Tại sao người Viking đến châu Mỹ trước nhưng Columbus lại được ghi nhận công lao? Liệu đây là một thành quả hàng hải vĩ đại hay là hệ quả không lường trước của một âm mưu tìm đường đi sang Ấn Độ?

Christopher Columbus khám phá châu Mỹ là thành quả từ một âm mưu?

Anh Tú (lược dịch) | 09/12/2021, 13:24

Tại sao người Viking đến châu Mỹ trước nhưng Columbus lại được ghi nhận công lao? Liệu đây là một thành quả hàng hải vĩ đại hay là hệ quả không lường trước của một âm mưu tìm đường đi sang Ấn Độ?

Christopher Columbus là nhà thám hiểm vĩ đại nhất thế giới, điều này thì ai cũng biết. Tên tuổi của Columbus gắn liền với việc người châu Âu phát hiện ra châu Mỹ cách đây hơn 500 năm. Nhưng theo Headtopics, không phải Columbus mà chính người Viking đã vượt Đại Tây Dương và đến lục địa này đầu tiên. Kiến thức về Bắc Mỹ đã được giới hàng hải châu Âu biết trước Columbus. Và điều này củng cố thêm một nghi án lịch sử.

Trước hết, cần phải kể bối cảnh lịch sử ở châu Âu thời điểm trước khi Columbus giong thuyền ra Đại Tây Dương. Thời đó, vua Henry đệ tứ của Tây Ban Nha - được biết đến với biệt danh "Kẻ bất lực" vì sự yếu đuối của mình, cả trên ngai vàng và cả ​​trong phòng tân hôn - qua đời vào năm 1474.

juana.jpg
Người thừa kế hợp pháp của Henry là Juana de Trastámara mới 13 tuổi

Sau khi Henry đệ tứ qua đời đã diễn ra một cuộc chiến tranh giành ngôi kế vị bất phân thắng bại kéo dài. Một bên là Juana de Trastámara mới 13 tuổi, là phe ủng hộ người thừa kế hợp pháp của Henry. Phe còn lại là do Công chúa xứ Castile, Isabel và chồng bà là Ferdinand – quý tộc xứ Aragon lãnh đạo. Bồ Đào Nha, đối thủ nhỏ hơn nhiều của Tây Ban Nha về tự nhiên, trong nhiều thế kỷ, chọn đứng về phía những người trung thành với dòng dõi chính thống của vua Henry.

hiepuoc.jpg
Hiệp ước Alcacovas/Toledo

Cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1480, với Hiệp ước Alcáçovas / Toledo. Theo đó, Bồ Đào Nha rút lui sự ủng hộ dành cho Juana; đổi lại, Isabel và Fernando hứa sẽ không xâm phạm các tuyến đường thương mại phía Đại Tây Dương mà Bồ Đào Nha từ lâu muốn độc quyền khai thác. Để có được tuyến giao thương trên biển như thế, Bồ Đào Nha khi ấy đã dày công thu thập về rất nhiều thứ như hướng gió, thủy lưu, địa hình… liên quan đến các khu vực Đại Tây Dương. Có thể nói người Bồ Đào Nha đã tiến xa trong khoa học địa lý và hàng hải liên quan đến Đại Tây Dương.

Thế nhưng, sau khi có được giang sơn Tây Ban Nha, phe Isabel và Fernando không giữ lời lâu vì tuyến hàng hải này quá béo bở. Tây Ban Nha ngay lập tức bắt đầu vi phạm Hiệp ước Alcáçovas. Việc buôn bán vàng của Bồ Đào Nha với Ghana quá hấp dẫn khiến người Tây Ban Nha cũng bị mê hoặc.

joao-ii.jpg
Vua John đệ nhị của Bồ Đào Nha

Trong khi đó, Bồ Đào Nha lại bắt đầu có chuyện. Vua John đệ nhị lên ngôi Bồ Đào Nha vào năm 1481, đảo ngược chính sách của vua cha. Tiên vương Bồ Đào Nha là một nhà cai trị yếu ớt khi đã trao quá nhiều đặc quyền cho giới quý tộc.

Bị thu hồi quyền lợi, nhiều quý tộc nổi dậy ở Bồ Đào Nha nhưng John đệ nhị là một nhà ngoại giao khôn ngoan. Vua John đệ nhị đã kịp liên minh với các lực lượng ngoại bang và cả các dòng tu trên khắp châu Âu để đối phó. Cùng với một mạng lưới gián điệp rộng khắp, John đệ nhị đã giăng ra một cái bẫy để tóm gọn và xử tử thủ lĩnh nhóm nổi loạn..

Về phía Tây Ban Nha, lúc này do nữ hoàng Isabel trị vì. Sau khi trở mặt hủy bỏ Hiệp ước Alcáçovas, bà này quay sang ủng hộ những kẻ phản bội ở Bồ Đào Nha. Do vậy, khi âm mưu nổi dậy bị bại lộ, nhiều kẻ trong giới quý tộc Bồ Đào Nha đã chạy sang Tây Ban Nha xin tị nạn và xây dựng cơ sở kháng chiến chống lại John đệ nhị của Bồ Đào Nha. Nổi bật trong số những người đào tẩu là hai cháu trai bên nhà vợ của Christopher Columbus và đẩy nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta vào cảnh đời phiêu bạt.

columbus.jpg
Christopher Columbus khám phá châu Mỹ là thành quả từ một âm mưu?

