Càng nhiều doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn tăng vượt bậc, về lý thuyết, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nhưng thực tế những gì diễn ra trong quý 1/2017 không đúng như kỳ vọng. Sau gần 1 năm phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp, có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại để rút ra kinh nghiệm cần thiết.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệp: Coi chừng bệnh thành tích

Nhàn Đàm | 17/04/2017, 17:13

Càng nhiều doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn tăng vượt bậc, về lý thuyết, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nhưng thực tế những gì diễn ra trong quý 1/2017 không đúng như kỳ vọng. Sau gần 1 năm phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp, có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại để rút ra kinh nghiệm cần thiết.

Câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1/2017 chỉ đạt 5,1% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây - đang đặt ra những câu hỏi về hiệu quả mà chương trình tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ đang thực hiện đem lại, đặc biệt là của các doanh nghiệp mới được thành lập kể từ khi phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp.

Càng nhiều doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn tăng vượt bậc về lý thuyết sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng thực tế những gì diễn ra trong quý 1/2017 đã không đúng như kỳ vọng; trong khi cứu cánh vực dậy tăng trưởng được đề cập nhiều nhất trong thời gian qua vẫn là tăng sản lượng khai thác dầu thô.

Sau gần 1 năm chính thức phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp, có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại để rút ra những kinh nghiệm cần thiết.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệpcó mục tiêuchính là đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế (từ mức gần 500.000 thời điểm giữa năm 2016), xét trên khía cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới tỏ ra khá thành công.

Theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2016 có khoảng hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Trong quý 1/2017, có tới 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trở lại đây. Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lậpcũng tỏ ra vượt trội: đạt mức 271,2 ngàn tỉ đồng, cao hơn gần gấp rưỡi so với cùng kỳ 2016và so với cùng kỳ 2014cao gấp 3 lần. Kết quả khả quan này cho thấy rằng Chính phủ đã thực sự khá thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp, dù chương trình mới chỉ diễn ra được gần 1 năm.

Tuy nhiên, về các khía cạnh khác thì mọi chuyện khôngđược khả quan như vậy. Trước hết, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể cũng tăng vọt song hành với số thành lập mới. Quý1/2017 chính là một ví dụ điển hình: trong khi có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, thì cũng có tới 20.636 doanh nghiệp ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động kinh doanh, ngoài ra còn khoảng 3.268 doanh nghiệp khác hoàn tất thủ tục giải thể (theo The Saigon Times).

Không thực sự chính xác lắm, nhưng trừ hao đi một cách tương đối thì có thể thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng không còn dư ra là bao. So sánh tỷ lệ phần trắm tăng trưởng trong số lượng doanh nghiệp mới thành lập và trong số lượng doanh nghiệp giải thểcó thể thấy chúng gần như tương đương: số doanh nghiệp mới trong quý 1/2017 so với cùng kỳ 2016 tăng 11,4%, còn số doanh nghiệp giải thể trong quý 1/2017 cũng tăng tới 12% so với cùng kỳ 2016 (theo CafeF).

Những số liệu này cho ta thấy một điều, đó là: Chính phủ đã thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp, nhưng có lẽ là chưa thành công lắm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ít nhất là theo khía cạnh giúp đỡ các doanh nghiệp mới thành lập tăng khả năng sống sót.

Bi quan hơn một chút, có thể nói là chúng ta vẫn đang có xu hướng chạy theo số lượng. Có thể thấy khá rõ điều này qua một thực tế là, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều đưa ra những báo cáo thành tích về việc giảm thời gian, thủ tục và các quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; nhưng có rất ít tỉnh thành có các động thái tăng hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp mới như về vốn hoặc đất đai…

Nói cách khác, những giải pháp của chúng ta vẫn đang tập trung vào việc hỗ trợ và thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp mới hơn là vào việc giúp các doanh nghiệp mới này tồn tại và hoạt động ổn định. Đó có thể xem là một dấu hiệu của việc chạy theo số lượnghoặc bệnh thành tích.

Có lẽ vì điều này nên giải pháp vận động các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp đang trở thành mốt ở thời điểm hiện tại. Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể thuộc diện đủ điều kiện để lên doanh nghiệp đều đang làm ăn ổn định và có thu nhập cao, đóng thuế từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Vì thế, nếu các hộ kinh doanh cá thể này chấp thuận lên doanh nghiệp, thì khả năng tồn tại dĩ nhiên là cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới mà theo nhiều chuyên gia thì tỷ lệ sống sót chỉ là 30% so với 70% phải ngưng hoạt động hoặc giải thể.

Điển hình cho giải pháp này có thể kể đến TP.HCM, khi theo dự kiến từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ có ít nhất khoảng 100.000 hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp bằng các biện pháp hỗ trợ, vận động; con số này chiếm khoảng 1/5 tổng số doanh nghiệp mới mà lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020.

Dĩ nhiên điều này cũng không có gì sai, khi các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp có thể được hỗ trợ hoạt động hiệu quả hơn và thậm chí là mở rộng quy mô kinh doanh. Nhưng việc vận động ồ ạt này đang dẫn đến khá nhiều chuyện bi hài, khi có không ít các tiệm phở và bánh mì với số lao động đếm trên đầu ngón tay cũng được vận động lên doanh nghiệp với đủ thứ kê khai giấy tờ thuế má.

Chưa kể nếu nhìn nhận theo một khía cạnh nhất định, thì việc này có vẻ cũng không phù hợp lắm với tinh thần chủ đạo của chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”. Vận động những hộ kinh doanh sẵn có lên doanh nghiệp và coi đó như một doanh nghiệp mới đâu có thể xem như một sự khuyến khích khởi nghiệp được.

Có lẽ chính vì việc có xu hướng chạy theo số lượng, nên những doanh nghiệp mới thuộc diện có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của đất nước đang tỏ ra khá ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp của các doanh nghiệp mới thành lập vào tăng trưởng GDP trong quý 1/2017 gần như là không đáng kể, khi có tới khoảng 70% là các doanh nghiệp dịch vụ vốn phụ thuộc vào tình trạng nền kinh tế và chỉ có khoảng 13% là doanh nghiệp chế tạo mà thôi.

Quả thực, nếu chúng ta cứ tiếp tục thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới một cách ồ ạt, chung chung và thiếu điểm nhấn như hiện nay, thì có thể kết quả sẽ là đến năm 2020 trong số 1 triệu doanh nghiệp thì chỉ có một số ít có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP mà thôi.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế Việt Nam về dài hạn, để có các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới ở nhiều lĩnh vực cần thiết khác nhau, để chính các doanh nghiệp được thành lập ngày hôm nay trở thành hạt nhân cho các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước trong tương lai chứ không chỉ là những con số trong các báo cáo thành tích.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình Quốc gia khởi nghiệp: Coi chừng bệnh thành tích