Giờ đây dịch bệnh COVID-19 đã phần nào được kiểm soát, cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày tháng dịch bệnh diễn ra kinh hoàng ở TP.HCM, nhiều nhân viên y tế ở đây đã không cầm được nước mắt.

Chuyện cảm động của những “chiến sĩ blouse trắng” ngày đầu chống dịch

Hồ Quang | 23/02/2022, 18:09

Giờ đây dịch bệnh COVID-19 đã phần nào được kiểm soát, cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày tháng dịch bệnh diễn ra kinh hoàng ở TP.HCM, nhiều nhân viên y tế ở đây đã không cầm được nước mắt.

Đánh đổi bệnh nhân nguy kịch để dành chỗ cho bệnh nặng khác

“Thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8.2021, dù Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô 1.000 giường nhưng không thể nào nhận thêm bệnh nhân. Ngay cả những người thân của anh em đồng nghiệp gọi điện đưa người bệnh vào đây, nhưng cũng không thể nhận được nữa. Có không ít người dân đã trách móc chúng tôi”, BS.CK2 Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ như thế tại buổi trao đổi bàn tròn và giao lưu trực tuyến “Cảm ơn blouse trắng” do báo Người lao động tổ chức sáng nay (23.2). Không còn cách nào khác, có những đêm, các bác sĩ ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 phải đến từng giường bệnh để đánh đổi những bệnh nhân quá nặng, nguy kịch bằng cách chấp nhận buông xuôi để có chỗ cứu những bệnh nhân khác đang xếp hàng chờ ngoài kia.

chuyen-cam-dong-cua-nhung-chien-si-blouse-trang-ngay-dau-chong-dich-hinh-anh(1).png
Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Kim Liên- Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ: "Các nhân viên y tế  phải lấy nước cất chia ra cho mỗi bạn để uống qua cơn khát" - Ảnh: PV

Dù đã từng chinh chiến chống dịch ở các điểm nóng COVID-19 trước đó như: Đà Nẵng, Bắc Giang… nhưng khi quay lại TP.HCM, bác sĩ Linh mới cảm nhận đây mới là một “cuộc chiến” thực sự. Những cuộc chiến chống dịch COVID-19 xảy ra trước đó không là gì so với TP.HCM và anh mong muốn nó “không xảy ra một lần nào nữa”.

“Bệnh nhân nằm la liệt, còn bác sĩ thì gần như kiệt sức. Nhìn lên trần nhà của những bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức không phải là nơi để xây dựng bệnh viện, nhưng những đồng nghiệp của tôi đã làm được. Đó là những khoảnh khắc không thể nào quên, nó sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời làm bác sĩ này”, bác sĩ Linh xúc động chia sẻ.

Nhớ lại thời điểm Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng trở thành Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương, TS.BS Lê Thanh Chiến - Giám đốc bệnh viện cho biết, dù công suất giường bệnh ở đây chỉ có 800 giường, nhưng lượng bệnh nhân COVID-19 lúc nào lên đến 1.000 bệnh nhân.

Bệnh viện phải tận dụng tất cả các ngõ ngách ở đây, nơi nào còn trống là kê giường; còn bác sĩ thì thi nhau tập huấn kiến thức về bệnh COVID-19, với tinh thần, tất cả các bác sĩ, dù nội khoa, ngoại khoa hay khoa nhiễm đều phải biết chữa bệnh COVID-19. Nhiều dãy nhà của bệnh viện đã tháo dỡ để xây dựng khu nhà hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19.

Nửa đêm chạy xe máy mang thuốc cho bệnh nhân

Trong những ngày đầu tháng 7.2021, cuộc chiến chống chọi với cơn cuồng phong mang tên “vi rút Delta” khiến không ít các nhân viên cảm thấy lo lắng cho số phận của mình, vì họ lần đầu tiên đi vào nơi nguy hiểm.

chuyen-cam-dong-cua-nhung-chien-si-blouse-trang-ngay-dau-chong-dich-hinh-anh-2.png
BS.CK2 Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19: "Đánh đổi bệnh nhân nguy kịch dành chỗ cho những bệnh nhân nặng khác đang nằm chờ" - Ảnh: PV 

Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Kim Liên - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết đầu tháng 7.2021, các nhân viên y tế của bệnh viện nhận lệnh tiếp nhận Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19. Dù chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19 nhưng lúc đó bệnh viện vẫn chưa chuẩn bị gì. Tuy nhiên, do nghe tin Bệnh viện Gò Vấp chuyển đổi công năng điều trị COVID19 nên có gần cả 10 xe cấp cứu đưa rất nhiều bệnh nhân đến đây điều trị.

Dù bệnh viện trả lời chưa thể nhận bệnh nhân COVID-19, nhưng các nhân viên y tế trên xe cấp cứu cho biết, bệnh nhân đang tụt huyết áp, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) giảm sâu. Lúc đó, bệnh viện buộc phải nhận bệnh.

