Chủ nghĩa độc tôn dị tính ('heterosexism') là khái niệm lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1971 bởi Craig Rodwell, một nhà hoạt động đồng tính. Vì không phải là thuật ngữ khoa học mà là thuật ngữ ra đời bởi phong trào vận động quyền LGBT (Đồng tính, song tính và chuyển giới) cho nên mỗi nhà hoạt động cũng có những cách sử dụng khác nhau của mình.

Chủ nghĩa độc tôn dị tính

Một Thế Giới | 27/05/2015, 03:00

Chủ nghĩa độc tôn dị tính ('heterosexism') là khái niệm lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1971 bởi Craig Rodwell, một nhà hoạt động đồng tính. Vì không phải là thuật ngữ khoa học mà là thuật ngữ ra đời bởi phong trào vận động quyền LGBT (Đồng tính, song tính và chuyển giới) cho nên mỗi nhà hoạt động cũng có những cách sử dụng khác nhau của mình.

Trong bài viết này, người viết chia sẻ một số phân tích và biểu hiện thực tế của chủ nghĩa độc tôn dị tính cụ thể trong khung cảnh Việt Nam. 
Khái quát về chủ nghĩa độc tôn dị tính 
Chủ nghĩa độc tôn dị tính có liên hệ mật thiết với nhiều khái niệm khác, đặc biệt là “chứng ghê sợ đồng tính” (homophobia). Nếu ví chủ nghĩa độc tôn dị tính là một cái bánh, có thể tạm hình dung chiếc bánh đó có các lớp như sau: 
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
 
Nói một cách ngắn gọn, chủ nghĩa độc tôn dị tính là hệ thống những quan điểm để bảo vệ cho tính dục khác giới, bao gồm ba thành tố cơ bản: 
  1. Quan điểm mặc định mọi người là dị tính; 
  2. Quan điểm cho rằng dị tính là ưu việt hơn, xem những gì ngoài dị tính đều là thấp kém hơn; 
  3. Tiến tới chối bỏ, tạo sự thiên vị, phân biệt đối xử với những thiểu số tính dục khác. 
Như nhiều người vẫn hay nói, xã hội mà chúng ta đang sống là một “xã hội dị tính.” Và sống trong xã hội dị tính đó, các quan điểm về tính dục khác giới chiếm ưu thế. Đôi khi, những quan điểm đó được dùng để biện minh cho sự bất bình đẳng đối với người đồng tính, song tính, chuyển giới hay các xu hướng, bản dạng khác. 
Điều cần nhấn mạnh, chủ nghĩa độc tôn dị tính không chỉ là sản phẩm của những người dị tính. Nhiều người LGBT cũng thừa nhận và tuân theo hệ thống quan điểm này. Hệ quả là họ trở nên mặc cảm, chối bỏ bản thân, chối bỏ bản dạng, hạ thấp lòng tự tôn, tự kỳ thị cùng nhiều vấn đề khác. 
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
 
