Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14.620 tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chuyển 14.620 tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng chống dịch

Lam Thanh | 22/09/2021, 20:10

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14.620 tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chiều 22.9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Dự kiến chi 36.000 - 40.000 tỉ đồng cho phòng chống dịch

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 là 14.620 tỉ đồng, gồm: cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2021 là 7.420 tỉ đồng; giảm chi trả nợ lãi của NSTƯ năm 2021 là 4.200 tỉ đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo nghị quyết của Chính phủ còn dư 3.000 tỉ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm, cả NSTƯ và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19; xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó, các nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22.270 tỉ đồng.

Về tổng hợp chung nhu cầu Trung ương phải chi để mua vắc xin và chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ở mức khoảng 36.000 - 40.000 tỉ đồng.

qh-2.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp

Để bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình UBTVQH xem xét, quyết định sử dụng 14.620 tỉ đồng kinh phí trên để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng chống dịch.

Trường hợp kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 được bổ sung nêu trên không sử dụng hết trong năm 2021, được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục thực hiện.

Kiến nghị cho phép chuyển 14.620 tỉ đồng vào dự phòng NSTƯ để phòng chống dịch

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về giảm chi trả nợ lãi, đây thực chất là khoản có được do cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay, phát hành trái phiếu Chính phủ theo tiến độ thực hiện. Do đó số chi trả lãi đã giảm so với kế hoạch. Để góp phần giảm áp lực chi NSTƯ, đồng ý đưa vào tổng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi NSTƯ năm 2021 để phục vụ phòng chống dịch.

Về nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên NSTƯ năm 2021, do điều kiện khách quan của đại dịch COVID-19 nên kinh phí hội nghị, công tác phí và một số khoản chi thường xuyên khác đã không thực hiện được.

Ngoài ra, một số cơ quan đã thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm chi thường xuyên. Vì vậy, việc đưa khoản tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác vào tổng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi NSTƯ năm 2021 để phục vụ phòng chống dịch là hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số liệu khoản tiết kiệm kinh phí trên.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc tổ chức thực hiện, bảo đảm chỉ sử dụng nguồn kinh phí này cho mục tiêu phòng chống dịch; chịu trách nhiệm về việc phân bổ công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng…

npc.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường 

Đối với khoản cắt giảm kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu năm 2021, Chính phủ dự kiến cắt giảm 4.960 tỉ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, để có thêm nguồn lực phòng chống dịch, đa số ý kiến cho rằng việc dự kiến cắt giảm trên là cần thiết.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương phê duyệt 2 chương trình mục tiêu quốc gia, theo đó cần đẩy nhanh giải ngân kịp thời theo đúng dự kiến, hạn chế tối đa chuyển nguồn, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Về phương án sử dụng 14.620 tỉ đồng tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đa số ý kiến nhận thấy về cơ bản các khoản cắt giảm, tiết kiệm chi được Chính phủ nêu trong tờ trình đều thuộc phạm vi quy định tại mục 2 Nghị quyết 30.

Để bảo đảm tính kịp thời và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh dự phòng NSTƯ còn hạn chế, đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết 30, kiến nghị UBTVQH cho phép chuyển 14.620 nghìn tỉ vào dự phòng NSTƯ để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích.

Có ý kiến cho rằng, về căn cứ xác định đối tượng được phân bổ và mức phân bổ là chưa cụ thể, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể căn cứ đề xuất phân bổ để bảo đảm tính hợp lý.

Ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn dự phòng NSTƯ từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi NSNN

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn dự phòng NSTƯ năm 2021 với số tiền là 14.620 tỉ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021 như Chính phủ trình.

Đồng thời, giao Chính phủ sử dụng nguồn bổ sung dự phòng này để ưu tiên phòng chống dịch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và báo cáo UBTVQH theo quy định.

Chính phủ đảm bảo việc thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí phải thực hiện đúng Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội. Cụ thể là cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tuy nhiên, không được ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhất là việc trả lãi, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

qh.jpg
100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành biểu quyết tán thành

Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm khắc phục việc dự báo chưa sát, dẫn đến dư tiền chính sách chưa sử dụng hết, báo cáo chậm các nội dung cần xin ý kiến của UBTVQH, Quốc hội…

Riêng về một số nội dung, Chính phủ đề xuất nguồn về cải cách tiền lương thì cần có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và được Quốc hội cho phép.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương tổng hợp các báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu, nguồn vốn cho phòng chống dịch COVID-19 để báo cáo ra Hội nghị Trung ương và báo cáo tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội; có chỉ đạo khẩn trương xây dựng các văn bản sử dụng Quỹ vắc xin ở địa phương.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển 14.620 tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng chống dịch