Nói về bánh chưng, có mà nguyên ngày cũng chửa dứt. Chiếc bánh chưng không chỉ gắn bó với Tết Nguyên đán theo lịch mặt trăng mà với cả nếp sống sinh hoạt của người Việt.

Chuyện bánh chưng tết

23/01/2020, 08:38

Nói về bánh chưng, có mà nguyên ngày cũng chửa dứt. Chiếc bánh chưng không chỉ gắn bó với Tết Nguyên đán theo lịch mặt trăng mà với cả nếp sống sinh hoạt của người Việt.

Luộc và ép bánh chưng thời bao cấp - Ảnh: Tư liệu internet

Lứa chúng tôi hồi nhỏ, hầu như đứa nào cũng thuộc đôi câu đối đặc sản tết, liệt kê đủ món cổ truyền “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bây giờ, nhiều món đã thất truyền, bị loại bỏ, chẳng hạn thịt mỡ người ta kiêng do sợ béo phì, mỡ máu, cây nêu cũng chả mấy nhà trồng bởi giờ sợ người hơn sợ quỷ, câu đối ít người treo khi chữ Hán đã mai một, thua kém chữ quốc ngữ, còn pháo lại càng tịt, đơn giản là nhà nước cấm tiệt đã hai mấy năm rồi. Rốt cuộc chỉ còn trụ vững, tồn tại cùng Tết, cùng người, cùng mùa xuân là bánh chưng.

Tôi nhớ, cũng vẫn từ hồi còn bé tí, thày (bố) tôi cắt nghĩa rằng nếu nói về ăn gạo nếp thì người bên Lào họ ăn nhiều hơn ta, quanh năm suốt tháng chỉ có nếp, như ta ăn cơm tẻ vậy. Ông anh tôi lè lưỡi rùng mình, thế thì ngán tới tận cổ. Thày tôi lại bảo, nhưng chế biến nếp thành cái bánh chưng ngon tuyệt thì chỉ có người Việt ta, nó như một thứ đặc sản của dân tộc. Nghe tới bánh chưng, đám chúng tôi đứa nào cũng thèm rỏ dãi. Thời ấy, gần như cả năm mới được một lần ăn bánh chưng, mà chỉ vài miếng, ăn rồi vẫn thòm thèm. Có đứa mong Tết để thày bu mua cho bộ quần áo mới, được nghỉ học, được khỏi ra đồng tưới tắm cuốc đất đập nương, được tiền mừng tuổi, nhưng cũng nhiều đứa chỉ chờ Tết mong chén miếng bánh chưng.

Chuyện tôi đang kể đây vẫn đậm trong ký ức, về thời chiến tranh và bao cấp ở nông thôn miền Bắc. Những năm 60 và 70 cực kỳ thiếu thốn, khốn khó với đại đa số dân chúng, nhất là nông dân. Nhưng dù nghèo tới mấy, vẫn phải rướn lên tí chút với cái tết, vừa để đỡ tủi thân, vừa cho con cái được sống vài ngày vui vẻ trong chuỗi dài dằng dặc những lo âu, vất vả.

Quê tôi đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, thuần nông, làng thôn ngay chân núi Chè (núi Trà Phương), huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Cả làng chỉ có vài ba nhà khá giả, còn lại đều nghèo. Nhà cán bộ xã cũng nghèo. Không phải Tết đến thì nhà nào cũng gói bánh chưng. Suốt tuổi thơ (những năm 60) tôi để ý chỉ nhà nào “có điều kiện” lắm mới gói riêng, còn phần lớn chung nhau, góp đỗ nếp thịt, mỗi nhà vài ba chiếc để bày lên bàn thờ cúng tổ tiên ông bà. Một nồi luộc có khi bánh của 4 - 5 nhà, nếu gói riêng thì đánh dấu bằng nút lạt cho khỏi lẫn. Tôi để ý có những nhà nghèo như nhà cụ Đẹn, nhà ông Hâm điếc, nhà chị Nhỡ… gần như chả bao giờ gói. Ngay cả nhà tôi, bu tôi làm ăn tháo vát, buôn bán giỏi giang thế nhưng chỉ trước khi vào hợp tác xã mới hay gói, còn sau này chỉ năm thì mười họa.

