Sau năm 2023 đầy thăng trầm của thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều dự báo lạc quan cho thị trường năm 2024.
Tài chính và đầu tư

Chứng khoán 2024: Đầu tư ngành nào?

Lam Thanh 01/01/2024 16:55

Sau năm 2023 đầy thăng trầm của thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều dự báo lạc quan cho thị trường năm 2024.

Dự báo lạc quan cho chứng khoán 2024

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29.12.2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,19% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE tại ngày 29.12.2023 đạt hơn 4,55 triệu tỉ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2022 và tương đương 47,9% GDP năm 2022.

Tổng khối lượng giao dịch trong năm 2023 đạt hơn 193 tỉ cổ phiếu chứng khoán với tổng trị giá giao dịch đạt gần 3,8 triệu tỉ đồng. Trị giá giao dịch bình quân 15.265 tỉ đồng/ngày (giảm 11,1% so với năm 2022).

Đánh giá về triển vọng TTCK 2024, báo cáo của Công ty Chứng khoán TPS cho biết kịch bản cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất).

ck-1.jpeg
Nhiều dự báo lạc quan cho thị trường chứng khoán 2024

Dưới kịch bản lạc quan hơn, TPS kỳ vọng mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.

Trong năm 2024, TPS cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn do nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9 - 10.2023 đã đưa định giá của VN-Index theo P/E từ mức 14,87 lần về mức 13,29 lần ở thời điểm cuối tháng 11.2023. Qua đó tỷ suất E/P (lợi nhuận trên giá) của thị trường trung bình rơi vào biên độ khoảng 7,4 - 8,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức).

Ngoài ra, nỗ lực hạ nhiệt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có những tác động tích cực. So với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E forward khá thấp, vào khoảng 9,1 lần. Hơn nữa, việc Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản hứa hẹn sẽ giúp kinh tế khởi sắc hơn.

Chứng khoán VCBS cũng đánh giá, với việc mặt bằng lãi suất trong quý 4/2023 thậm chí đã rơi xuống thấp hơn so với giai đoạn COVID-19, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Nhìn về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Do đó, VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.

Các chuyên gia của Chứng khoán MBS cũng nhận định, trong năm 2024, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4/2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

ck-4.png
Kịch bản lạc quan, thị trường chứng khoán có thể đạt ngưỡng 1.450 điểm

Ở kịch bản cơ sở, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 - 1.280 điểm trong năm 2024. Định giá hiện tại của VN-Index, chỉ số P/E đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.

Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng xu hướng hồi phục của TTCK Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm.

Cơ hội ở đâu?

Theo VCBS, trong năm 2024, với kỳ vọng rằng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ tiếp tục rõ nét hơn đặt trong bối cảnh mức độ biến động lớn của thị trường, nhà đầu tư cần vừa sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp có triển vọng tốt, vừa chú ý lựa chọn thời điểm giải ngân khi giá cổ phiếu ở giá hợp lý.

Cụ thể hơn, mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và vẫn có thể giảm thêm là yếu tố hỗ trợ về đầu vào đối với ngành ngân hàng cũng như về mức định giá đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia của VCBS cho rằng các cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên TTCK Việt Nam.

ck-3.jpeg
Cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị

Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào như hiện tại là yếu tố hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm kiếm đầu ra.

Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.

Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu cho rằng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Do đó nhà đầu tư có thể sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Cũng theo đơn vị này, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế.

ck-2.png
Nhóm công nghệ, dầu khí, xuất khẩu... dự báo nhiều tiềm năng

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…

Còn theo các chuyên gia của FiinGroup, nhóm ngành có triển vọng tích cực năm 2024 có thể kể đến như nhóm công nghệ thông tin, nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm dầu khí, nhóm xuất khẩu, nhóm thép, nhóm hóa chất…

Tại talkshow mới đây, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Nghiên cứu khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho biết, sang năm 2024, sự hồi phục sẽ mạnh mẽ hơn ở các hoạt động kinh tế. Từ tiêu dùng nội địa đến xuất khẩu sẽ được kích hoạt bởi chính sách nới lỏng lãi suất và tài khóa, cùng với sự hồi phục từ nhu cầu từ bên ngoài.

Cho danh mục khuyến nghị năm 2024, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã chỉ ra 5 nhóm ngành đáng để đầu tư, gồm: công nghệ, năng lượng, dầu khí, tiêu dùng và ngân hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chứng khoán 2024: Đầu tư ngành nào?