Sáng 5.7, bên lề kỳ họp HĐND, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho phóng viên xem đoạn clip ghi lại cảnh một số tàu đang khai thác cát lậu cách không xa tàu của cảnh sát đường thủy trên sông Hồng.

Chủ tịch Hà Nội: ‘Tàu khai thác cát lậu cách tàu công an chỉ 10 mét’

Trí Lâm | 05/07/2018, 13:22

Sáng 5.7, bên lề kỳ họp HĐND, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho phóng viên xem đoạn clip ghi lại cảnh một số tàu đang khai thác cát lậu cách không xa tàu của cảnh sát đường thủy trên sông Hồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin clip trong điện thoại là do Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn vừa báo cáo ông tại giờ giải lao phiên khai mạc kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được clip “cát tặc”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đem ra hành lang kỳ họp chia sẻ với nhiều phóng viên và đề nghị báo chí vào cuộc thông tin về vụ việc.

“Các bạn xem đây này, tàu khai thác cát lậu hoạt động cách tàu của công an có hơn 10m”, ông Chung nói.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho hay, ông vừa báo cáo Chủ tịch thành phố về tình trạng cát tặc trên sông Hồng khu vực thuộc địa bàn huyện. Sau khi xem clip, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo lực lượng chức năng của thành phố vào cuộc xử lý.

Trước đó, trong một cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới,ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (khi đó đang là Bí thư huyện ủy Phúc Thọ) cho rằng vấn đề “cát tặc” hoành hành hiện nay đang hết sức nhức nhối, là nỗi bức xúc của người dân cũng như chính quyền. Do đó, nhiệm vụ trước mắt là cần quan tâm để hạn chế dần và tiến đến loại trừ tình trạng này.

Ông Hiểu cho rằng cần nghiên cứu lại công tác làm sạch luồng, lạch, nạo vét đường thủy nội địa, rà soát để tránh những đối tượng lợi dụng việc này để khai thác trái phép. Nhiều năm nay, việc nạo vét nhiều tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa được xã hội hóa, giao cho các nhà đầu tư sẽ bán cát, sỏi bù đắp vào chi phí nhưng không có sự giám sát chặt chẽ.

"Chính sách là đúng nhưng việc thực hiện có nhiều vấn đề, thiếu giám sát dẫn đến bị các đối tượng trục lợi để khai thác tài nguyên, gây xói lở, mất an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng", ông Hiểu cho biết.

“Phải có một quyết tâm chính trị rất là cao của cả hệ thống, từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là phải có những đợt ra quân mạnh mẽ, ví dụ như đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang triển khai. Việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên khắp các dòng sông trên cả nước”, ông Hiểu nói.

Vị ĐBQH này cũng cho rằng cần điều chỉnh để nhất quán trong quy định của pháp luật cũng như những chính sách liên quan đến việc khai thác. “Một dòng sông mà có 2 chính sách. Hà Nội không cho phép khai thác cát dưới lòng sông Hồng trong khi Vĩnh Phúc lại cho phép. Việc xác định ranh giới giữa chỗ được phép khai thác và không được phép cũng rất khó vì trên một dòng sông. Do đó, chính sách cần phải có sự thống nhất với nhau”.

“Tôi nghĩ bây giờ cần phải làm một số chuyên án điểm, làm điển hình để tìm ra được những người chống lưng, bởi vì dư luận hiện nay vẫn đặt vấn đề về việc có chống lưng cho cát tặc lộng hành. Trước nay, mỗi đợt ra quân được hơn chục ngày rồi mọi việc lại đâu vào đấy thì không ổn”, ông Hiểu nêu quan điểm.

Theo ông Hiểu, lợi nhuận khai thác cát rất lớn nên “cát tặc” hoành hành rất kinh khủng. Để hạn chế còn phải thắt chặt an ninh trât tự ở các lòng sông để tránh hình thành các băng nhóm xã hội đen. Nếu không, chỉ 5, 10 năm nữa thì đời sống của hàng vạn người dân ở một số dòng sông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vì lở, xói.

Theo quy định, hoạt động khai thác tài nguyên cần phải được sự giám sát của nhiều cơ quan, trong đó trực tiếp là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hiểu, về cơ bản việc kiểm tra, giám sát, xử lý vẫn là lãnh đạo địa phương làm nhiệm vụ này, ít thấy xuất hiện của các chủ thể khác. Điều này cần kiến nghị với các cơ quan để tăng cường trách nhiệm các bên trong vấn đề này.

"Các thành phần cát tặc là tội phạm nguy hiểm, tiến hành vào ban đêm, trong khi lực lượng cấp xã rất mỏng, không có lực lượng chuyên nghiệp nên việc tiếp cận, giám sát và xử lý rất khó khăn. Hơn nữa, chính quyền cơ sở cũng không có phương tiện đầy đủ để đấu tranh", ông Hiểu bày tỏ.

Ông Hiểu cũng nêu ví dụ, để xử lý "cát tặc" thì cũng phải có tàu để tiếp cận, phát hiện. Công an các huyện không có cảnh sát đường thủy chuyên trách nên rất khó khăn, chỉ đợi lực lượng cấp tỉnh. Trong khi đấu tranh với tội phạm này thì phải gấp gáp, kịp thời, chứ chậm trễ huy động lực lượng thì họ đã chạy rồi.

“Trên các dòng sông, ranh giới giữa địa phương này với địa phương khác khá mong manh, trong khi nguyên tắc xử lý phải gắn với địa giới hành chính. Cho nên, các đối tượng đang khai thác cát ở đoạn này, thấy cán bộ lại chạy sang địa phương khác”, ông Hiểu nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hà Nội: ‘Tàu khai thác cát lậu cách tàu công an chỉ 10 mét’