Mặc định mọi người là dị tính. 
Quan điểm mặc định mọi người là đồng tính thể hiện ở hai điểm: 
  • Làm ẩn đi việc một người có thể là người đồng tính, và 
  • Giảm thiểu tối đa khả năng một người là người đồng tính. 
Biểu hiện 1: Làm ẩn đi việc một người có thể là người đồng tính. 
Một cách ngầm định, hầu hết mỗi người đều đặt ra những mong đợi định trước cho việc thế nào là một người, một người nữ và điều gì là điều người đó nên làm và không được phép làm. Cụ thể, nếu một người có giới tính sinh học là nam, người đó sẽ được mong đợi để phải nghĩ mình là nam giới, yêu nữ giới và thể hiện một cách nam tính. 
Ví dụ 1: Khi gặp một người nữ, người ta thường hỏi ngay “đã có bạn trai chưa”, tương tự sẽ hỏi về tình trạng bạn gái khi gặp một người nam. Việc “làm ẩn” việc một người có thể là người đồng tính đôi khi không phải là một sự cố ý, mà nó đã hằn sâu vào trong hệ thống quan điểm của từng người. 
Ví dụ 2: Cô giáo bảo mẫu có thể khen với phụ huynh “bé trai nhà chị đào hoa lắm, các bé gái trong lớp rất thích chơi với cháu.” Điều này phần nào tạo lập nên giá trị sơ khai ở đứa bé, rằng “đào hoa” là một điều được người lớn ghi nhận và tưởng thưởng. Hẳn chẳng có cô bảo mẫu nào lại nói “bé trai nhà chị đào hoa lắm, các bạn trai trong lớp rất thích chơi với cháu.” Đây cũng là biểu hiện của việc “làm ẩn” đi việc một người có thể là người đồng tính. 
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
 Ảnh minh họa
Biểu hiện 2: Giảm thiểu tối đa khả năng một người là người đồng tính. 
Việc mặc định mọi người là người đồng tính có thể dẫn tới: (a) Chối bỏ sự tồn tại của người đồng tính, hoặc (b) Né tránh hết mức việc một người có thể là người đồng tính. 
Ví dụ 1: Một người đàn ông từng có vợ/bạn gái, nhưng sau đó có mối quan hệ với một người cùng giới. Ở đây phân tích một cách khách quan có thể thấy ba khả năng: 
  • Người này là người dị tính, và đang có trải nghiệm đồng tính và thích nó. 
  • Người này là người đồng tính, có trải nghiệm đồng tính và quyết định không kìm nén, giả tạo nữa. 
  • Người này người song tính, có trải nghiệm đồng tính và khám phá thêm một khía cạnh tính dục của mình. 
Thế nhưng phần lớn mọi người sẽ chọn ngay cách lý giải đầu tiên, chứ không nghĩ tới hai khả năng sau. Mặc dù không phán xét bất kỳ trải nghiệm nào là tốt hay xấu; nhưng cách mà xã hội nhìn nhận “ngày trước nó vẫn có bạn gái mà” đã biểu hiện ra quan điểm mặc định mọi người là dị tính như thế nào. 
Ví dụ 2: Nếu một người dị tính trước kia từng thích người cùng giới, thì người ta nghĩ rằng đó chỉ là nhất thời, chưa xác định rõ, không thể chắc chắn họ là người đồng tính. Nhưng nếu một người đồng tính mà đã từng thích một người khác giới, thì người ta sẽ nói ngay “đấy, ngày trước nó vẫn thích người khác giới mà!” và nghĩ rằng họ không thể là người đồng tính. Đây cũng là lỗi rất nhiều nhà tư vấn tâm lý hay mắc phải. 
Ví dụ 3: Nhiều phụ huynh như biết con mình là người đồng tính thường liên tục đặt nghi vấn: con mình đang có chuyện gì buồn, con mình dạo này quan hệ bạn bè với ai để “tập nhiễm” chăng, mình đã làm gì sai... để cố gắng chối bỏ việc con mình là người đồng tính. 
Ví dụ 4: Đưa ra khái niệm "đồng tính giả" và "đồng tính thật", nhưng luôn có xu hướng tìm mọi lý do, biểu hiện để đưa về kết luận đây chỉ là "đồng tính giả" hoặc cho rằng "đồng tính thật" là rất ít. 
Ví dụ 5: Nhiều chuyên viên tư vấn tâm lý khi nhận được câu hỏi "em có phải là người đồng tính" thường "trấn an" ngay khách hàng bằng một loạt lời khuyên: có thể em còn nhỏ nên chưa xác định rõ, có thể em có thể đang ở giai đoạn bối rối, có thể em chưa tiếp xúc nhiều với người khác giới, có thể đó chỉ là cảm xúc nhất thời... chỉ nhằm giảm xuống mức thấp nhất khả năng khách hàng có thể là người đồng tính. Và thường chỉ chốt lại, "nhưng nếu trong trường hợp không mong muốn nhất, em là người đồng tính thì cũng đừng mặc cảm..."
