Theo trang Nikkei Asian Review, lãnh đạo các nước Đông Nam Á dùng việc tăng lương tối thiểu để thu hút cử tri, gây hy vọng đổi đời cho giới nhân công, nhưng lại làm người chủ sử dụng lao động nhức đầu.

Chủ lao động ở Đông Nam Á e ngại phải tăng lương tối thiểu

02/02/2018, 19:10

Theo trang Nikkei Asian Review, lãnh đạo các nước Đông Nam Á dùng việc tăng lương tối thiểu để thu hút cử tri, gây hy vọng đổi đời cho giới nhân công, nhưng lại làm người chủ sử dụng lao động nhức đầu.

Công nhân dệt may ở Campuchia - Ảnh: AP

Vẫn theo trang báo Nhật, các nhà sản xuất ngày càng tự hỏi còn nước nào ở Đông Nam Á trình được những lợi ích khác, để biện hộ cho việc trả thêm lương cho người lao động.

Bài báo nêu hồi tháng 8.2017, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đi thăm các xí nghiệp may mặc và chế biến lương thực sử dụng khoảng 700.000 công nhân trên toàn quốc. Đôi lúc ông ăn trưa với công nhân, vui vẻ chụp ảnh với họ, và hứa họ sẽ được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn.

Tại Campuchia, công nhân ngành may và gia đình họ là khối cử tri lớn trong tổng số 16 triệu dân. Ông Hun Sen dựa vào khối nhân lực lao động này để thắng cử vào tháng 7 tới.

Từ ngày 1.1.2018, Campuchia tăng 11% lương tối thiểu. Trước đó, chủ lao động và công nhân đồng ý tăng mức lương lên 165 USD/tháng, nhưng ông Hun Sen quyết tăng thêm 5 USD nữa.

Hồi cuối tháng 12.2017, Thủ tướng Hun Sen nói chuyện với 14.000 công nhân của 15 xí nghiệp, công ty ở thủ đô Phnom Penh, và ông chúc mừng họ sắp hưởng mức lương cơ bản/tháng tăng từ 153 lên 170USD. Ông cũng nói họ sẽ được hưởng những quyền lợi như khám sức khỏe miễn phí, được chữa trị miễn phí ở các bệnh viện công.

Ông Hun Sen cũng cho biết đã tuyên bố sẽ vận động làm Thủ tướng Campuchia thêm hai nhiệm kỳ nữa, và vận động giới lao động, cha mẹ và ông bà của họ (nếu còn sống) sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Nhân dân Campuchia, vào ngày bầu cử 29.7.2018.

Thủ tướng Hun Sen thăm công nhân may Campuchia - Ảnh: AP

Malaysia cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước tháng 9 tới, và có tin chính phủ cũng sẽ tăng lương tối thiểu. Giữa năm nay, Malaysia sẽ tổ chức xem xét lại mức lương hàng tháng, hiện là 1.000 ringgit (253 USD) ở các bang trên đất liền, và 920 ringgit ở các bang đảo.

Theo trang Nikkei Asian Review, vài năm gần đây, Thủ tướng Najib Razak nhắm vào giới cử tri có thu nhập thấp. Nhiều chương trình được lập để nâng mức lương tối thiểu nơi 40% gia đình chỉ kiếm được chưa tới 3.000 ringgit/tháng.

Trang báo Nhật ghi nhận những tính toán chính trị-kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng-đang tiếp tục giúp tăng mức lương tối thiểu ở Đông Nam Á.

Trong 5 năm qua, lương tối thiểu đã tăng hơn gấp đôi, tại vài quốc gia Đông Nam Á. Ở Việt Nam tăng 6,1% tùy theo vùng, theo dữ liệu của Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ.

Hồi đầu năm 2018, Indonesia tăng mức lương tối thiểu lên 8,5% ở nhiều vùng lớn gồm thủ đô Jakarta. Hồi năm 2013, lương tối thiểu ở vùng Jakarta tăng 43,9% so với năm trước.

4 tháng trước đó, ông Joko Widodo (nay là Tổng thống) được bầu làm Đô trưởng Jakarta, và ông muốn xoa dịu những cuộc đình công phản đối.

Năm 2018, các cuộc biểu tình lại giữ một vai trò khiến chính phủ Indonesia tăng lương tối thiểu cao hơn năm 2017 tại nhiều vùng.

Đầu tháng 11.2017, ngay sau khi đô trưởng Anies Baswedan quyết tăng lương, hàng trăm người của các công đoàn lao động tập hợp trước Tòa thị chính Jakarta, yêu sách phải tăng lương cao hơn và chỉ trích chính quyền.

Myanmar là nước quyết tăng mức lương tối thiểu lớn nhất trong năm 2018, lên tới 33%. “Cố vấn chính phủ Aung San Suu Kyi đang nỗ lực đạt được những tiến bộ kinh tế, và bà đang cố gắng nâng cao đời sống cho giới nhân công cổ cồn xanh”, theo ông Myint Myint Cho, giám đốc công ty đá quý Min Thiha ở thủ đô Yangon.

Nhưng hậu quả là những cuộc phản đối, tranh cãi. Tháng 8.2017, khoảng 2.000 công nhân xí nghiệp biểu tình ở Yangon, nói lương tối thiểu hàng ngày phải tăng từ 3.600 kyat lên 5.600 kyat (4,21USD), chứ mức lương cũ do chính phủ ấn định năm 2015 khiến họ không thể sống.

