những con người ấy. Ta thường nghĩ họ chỉ có thể, đời họ chỉ có những thứ vui chơi bề mặt như thế.
Suốt mấy năm, Thắm duy trì một mối quan hệ thân thiết với đoàn lô tô của trưởng đoàn Phụng để có thể đi theo đoàn và quay. Ước mơ đổi lại của chị Phụng cũng rành mạch: chiếu lên cho cả nước xem để người ta biết thế nào là đời "bóng gió". Và để Thắm phản ánh được “cho cả nước” biết thật sự, họ đã rất thật trước ống kính. Họ tự gọi họ là pê-đê và coi như một thứ phải chịu, không biết làm sao (cũng bình thường thôi, như ta chân ngắn thì chép miệng chân em mẹ sinh sao ngắn quá, chẳng biết làm sao); họ không tự hào cũng không bi lụy về hoàn cảnh tự nhiên ấy. Họ buông xuôi mà sống, đoàn kết trong một đoàn lô tô.
Đoàn lô tô đi diễn ở những làng quê xa, Tây Nguyên trong phim là bối cảnh chính. Không có cà phê chín lịm, không có dã quỳ vàng rực, những núi xanh, đường đỏ mộng mơ mà đa phần những người quay phim về Tây Nguyên sẽ nghĩ tới đầu tiên – đó cũng là phong cách chung của Varan. Tây Nguyên của đoàn là những đêm căng thẳng vì thanh niên địa phương quậy hoặc đến làm quen, là những buổi họp đoàn chị Phụng “dằn mặt” các thành viên chớ có đi lướt net ngoài tiệm hoặc hung hãng đánh lộn, là những mệt mỏi vì bia đãi bảo kê, hoặc thậm chí là những cái nắm tay trêu ghẹo, những câu hỏi thô thiển của người đến xem hội chợ…
|
Cảnh bán vé lô tô và bị trêu trong phim. |
Phim sẽ tốt hơn nếu có phụ đề bằng chính tiếng Việt, vì tiếng nói thu trực tiếp đã có phần khó nghe, và phát âm của người miền Nam khi thủ thỉ hay cao trào quá cũng khó nghe. Mà những lời họ nói lại thật là đáng nghe, từ lời giục giã cô Lan Anh bán vé xổ số ở đầu phim, đến lời tâm sự của chị Hằng phận con trai út mà “như vầy” thành ra bất hiếu với ba má, hay lời đùa giỡn qua lại của chị Phụng với anh bồ trẻ trong đoàn… Sao lời nào của họ cuối cùng cũng là một dấu trầm, đùa vài câu rồi cũng quay về một cái cúi đầu.
Thắm là người quay phim. Ta có cảm tưởng họ làm gì cũng có cô, và họ chấp nhận cô như chấp nhận trong lều có một con thạch sùng nó luôn luôn ở đó, nhìn mình, bắt muỗi hộ mình. Họ cho cô quay cảnh họ thay trang phục, mắng cô là đồ quỷ ma khi vẫn quay họ lót miếng độn ngực vào; họ cho cô quay cả những lúc nguy cấp nhất. Cả công an ở địa phương cũng thế, nếu là người với phản xạ bình thường thôi thì cũng sẽ đóng máy lại ngay khi thấy công an, ít nhất để khỏi bị phiền rủi các anh đòi tịch thu máy, nhưng Thắm quay được cuộc lập biên bản rất thật, và các anh công an cũng cho quay ở một cự ly rất gần.
Cho nên xem phim của Thắm, ta không nghĩ tới cái đẹp của khung hình, của ánh sáng nữa. Nó là cái đẹp của sự thật, của cuộc sống không che đậy, không trang điểm, trong trắng, cay đắng, và cả hài hước. Thật là nghịch lý khi những con người phải trang điểm mới dám ra đường, sống với son phấn và áo quần kim sa… lại cho người ta quay mình trần trụi nhất. Nếu cho Thắm quay một bộ phim về những người trí thức, tôi không biết những cảnh quay có còn thực được thế này không…
|
Nguyễn Thị Thắm và chị Ngọc Phụng – một ca sĩ kiêm người may và bán trang phục cho đoàn. Ảnh của Yên Nguyễn. |
Bạn hỏi tôi, xem phim xong thấy gì, có thay đổi gì trong quan điểm với giới "pê-đê" diễn hội chợ không? Có thấy thương họ hơn không?
Biết nói sao nhỉ, nói sao cho khỏi bị hiểu lạc ý, rằng trong lúc xem và xem xong rồi, tôi có chút thèm muốn được như họ: được tự do như họ, được bấp bênh như họ, được sống hết cỡ mà vẫn bình dị như họ, không sợ chết như họ.
Những con người trong đoàn lô tô của chị Phụng, họ mang một cái bấp bênh lớn nhất là giới tính – thứ bấp bênh mà họ không làm gì để xoay chuyển được. Thập diện mai phục họ là những tò mò, trêu chọc và định kiến của những người “bình thường”. Vậy mà họ vẫn sống, và yêu, lại còn mua vui được cho người khác. Nhưng như Lê Hồng Lâm từng nhận xét, họ luôn nghĩ đến cái chết. Họ quen với cái bấp bênh rồi, quen với cái có đó mà mất đó, họ luôn bình tĩnh chuẩn bị tinh thần để đi tiếp, đi hát hay đi đến mộ.
Xem phim về một trạng thái bấp bênh của những người bấp bênh làm tôi nghĩ nhiều đến sự thăng bằng mà mỗi người chúng ta luôn phấn đấu. Cuộc sống của những người thành phố làm việc trên máy tính nó êm đềm quá, và luôn luôn hướng tới sự ổn định, vì trách nhiệm với gia đình, vì sự an toàn của bản thân. Bất kỳ một biến cố nào, một thay đổi nào cũng làm ta khó chịu và tìm mọi cách để quay về cái ổn định cũ. Phải đợi đến khi có một sự cố bất đắc dĩ dứt ta một cách tàn bạo ra khỏi cái êm ấm cũ, quăng ta vào một cuộc sống mới lạ lẫm và nhiều bất trắc, đến lúc ấy ta mới chịu nghĩ đến điều sâu sắc nhất là cái tan tác tất yếu của cuộc đời.
Để được tự do, hay là cũng cần một sự bấp bênh, một khoảng nào đó bấp bênh trong đời? Hoặc ít nhất vì còn những nghĩa vụ phải duy trì thì mỗi năm cũng nên tự tạo một khoảng thời gian bấp bênh – gọi là “bấp bênh chủ động” đi, để được phơi nhiễm với sự thật, và được sống một con người khác chưa biết của chính mình?…
Ý nghĩ đó mới đêm qua còn hừng hực sáng nay đã lụi tàn, lại bắt đầu một ngày với thời khóa biểu ổn định, “vật nào chỗ nấy”. Nhưng hình ảnh chị Bích Phụng trưởng đoàn nằm võng thờ ơ nhìn ra quốc lộ thì còn mãi. Cuối cùng, cái mơ ước của chị “chiếu cho cả nước xem” cũng đã thành. Mong là thực sự có một thế giới bên kia, ở nơi đó, chị và chị Hằng cũng thấy được những gì ta đang thấy trên màn hình, và vẫn những nụ cười hiền lành ấy, họ cùng xem lại cả một quãng đời phù du mà vất vả.
Theo Soi