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) 
Dị tính là ưu việt hơn, những gì ngoài dị tính là thấp kém hơn. 
Quan điểm này biểu hiện ở một số điểm: 
  • Lấy dị tính làm chuẩn mực 
  • Gắn đồng tính, song tính với những đặc tính xấu. 
Biểu hiện 1: Lấy dị tính làm chuẩn mực. 
Từ những ví dụ rất nhỏ như cách gọi tên “trai xịn”, “trai 100%” hay “người bình thường” để nói về người dị tính, chúng ta ngầm hiểu như vậy người đồng tính là không “xịn”, không “100%” và không “bình thường.” 
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
Hay một ví dụ khác, câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh hay đặt ra “mày có muốn lấy sợ, sinh con, lập gia đình như bao người con trai khác không?” thường làm bối rối những người con đồng tính. Nhiều bạn đồng tính “sập bẫy” này và trả lời “Con cũng muốn lắm nhưng không thể được.” 
Một cuộc sống dị tính điển hình được đưa ra để làm chuẩn mực áp đặt lên mọi người. Thật ra, người con hoàn toàn có thể trả lời “Con muốn được là chính mình, được yêu người mình yêu, được kết hôn và xây dựng gia đình với người đó.” Khi đó, rõ ràng có thể thấy dị tính không còn là “chuẩn mực duy nhất” nữa. 
Biểu hiện 2: Gắn đồng tính, song tính với những đặc tính xấu. 
  • “Đồng tính nam là do tập nhiễm, a dua, đua đòi, theo phong trào.” 
  • “Đồng tính nữ là do chán ghét đàn ông, do thất bại trong tình cảm.” 
  • “Người song tính là người hay lăng nhăng, không chung thủy, không dứt khoát.” 
Trên đây là những phát biểu thường nghe, khi xã hội cố gắn ghép LGBT với những đặc tính xấu, và luôn “săm soi” vào những đặc tính đó. Tất nhiên, khi nói “người đồng tính là người bình thường”; có nghĩa là người đồng tính cũng có những đặc tính tốt và xấu như bất kỳ ai khác. Thế nhưng, quan điểm cho rằng dị tính là ưu việt hơn luôn cố gắng bôi tất cả những điều tiêu cực vào hình ảnh của người đồng tính, song tính. 
  • Nếu người dị tính chia tay nhau, thì đó là vì tình cảm của họ không còn. Còn nếu người đồng tính chia tay nhau, thì đó là vì bản chất người đồng tính không thể yêu nhau lâu bền được. 
  • Nếu người dị tính giết người cướp của, thì đó là vì lòng tham và tội lỗi của cá nhân họ. Còn nếu người đồng tính giết người cướp của, thì đó là vì cộng đồng người đồng tính hay gắn liền với tội phạm. 
  • Thậm chí, trong những vụ án, nếu người đồng tính là thủ phạm, thì đó là một yếu tố “tăng nặng”, còn nếu người đồng tính là nạn nhân, thì đó là hậu quả do “lối sống” của họ. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm (là người dị tính) thậm chí còn lợi dụng điều đó, xoáy sâu, mặc sức thóa mạ nạn nhân để biện hộ cho mình. Còn nạn nhân (là người đồng tính) thì không dám lên tiếng. 
Chu nghia doc ton di tinh, nguoi di tinh, nguoi dong tinh
Nếu một người đồng tính thử có trải nghiệm dị tính (quen với người khác giới) thì được xem là rất tốt, được khuyến khích để làm việc đó. Nhưng nếu một người dị tính có trải nghiệm đồng tính (quen với người cùng giới) thì lập tức bị xem là không tốt, phải chấm dứt ngay. Dị tính ưu việt và đồng là thấp kém chính là vì vậy. 
Quan điểm này là một cấu thành rất quan trọng của chủ nghĩa độc tôn dị tính. Để từ đó tạo ra những định kiến và phân biệt đối xử mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau: Chủ nghĩa độc tôn dị tính - “Đặc quyền của đa số.” 
Theo Sáu Sắc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ nghĩa độc tôn dị tính