Trong từ điển cũng như đời sống bây giờ, từ “bẫn” không còn nữa, thành tử ngữ, nếu có ai nhớ, nó cũng chỉ như một thứ ký ức buồn.

Chuyện cũ về cái nghèo qua một từ đã mất

26/03/2017, 12:33

Trong từ điển cũng như đời sống bây giờ, từ “bẫn” không còn nữa, thành tử ngữ, nếu có ai nhớ, nó cũng chỉ như một thứ ký ức buồn.

Cá kho bây giờ không cần phải độn như ngày xưa - Ảnh: Internet

Hôm trước ăn cá kho, nồi cá nục kho với khế, với dưa chua thật ngon, tôi theo thói quen của kẻ nghèo khó còn cố quẹt quẹt đáy nồi. Vợ con thấy vậy cười bảo ông bố nhà này cả đời chả bao giờ giàu được là phải. Ngẫm “chúng hắn” nói đúng, mình khó mà “tự diễn biến” thay đổi bởi cái nghèo đã ngấm vào máu rồi, chỉ có đi thay máu thì may ra… Bần thần ngắm cái nồi cá còn trơ đáy, nhớ đến một chữ đã từng đi theo mình suốt thời niên thiếu, và cả sau này nữa.

Tôi lật giở hết các từ điển tiếng Việt, cả sách giấy lẫn sách điện tử để truy tìm chữ “bẫn” (bờ ân bân ngã bẫn) nhưng tuyệt nhiên không có, chỉ thấy bần (bần thần…), bẩn (bẩn thỉu, ở bẩn…), bấn (bấn bíu, bấn xúc xích…), bận (bận rộn, bận bịu…). Không có “bẫn”. Trong tiếng Việt, dấu ngã không hề lép vế so với các dấu thanh: huyền, sắc, hỏi, nặng, nhưng riêng trường hợp này thì không có ngã. Nhưng tôi cứ khăng khăng là có. Cái chữ “bẫn” ấy đã từng tồn tại khá phổ biến ở vùng quê tôi duyên hải Hải Phòng, thậm chí mở rộng ra cả nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Vì không có trong từ điển nên tôi đành phải giải nghĩa. “Bẫn” để chỉ thứ vụn vặt, vụn, không mấy giá trị, như đồ bỏ đi. Đó là một dạng rác, phế thải, phế phẩm. Giữ lại chẳng đáng, dùng cũng chả có giá trị gì mấy, chỉ có điều không nỡ vứt, bỏ thì tiếc. Nói tóm lại, khi cuộc sống trở nên giàu có, sung túc rồi thì thứ bẫn ấy tự nó mất đi. À, ra vậy, nó không tồn tại trong thực tế nên nó không còn trong từ điển. Qua sự phát triển, thay đổi của ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể hình dung một cách khá cụ thể cuộc sống đã chuyển động, biến thiên như thế nào.

Liên quan đến chữ “bẫn” là cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn. Chữ “bẫn” gắn với thực phẩm, với bữa ăn của gia đình nghèo. Hồi những năm 60 - 70 thế kỷ trước ở miền Bắc, hầu hết hộ nông dân là hộ nghèo. Hai bữa cơm hằng ngày chủ yếu chỉ có cơm độn khoai sắn ăn với rau. Rau là món chủ lực. Họa hoằn có tí cá tí thịt. Cũng là đồng bằng nhưng cá tôm không nhiều như ở miền Nam mà tôi chứng kiến sau này. Mua mớ cá vài hào hoặc hơn đồng bạc nếu nấu riêu chỉ một bữa là hết, đem kho thì mới kéo dài được đôi ba lần dọn cơm, cho có chút tanh tưởi (bu tôi hay dùng chữ này). Khi kho phải kèm, phải độn thứ sẽ thành “bẫn” vào, một phần cá kéo theo hai phần dưa chua, khế, cà chua, củ cải, riềng… Nếu nhà có khách, phần cá được gắp riêng ra đãi khách, còn bọn trẻ con hoặc người khác trong nhà ráng nhịn miệng, chỉ ăn phần phụ phẩm, gọi là “bẫn cá”.

Từ ghép “bẫn cá” nhập vào bộ nhớ chúng tôi như vậy. Nấu nướng mãi kiểu đó thành quen. Kho cá mà không có “bẫn” cứ cảm thấy thiếu thiếu thế nào ấy. Hồi những năm 90 dù sống ở Sài Gòn, cuộc sống đã khá hơn trước rất nhiều nhưng ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy cứ kho cá là phải có bẫn. Lão bảo ăn bẫn có khi còn ngon hơn cá. Dư vị, thói quen của một thời thiếu thốn, đói nghèo không dễ quên được.

Trong từ điển cũng như đời sống bây giờ, từ “bẫn” không còn nữa, thành tử ngữ, nếu có ai nhớ, nó cũng chỉ như một thứ ký ức buồn.

NguyễnThông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện cũ về cái nghèo qua một từ đã mất