“Lúc này nhân viên y tế nhận bệnh nhân COVID-19 chỉ đeo khẩu trang thông thường chứ chưa có khẩu trang chuyên dụng. Thật sự chúng tôi lo lắng lắm, nếu ngày đầu tiên nhận bệnh như thế này mà bị mắc COVID-19 hết thì không biết sẽ ra sao. Bệnh viện Gò Vấp cũng chưa có thuốc điều trị COVID-19 nên tôi phải chạy xe máy qua lại liên tục từ Bệnh viện Gò Vấp đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đến tận 1 giờ sáng vẫn còn chạy ngoài đường để lấy thuốc men, trang thiết bị y tế”, điều dưỡng Liên nhớ lại.

Uống nước cất chống khát

Có lẽ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra tại TP.HCM là một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử của ngành y tế nước nhà. Trong cuộc chiến ấy đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự hy sinh của nhân viên y tế. Đến giờ mỗi khi nhắc lại họ vẫn cảm thấy xúc động, rơi nước mắt và không hiểu vì sao mình có thể vượt qua.

“Ngày 13.7.2021, chúng tôi đến nhận khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp nhưng chỉ có cái máy thở, chứ không có gì nữa. Đêm đầu tiên trực cấp cứu, chúng tôi chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế mang sang từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhưng ở đây không có hậu cần phục vụ. Đêm đó, bệnh nhân quá đông, các nhân viên y tế nhận bệnh liên tục khiến ai cũng mệt lả người nhưng không có nước uống. Các nhân viên y tế ở đây phải lấy nước cất chia ra cho mỗi bạn để uống qua cơn khát”, điều dưỡng Liên nghẹn ngào nói.

chuyen-cam-dong-cua-nhung-chien-si-blouse-trang-ngay-dau-chong-dich-hinh-anh-1.png
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Nếu sau này dịch bệnh có bùng phát trở lại chúng ta sẽ không để xảy ra tình trạng như thời gian qua” - Ảnh: PV 

Trong cơn “sóng thần Delta” diễn ra vừa qua tại TP.HCM, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế đã chỉ ra nhiều thử thách lớn mà ngành y tế TP chưa từng gặp phải.

Xét nghiệm, chẩn đoán với số lượng lớn nhất trong thời gian ngắn nhất. Yêu cầu đặt ra là phải xét nghiệm 500.000 trường hợp/ngày, trong khi đó năng lực xét nghiệm của TP chỉ có từ 20.000 - 30.000 trường hợp/ngày, phấn đấu hết mức chỉ có thể là 50.000 trường hợp/ngày. Như vậy, yêu cầu đặt ra cao hơn gấp 10 lần so với thực tế. Ngành y tế phải huy động mọi nguồn lực đi lấy mẫu, có những lúc chạy theo số lượng, nhưng chất lượng không đạt.

Tiêm vắc xin với một khối lượng lớn nhất trong thời gian ngắn nhất. Cả mấy triệu liều vắc xin chỉ tiêm trong mấy ngày. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là việc tiêm vắc xin không đảm bảo giữ khoảng cách phòng chống dịch.

Thành lập bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn nhất để thu dung F0 tràn lan. Cả lãnh đạo TP cùng với Sở Y tế, Bộ tư Lệnh TP suốt ngày đi tìm nhà, tìm ra nhà thì xắn tay áo vào rửa nhà, lau nhà. Buổi trưa rửa chưa kịp khô thì buổi chiều phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 đến 2.000 giường chỉ vài ngày đã đầy bệnh nhân phải đi xây dựng bệnh viện khác.

Công tác cấp cứu bệnh nhân gặp khó khăn chưa từng có. Oxy thiếu, tổng đài nghẽn mạng, xe cứu thương quá tải. Xe cứu thương không đủ phải chuyển đổi công năng xe taxi, xe chở khách… Khi có xe đưa bệnh nhân thì bệnh viện không còn chỗ tiếp nhận, xe cứu thương phải chạy lòng vòng, tìm bệnh viện nào còn trống đưa bệnh nhân tới, không có lại phải xếp hàng dài chờ.

Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng lên từng ngày, từ vài ca lên vài chục ca đến vài trăm ca, cao điểm ngày 23.8.2021 lên đến 340 ca tử vong. Bệnh nhân tử vong quá nhiều, lò thiêu không kịp. Để giảm số ca tử vong, hàng loạt bệnh viện hồi sức COVID-19 được thành lập, nhưng tối đa cũng chỉ cứu được khoảng 50% bệnh nhân ở đây.

“Những thách thức trên giờ đây không ai muốn nhớ lại, nhưng chính điều đó đã giúp ngành y tế TP thêm lớn mạnh, vững vàng hơn. Tất cả những điều đó ngành y tế đã trải qua, nếu sau này dịch bệnh có bùng phát trở lại chúng ta sẽ không để xảy ra tình trạng như thời gian qua”, ông Thượng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện cảm động của những “chiến sĩ blouse trắng” ngày đầu chống dịch