Giới chủ lao động muốn hạn chế mức lương ở 4.000 kyat, và sau thương lượng, hai bên thỏa thuận 4.800 kyat.

Giới nhân công Indonesia đòi tăng lương tối thiểu - Ảnh: AP

Vấn đề là các nền kinh tế Đông Nam Á có thể chịu nổi tác động phụ?

Theo trang Nikkei Asian Review, việc tăng lương tối thiểu vượt quá tỉ lệ lạm phát. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận giá tiêu dùng tăng 3,5% ở Campuchia, 3,9% ở Indonesia, 2,9% ở Malaysia, 6,1% ở Myanmar và 4% ở Việt Nam.

Báo cáo gần đây của công ty tư vấn Korn Ferry Hay Group dự báo lương tăng có kiểm soát khoảng 2,8% ở châu Á trong năm 2018, cao hơn các vùng khác và gần gấp đôi mức lương trung bình của toàn cầu ở mức 1,5%.

Tăng lương tối thiểu có thể có đạt những kết quả kinh tế tích cực, ví dụ kích cầu tiêu dùng. Nhưng Đông Nam Á có thể mất sức hấp dẫn của một cơ sở sản xuất thay thế. Trong những năm 2000, vài tập đoàn đa quốc gia chuyển xí nghiệp, nhà máy từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, để tránh sức ép phải tăng lương cho nhân công.

Tại Campuchia, có sự lo ngại thật sự về tương lai của ngành dệt may, theo ông Monika Kaing, Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Campuchia (GMAC).

Ông kêu gọi tất cả các bên phải kéo giảm tác động của việc tăng chi phí lao động: “Trong khi các nhà sản xuất phải tăng sản xuất và tăng tính hiệu quả, chính phủ nên có các chính sách giảm chi phí dịch vụ công chính thức và không chính thức”.

Nếu không thì sớm hay muộn, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một lựa chọn: hoạt động hiệu quả hơn, hoặc phải bỏ cuộc. Ông Myint Soe, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Myanmar, nói: “Chúng tôi cần thấy cái giá của mức lương tối thiểu mới, và tìm ra cách tồn tại, ví dụ phải giảm giờ làm thêm và giảm số nhân công không có tay nghề”.

Nguy cơ các công ty tầm thế giới “chạy làng”

Các nhà sản xuất tầm thế giới đang phản ứng với sức ép phải tăng lương tối thiểu, bằng cách tự động hóa khâu sản xuất. Ví dụ Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản) có nhiều nhà máy ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác, đã chứng kiến chi phí lao động mỗi đầu người tăng 10% /năm ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Người phát ngôn công ty nói: “Chúng tôi sẽ bị lỗ, nếu không giải quyết vấn đề này”.

Ông Yoshio Morishita, một quan chức của Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật) nói các xí nghiệp lắp ráp xe hơi ở Thái Lan và Indonesia cũng tìm đến người máy để sản xuất tự động. Ông cũng lưu ý các công ty dệt may nước ngoài sẽ có thể chuyển nơi sản xuất đến các nước có chi phí lao động thấp hơn, và khâu sản xuất từng chuyển từ Trung Quốc qua Đông Nam Á sẽ chuyển sang Nam Á hoặc châu Phi.

Ông Morishita con nói: các hãng xe và dụng cụ điện tử gia đình “không thích chuyển đi khi họ có dây chuyền sản xuất ổn định ở Đông Nam Á”.

Việc tăng lương tối thiểu còn có thể kích hoạt một dạng phản ứng khác: chuyển khâu sản xuất đến các thị trường đã phát triển. Năm 2017, hãng xe Honda đem dây chuyền sản xuất xe gắn máy Suber Cub từ Trung Quốc về lại Nhật, 5 năm sau khi Trung Quốc tăng lương tối thiểu và thu hẹp chi phí lao động.

Các nước chạy theo chuyện tăng lương tối thiểu-mà không cải thiện điều kiện hoạt động-cũng có nguy cơ “tự bắn vào chân”. Kịch bản này đã xảy ra ở Campuchia, nơi mà các nhà sản xuất tầm thế giới đang thất vọng với chính quyền địa phương.

Giáo sư Manabu Fujimura của đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo (Nhật) nói về cảm giác của giới lãnh đạo Nhật làm ăn ở Campuchia: “Chúng tôi ngã đổ vì những lời lẽ ngọt ngào của phía Campuchia”.

Các nhà sản xuất dệt may và sản xuất công nghiệp nhẹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc hồi năm 2010 đã đổ xô đến Campuchia, từ lời hứa chi phí cho mỗi nhân công dưới 100 USD/tháng. Nay, lương tối thiểu tăng quá mức này, vài công ty đang lưỡng lự đầu tư.

Campuchia và các nền kinh tế đang nổi đều có cơ hội lớn để tăng tốc phát triển, nắm lấy công nghệ và đầu tư từ các nền công nghiệp chú trọng nguồn lao động. Nhưng nếu các công ty chuyển đi nơi khác, không để lại vốn liếng gì, thì kịch bản hứa tăng lương tối thiểu để thu hút cử tri sẽ tan theo mây khói. Giáo sư Fujimura cảnh báo: “Chủ nghĩa dân túy sẽ giết chết nền kinh tế”.

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ lao động ở Đông Nam Á e ngại phải tăng lương tối thiểu