Sáng 22.3, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày báo cáo nhiệm kỳ của mình trước Quốc hội khóa 13. Chủ tịch nước đã tự nhận có phần trách nhiệm trước những yếu kém của đất nước.
Củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc
Theo đó, Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, ký quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ; tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội; quyết định đàm phán điều ước quốc tế nhân danh nhà nước, thận trọng, xem xét các văn bản ký kết quốc tế, nhất là các hiệp định vay vốn ODA, yêu cầu Chính phủ quản lý vốn vay có hiệu quả, đúng pháp luật...
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đều dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi tình hình đời sống, học tập, lao động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mỗi khi có dịp đi công tác. Chủ tịch nước đã động viên và kêu gọi kiều bào phát huy truyền thống đoàn kết, tự hào và tự tôn dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng đất nước.
Có phần trách nhiệm
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn cho biết Chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.
Theo Chủ tịch nước, với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nước ngoài để bảo đảm khả năng trả nợ còn hạn chế. Trước các vấn đề quốc kế dân sinh bức xúc thì Chủ tịch nước chưa yêu cầu Chính phủ họp bàn.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu cơ chế cụ thể hoạt động và tổ chức hội đồng quốc phòng - an ninh, việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân chưa thể hiện rõ trong các luật chuyên ngành. Chưa hoàn thiện rõ cơ chế trong luật chuyên ngành để tăng cường kiểm tra giám sát, công tác vốn vay nước ngoài, lập danh mục vốn vay ODA hằng năm và trung hạn.
Để Chủ tịch nước kế nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, nhất là Chủ tịch nước phải phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ tích cực xây dựng thể chế, kiến nghị hoàn thiện văn bản luật liên quan đến quyền hạn của Chủ tịch nước.
Tiếp tục triển khai chương trình cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, trong đó tổ chức xây dựng pháp luật, kiện toàn bộ máy, hoạt động bổ trợ tư pháp, hoàn thiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tới 2020.
Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, lắng nghe góp ý của các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch nước tham gia chỉ đạo hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhất quán đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, đa phương hóa đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.
Chủ tịch nước chỉ đạo mọi mặt công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cụ thể hóa quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân.
Trí Lâm