Nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, hành động xin lỗi người dân của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là ứng xử đẹp, đáng khuyến khích nhưng người dân sẽ chờ đợi những thông điệp chính xác về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay như thế nào.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 4.4, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá những lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát là minh bạch và sẽ được người dân chia sẻ, cảm thông. Tuy nhiên minh bạch phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không thể cảm tính. Chính vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát phải đưa ra thông điệp chính xác nhất về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang ở mức độ như thế nào.
Nhìn rộng hơn về trách nhiệm của các tư lệnh ngành khi làm sai, điều hành lĩnh vực gây ra bức xúc trong dư luận nhân dân, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Làm sai mà xin lỗi là cách ứng xử đáng khuyến khích. Nhưng đáng khuyến khích hơn như tôi đã phát biểu cách đây 3 năm là chúng ta phải giã từ lời xin lỗi đi, mà hãy nhận lỗi và sửa chữa là chính. Điều đó mới đáng làm. Như nhiều đại biểu Quốc hội vừa rồi đã phát biểu, chúng ta thiếu trách nhiệm cá nhân, nếu có trách nhiệm cá nhân thì chúng ta xử lý được ngay thôi. Và đằng sau trách nhiệm cá nhân chính là lòng tự trọng của các vị đó. Rồi còn cả câu chuyện “văn hóa từ chức” nữa, tự đánh giá, tự xử mình là quan trọng nhất”.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, mặt bằng chung của chúng ta hiện nay không có trách nhiệm cá nhân, “cái gì cũng trách nhiệm tập thể”.
“Tư lệnh ngành là khái niệm tôi cho là không chính xác, mà phải phối hợp với nhau trong bộ máy. Có một cái tưởng là kỹ thuật thôi, nhưng tôi đã nói rồi, ở Quốc hội không nên chất vấn từng Bộ trưởng, nếu có chất vấn thì chỉ chất vấn ở những phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề cụ thể thôi. Còn chất vấn ở Quốc hội phải là Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng và đứng đằng sau là các Bộ trưởng liên quan. Cũng như câu chuyện thực phẩm vừa rồi, có phải chuyện riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đâu, nó còn liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế kia mà. Đó là chưa tính tới bộ máy chính quyền địa phương - nơi thực thi pháp luật”- ông Quốc phân tích.
Ông Quốc ủng hộ quan điểm được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đưa ra tại hội trường Quốc hội mới đây, khi cho rằng nếu nhiệm kỳ qua Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì tình hình có thể sẽ khác.
“Đây là chân lý rõ ràng, chẳng có gì phải bàn thêm cả, nhưng cơ chế của mình vẫn là xin - cho, chia sẻ quyền lợi nhiều hơn là vì sự phát triển”- ông Quốc đánh giá.
Khi giải trình trước Quốc hội ngày 1.4, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy gần 6.000 mẫu phân tích và kết quả cho thấy số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. “Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”- ông Phát nói.
Ngay lập tức phát biểu này gặp phải phản ứng dữ dội trong dư luận. Tới ngày 3.4, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức gửi lời xin lỗi tới người dân: “Tôi cảm thấy rất băn khoăn và ăn năn là tại diễn đàn Quốc hội mình đã không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu rõ ý nghĩ của mình”.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp phân trần: "Trong lời phát biểu của mình thì thời điểm đó tôi muốn nói một ý rằng chúng ta đúng là có thực phẩm vi phạm, cũng có nhiều thực phẩm thực sự an toàn nhưng nhân dân không có thông tin hay không có khả năng phân biệt giữa thực phẩm an toàn hay không an toàn”,
Cùng với việc nỗ lực ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm kém an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng nhân dân xây dựng các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn có uy tín để thông tin cho nhân dân biết.
"Gia đình chúng tôi cũng ăn cơm bệnh viện, ăn uống, đi chợ như một người dân bình thường. Gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi rất thấm thía nỗi lo của người dân, chia sẻ nỗi đau người thân bị ung thư. Cá nhân tôi luôn luôn mong muốn đóng góp để chấn chỉnh tình hình. Như tôi đã nói tại Quốc hội, chúng tôi cam kết, còn làm việc 1 ngày, tôi luôn coi đây là mục tiêu số 1”- ông Phát nói.
Thế Kha/Dân Trí