Ngày 3.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi đối thoại với Đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Theo dòng thời sự

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu đường sắt đô thị thay vì gửi ngân hàng

Tú Viên 18:23 03/10/2024

Ngày 3.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi đối thoại với Đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Tại buổi đối thoại, ông Phan Văn Mãi đề nghị MTTQ Việt Nam TP.HCM nên có chương trình “Sáng kiến nhân dân xây dựng thành phố”. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam TP.HCM tích cực tham gia đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của TP như đường sắt đô thị, đường Vành đai 4…

Về đề án hệ thống đường sắt đô thị, đến năm 2035, TP.HCM phải hoàn thành 183 km metro, dự kiến vốn cần 36 tỉ USD. Theo ông Mãi, cơ chế cho phép nên TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và mong người dân mua, cùng đóng góp kinh phí để triển khai. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội... TP sẽ có nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân.

image.tienphong.vn-w645-uploaded-2024-xqeioxdexq-2024_10_03-_img-0932-4624.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi đối thoại Đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM

Ông Phan Văn Mãi cho rằng đây là dự án lớn, cần huy động sự đóng góp của người dân. Việc phát hành trái phiếu đường sắt sẽ là một trong những giải pháp đột phá, giúp huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị.

“Thay vì bà con nhân dân TP gửi tiền vào ngân hàng lãi suất có thể cao hơn, mua trái phiếu đường sắt đô thị lãi suất có thể thấp hơn, nhưng chúng ta đóng góp vào xây dựng TP thì tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ làm được việc lớn lao này”, Chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng.

TP được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư và đang ở bước xây dựng, hoàn thiện đề án.

Tại đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất Trung ương cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp TP huy động được vốn để làm 200 km metro. Cụ thể, cho phép TP.HCM và Hà Nội thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định.

Đồng thời, địa phương được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, TP.HCM sẽ thu được 40 tỉ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.

TP cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do hai địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu đường sắt đô thị thay vì gửi ngân hàng