Thật không ai có thể hình dung nổi câu chuyện cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô vào những ngày sau Tổng khỏi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Khi đó, cụ đã nhận trách nhiệm cực kỳ to lớn trước Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không hề hay biết nhiệm vụ lịch sử.

Chưa phải người của Đảng, cụ bà Trịnh Văn Bô từng nhận sứ mệnh lịch sử

11/11/2017, 10:56

Thật không ai có thể hình dung nổi câu chuyện cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô vào những ngày sau Tổng khỏi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Khi đó, cụ đã nhận trách nhiệm cực kỳ to lớn trước Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không hề hay biết nhiệm vụ lịch sử.

Cụ bà Trịnh Thị Điền, nhà tư sản dân tộc yêu nước, người đã giới thiệu nhà số 48 Hàng Ngang của cụ Trịnh Văn Bô làm nơi Bác Hồ về ở sau CMT8 - Ảnh: Q.P (chụp lại tư liệu)

Điều đó có thể làm tiêu tan không chỉ cơ nghiệp của gia đình cụ mà cả một tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương ngày đó nếu bị mật thám Pháp phát hiện. Nhân sắp đến ngày tiễn biệt cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ về nơi chín suối theo nghi thức Tang lễ cấp cao của Nhà nước, tôi xin viết đôi dòng để chúng ta cùng suy nghĩ : Trong xã hội Việt Nam trước đây và hôm nay, không nhất thiết cứ là đảng viên cộng sản mới là người yêu nước, yêu Đảng.

Sự tương đồng giữa hai gia đình đại tư sản yêu nước

Cha cụ Hoàng Thị Minh Hồ là thương gia Hoàng Đạo Phương, chủ hiệu buôn tơ lụa Vạn Tường khá danh tiếng ở số 21 Hàng Đào, Hà Nội. Cụ ông đã căn dặn các con mình rằng: "Cha già rồi nên quả là cũng chưa làm tròn việc nước. Sau này, nếu con nào có điều kiện thì hãy giúp nước thay cha". Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã làm được kỳ tích đó.

Cụ Trịnh Thị Điền là vợ của nhà tư sản nổi tiếng Đỗ Đình Thiện, người đã từng ủng hộ 100 lượng vàng và 10 vạn đồng Đông Dương trong Tuần lễ vàng sau ngày Quốc khánh 2.9.1945. Đó là chưa kể số tiền 1 triệu đồng Đông Dương mua đấu giá chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích thể hiện sự kính trọng và biết ơn cụ Hồ khi đất nước được độc lập. Sau đó, cụ Thiện tặng luôn bức chân dung trên cho Ủy ban Hành chính kháng chiến Hà Nội.

Trang tư liệu về cụ bà Trịnh Thị Điền - Ảnh: Q.P

Cửa hàng Cát Lợi chuyên kinh doanh tơ lụa ở số 54 Hàng Gai của hai cụ Thiện - Điền vốn là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ ta trong nội thành như Tổng bí thư Trường Chinh, như Trưởng ban Kinh tài Nguyễn Lương Bằng... ngay từ những năm 30 đến 40 của thế kỷ trước. Bản thân hai cụ cũng từng bị Pháp bắt tù vào năm 1931 do hoạt động cách mạng. Chỉ có điều, cụ ông là trí thức sống ở Pháp và là đảng viên Cộng sản Pháp nên bị bắt giam bên đó, còn cụ bà thị bị bắt giam ở trong nước.

Sau này, do gia đình cụ đều cùng nằm trong "sổ đen" của địch nên họ tập trung kinh doanh, lấy lời nuôi cách mạng thông qua ông Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tài của Đảng.

Ảnh chụp ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ - Ảnh: chụp từ tư liệu

Cụ Đỗ Đình Thiện còn hiến cả một đồn điền 2.000 mẫu trên Chi Nê (Hòa Bình) mà trị giá riêng phần đất đã 1 triệu đồng Đông Dương để Chính phủ đặt nhà máy in tiền quốc gia khi toàn quốc kháng chiến. Trước đó, đây là xưởng dệt của gia đình và sau nữa, từng là cơ sở bí mật để cán bộ cách mạng họp hành hoặc khi cán bộ bị vây ráp thì lên lánh mặt.

Táo bạo, thông minh khi chọn cơ sở hoàn toàn bất ngờ cho cụ Hồ bí mật ở Hà Nội

Sáng 10.11, tôi có điện cho bà Tường Vân, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, con gái nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, để mong được xác minh thêm lần nữa câu chuyện mà cha bà kể và mãi sau này, bà Tường Vân mới kể cho một số người có quan tâm biết.