Thời ấy, gạo tẻ đã ít, cơm chẳng đủ no nên nếp lại càng hiếm. Mỗi lần thổi xôi, nấu cơm nếp cúng rằm, chỉ văng ra vài hạt nếp, thày tôi vẫn nhặt lại cho bằng được. Nếp là thứ nguyên liệu chính của bánh chưng. Tiếp nữa là thịt lợn, đỗ xanh, tiêu bắc, muối. Áo của bánh chưng là lá dong hoặc lá chuối. Trong sách lớp 1 có câu đố “Nhà xanh lại đóng đố xanh/Tra đỗ giồng hành thả lợn vào trong”, đố là cái gì, trả lời: cái bánh chưng. Ở đây cũng cần nói thêm về “đóng đố xanh”, đố chứ không phải đỗ như người ta hay nhầm. Đố là cái vỏ, tấm che đậy phía ngoài. Ta thường nói “giàu nứt đổ đổ vách”. Chiếc bánh chưng được gói bằng là dong, lá chuối xanh, đóng đố xanh nghĩa là vậy. Thời này, có khi vừa cúng ông Táo xong là thiên hạ đã lục tục rộn rịp chuẩn bị gói bánh chưng. Trước kia cứ phải đợi sát Tết, trước giao thừa 1 - 2 ngày thôi. Đơn giản là tới lúc ấy mới có thịt. Được hợp tác xã và chính quyền cho phép, vài nhà đụng nhau một con lợn. Nhà nào tự ý giết mổ không phép có thể bị phạt, bị tịch thu thịt. Thường khoảng 29 tết thì mổ lợn, chọn miếng thịt ngon nhất làm giò chả, tiếp nữa để gói bánh, sau đó mới dùng vào việc xào nấu kho. Bu tôi đã ngâm sẵn gạo nếp tối hôm trước, cả đỗ xanh nữa. Nhà tôi có chiếc cối đá quay tay chuyên để xay đỗ, sát tết bà con trong làng tới nhờ xay đông nghìn nghịt, đỗ gói bánh hoặc thổi xôi. Tiêu bắc mua theo bìa mua hàng tết, mỗi nhà được gói nhỏ cỡ ngón chân cái, hơn trăm hột. Cả miền Bắc chỉ có mỗi vùng Vĩnh Linh trồng tiêu, thời chiến tranh ác liệt, nơi này là cái túi bom nên hạt tiêu quý như hạt vàng.

Năm nào đụng được thịt lợn thì bu tôi mới quyết định việc gói bánh chưng. Nhà tôi và nhà bác Ỷ, có năm cùng nhà anh Huy, chung nhau luộc một nồi. Thày tôi, bác Ỷ, anh Huy đều khéo tay gói bánh. Chiếc bánh vuông vức chằn chặn, lạt buộc thật khéo, cái nào cũng như cái nào. Tụi trẻ con ngồi chầu chực xung quanh, vừa ngắm các đấng bậc thao tác thoăn thoắt khéo léo, vừa thầm cầu gạo đỗ thịt thà dôi ra chút ít để có cái bánh mụi. Anh Huy vốn dạy học, thoáng nhìn bọn trẻ con là biết chúng muốn gì, nên thường chừa ra một hai cái bánh mụi cho chúng nó vui, tích cực trông chừng nồi luộc.

Sự luộc bánh là cả mớ kỷ niệm khó quên. Nhà tôi có chiếc nồi đồng khá to, xếp vào đó được cả chục chiếc. Cái nồi này bu tôi mua lại của một nhà bần cố nông trong làng được chia quả thực dạo cải cách ruộng đất. Xưa kia, chỉ nhà địa chủ mới dám sắm thứ vật dụng khủng như vậy. Bánh gói xong, xếp kín trong nồi, đổ nước xâm xấp. Trước đó, anh Uy tôi đã theo chỉ đạo của tư lệnh thày, khệ nệ ra sau nhà bưng ra hơn chục hòn gạch xếp thành đầu rau ở góc sân đất. Suốt đêm lạnh trước thềm xuân, ngồi với nhau quanh bếp lửa rừng rực luộc bánh chưng, chuyện nọ xọ chuyện kia, ngắm sao trời nhấp nháy, ngửi mùi bánh chín tỏa ra dìu dịu khó cưỡng nổi cơn thèm. Thường phải luộc từ 8 - 10 tiếng đồng hồ thì bánh mới rền, không bị sượng, không bị lại gạo. Cạnh nồi luộc bánh bao giờ cũng có bếp phụ đun sẵn nồi nước sôi, “thợ” luộc nhắc nhau trông chừng, thấy nước chỉ còn phân nửa là phải châm tiếp vào. Đứa nào cũng căn giờ vớt bánh mụi, bởi nó nhỏ nên chỉ cần vài tiếng là chín. Vả lại cái bụng thèm bánh chưng đang sôi òng ọc, không thể hoãn nổi. Ngay trong đêm, khi nồi bánh còn chưa chín thì chúng tôi đã xực xong chiếc bánh mụi, ngon không thể tả.

Không phải lúc nào việc luộc bánh cũng trôi chảy. Năm ấy 1969, Tết Kỷ Dậu, tôi chớm vào học cấp 3, thày bu như thường lệ giao cho chúng tôi trông nồi bánh. Nửa đêm, củi chất vào đáy nồi cháy đùng đùng, mắt thì buồn ngủ díp lại, thế là lăn ra ổ rơm góc sân làm một giấc. Nồi bánh cạn nước, chả có ai châm thêm, tỏa mùi khét. May bu tôi thức khuya phát hiện, cứu được nồi bánh nhưng hỏng đáy chiếc nồi đồng quý giá. Sau Tết, thày tôi phải đem sang tận thôn Du Lễ bên cạnh nhờ chú Giả hàn vá lại, miếng vá to bằng bàn tay xòe. Chú Giả rất thân với thày tôi, khéo tay vá xong, cái nồi quý dùng thêm cả chục năm nữa mà không hề bị rò nước, chỉ hơi xấu xí. Về sau, bu tôi mua chiếc nồi nhôm Liên Xô thì nồi đồng vá được về hưu, sau này hình như các cháu đem bán cho bà đồng nát. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện bánh chưng tết