Chuyện đại để là nếu như cơ sở 54 Hàng Gai của nhà cụ Đỗ Đình Thiện không bị mật thám đưa vào“sổ đen" từ trước; nếu như cơ sở buôn bán này mà được rộng rãi hơn nữa và có đường thoát hiểm an toàn ở phía sau nhà một khi bị lộ thì nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội sau ngày Tổng khởi nghĩa phải là nơi này chứ không phải là nhà 48 Hàng Ngang của cụ Trịnh Văn Bô.

Trang tư liệu về việc nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện tặng bức chân dung cụ Hồ Chí Minh cho Ủy ban Hành chính kháng chiến Hà Nội - Ảnh: Q.P

Bởi dù sao, các cụ đều là người của Đảng, đang hoạt động bí mật nên sẽ rất bình tĩnh khi xử trí. Đây vốn lại là cơ sở qua lại của cán bộ ta nên các cụ rất nhiều kinh nghiệm. Bản thân cụ bà Trịnh Thị Điền từng bị đòn địch tra tấn do bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò.

Khi tổ chức yêu cầu, hai cụ Đỗ Đình Thiện đã rất cân nhắc. Là chỗ bạn thân với gia đình cụ Trịnh Văn Bô, cụ bà đã phải suy tính thận trọng và đi tới một đề xuất rất táo bạo. Cụ đã trao đổi với ông Nguyễn Lương Bằng về nơi có thể đưa cụ Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng bí mật về nhà cụ Trịnh Văn Bô theo dự kiến của mình. Thật là một niềm tin đến kỳ lạ và quá đúng ở cụ Trịnh Thị Điền, một đảng viên trung kiên, chuyên làm tài chính cho Đảng từ những năm Đảng vô cùng gian khó. Và rồi tổ chức đã chấp nhận phương án tối ưu khi gửi gắm sự trợ giúp của gia đình cụ Trịnh Văn Bô.

Như một đảng viên

Với người hoạt động trong lòng địch, nhiều khi do tình thế ngàn cân treo sợi tóc cho nên họ thường nghĩ ra nhiều sáng kiến xuất thần, đầy thông minh và có thêm chút mạo hiểm (trong chừng mực nhưng có lý có tình) thì sẽ gặp nhiều thành công.

Cụ bà Trịnh Thị Điền là người cán bộ cách mạng như vậy.

Cụ đã chọn gia đình cụ Trịnh Văn Bô, nơi kẻ thù chưa để mắt tới để đón cụ Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ Việt Minh về thành, quả là rất sáng tạo. Chỉ mãi vài ngày sau, hai cụ Bô mới biết đó là cụ Hồ Chí Minh. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lại chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một nhân vật từ lâu đã được các cụ bậc trên của cả hai họ kính trọng, nể phục.

Nếu chọn nhầm địa chỉ gửi gắm, dù chỉ vô tình bị lộ chứ không phải ai đó do tố giác đi nữa thì có thể đất nước sẽ bị kéo lùi tiến trình giành độc lập, tự do cho dân tộc chúng ta không biết bao lâu nữa!

Vì thế, tôi đặc biệt đánh giá cao cách nhìn người quá xuất sắc và rất tinh tường của cụ bà Trịnh Thị Điền thời kỳ đó khi tìm được cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, một quần chúng chưa hề tham gia cách mạng mà chỉ là người yêu nước, căm thù giặc Pháp xâm lăng và có tấm lòng cao cả, cách mạng có thể trông cậy được.

Cụ Điền hiểu rõ, gia đình đó có cụ Bô rất hiền lành chân thật, còn cụ bà Minh Hồ (kém cụ Điền 2 tuổi) thì rất tháo vát, thông minh, nhân đức và yêu nước. Điều quan trọng nữa là lại được nhóm gia nhân một lòng trung thành với cụ chủ.

Phải thừa nhận một điều, thế hệ nữ doanh nhân tiêu biểu như cụ bà Trịnh Thị Điền, Hoàng Thị Minh Hồ thật vĩ đại và xứng đáng được ghi vào sử sách. Ngày nay, chúng ta cũng có rất nhiều nữ doanh nhân tài ba, tạo được nhiều của cải vật chất cho xã hội với nhiều thương hiệu đáng nể. Song, để có được những nữ doanh nhân tài ba, sống nhân hậu, hy sinh hết lòng để phụng sự tổ quốc thì cũng chưa thật nhiều. Bây giờ, họ có thể không là đảng viên, nhưng theo tôi, điều này đâu còn quan trọng miễn là họ có tâm với dân tộc, hết lòng vì sự giàu mạnh của đất nước...

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa phải người của Đảng, cụ bà Trịnh Văn Bô từng nhận sứ mệnh lịch sử