Columbus ngoài việc là một trong những thủy thủ Bồ Đào Nha dày dạn kinh nghiệm nhất, trên thực tế, còn là một tay chân thân tín bí mật của John đệ nhị. Việc Columbus theo chân các quý tộc chạy sang Tây Ban Nha có vẻ là một âm mưu. Sau khi sang Tây Ban Nha tị nạn, Columbus đã có 3 cuộc gặp bí mật với John đệ nhị. Riêng lần thứ hai vào năm 1488 được cho là bàn bạc liên quan đến một bí mật hàng hải: tìm cách đi vòng qua Mũi Hảo vọng ở cực nam châu Phi để thiết lập con đường hàng hải ngắn nhất đến Ấn Độ.

Lập tuyến đường biển đến Ấn Độ khi đó thực sự mở ra một lối đi kỳ diệu vì ngả đường bộ khi ấy coi như bị tắc khi châu Âu đang thánh chiến dữ dội với người Hồi giáo tại Trung Đông. Nếu khơi thông đường biển đến Ấn Độ thì Bồ Đào Nha độc quyền nhiều việc kinh doanh tại châu Âu nhưng ý định này cần phải giữ bí mật tuyệt đối.

Người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên thực hiện các cuộc thám hiểm tìm kiếm Xích đạo. Vào khoảng năm 1470, họ khám phá ra quần đảo São Tomé và Príncipe nằm ở vịnh Guinea, tức là chỗ lõm nhất của châu Phi nếu nhìn lên bản đồ. Đến năm 1485, các kỹ thuật viên chuyên nghiệp người Bồ Đào Nha đã chế tạo ra các biểu đồ và bảng - dựa trên độ cao của mặt trời ở Xích đạo - cho phép các nhà hàng hải xác định vị trí của họ vào ban ngày. Trong khi vua John đệ nhị luôn cập nhật cho Columbus tất cả những phát triển tiên tiến trong khoa học hàng hải thì vị vua cáo già này cũng tung các thông tin sai lệch cho những nơi khác nghe lỏm.

Các gián điệp của John đệ nhị đã dành nhiều năm để truy lùng những kẻ phản bội nhất trên khắp Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Ấy vậy mà họ chẳng hề động đến sợi lông chân của Columbus và điều đó cho thấy ông không thuộc danh sách những kẻ phản bội bị truy lùng, bởi ông chính là tay trong của vua Bồ Đào Nha. Cả Columbus và cháu trai của ông, Don Lopo de Albuquerque (Bá tước Penamacor) đều chạy trốn khỏi Bồ Đào Nha cùng một lúc, ẩn náu tại triều đình Isabel dưới danh tính giả, và cổ súy cho các cuộc tấn công vào tuyến hàng hải tại Đại Tây Dương vốn là độc quyền của Bồ Đào Nha. Trong khi Lopo bị truy đuổi gắt gao, cuối cùng bị ám sát tại Seville thì ngược lại, Columbus trong suốt 8 năm cư trú ở Tây Ban Nha, thậm chí dừng lại ở Bồ Đào Nha trong ba trong bốn chuyến đi của mình chẳng hề bị làm sao.

Vậy tại sao Columbus lại giúp Tây Ban Nha khám phá ra châu Mỹ chứ không phải là giúp Bồ Đào Nha của vua John đệ nhị anh minh.

Một giả thuyết được đưa ra là Tây Ban Nha muốn dùng Columbus để đi khám phá ra con đường hàng hải thông thương với Ấn Độ. Điều này có vẻ hợp lý hơn là tài trợ cho một chuyến đi tốn kém giương buồm ra đại dương tìm một mục tiêu không rõ ràng.

viking.jpg
Người Viking đã đến châu Mỹ trước

Các nhà sử học ngày nay hầu như tin rằng Columbus không phải là người châu Âu đầu tiên đến châu Mỹ, tức là có những người trước đã tới nhưng họ không ý thức được đó là một miền đất mới đáng lưu tâm. Đồng thời, những câu chuyện rằng Columbus đã phát minh ra ý tưởng đi thuyền về phía tây để tìm miền đất mới chỉ là kể cho vui vì như đã nói không ai tài trợ cho chuyến đi tốn kém vô bổ như vậy. Ngay cả chuyện Columbus vui mừng vì tưởng rằng mình đã cập bến Ấn Độ cũng là chuyện không đáng tin cậy.

Các nghiên cứu mới cho thấy không chỉ người Viking mà đến người Bồ Đào Nha cũng thật sự đã đến châu Mỹ trước Columbus và họ giong thuyền chạy dọc bờ biển từ Canada đến Argentina. Họ nhận thấy rằng ở đây giống như vùng đất chết, không có thương cảng nào xuất hiện, không sẵn hàng hóa và do đó không có tiềm năng khai thác thương mại nào ở đó để so sánh với Ấn Độ.

Với thói quen dùng gián điệp, vua John đệ nhị cho giữ bí mật này và cài bẫy người Tây Ban Nha. Vua Bồ Đào Nha dùng Columbus làm mồi nhử để dẫn cả đoàn thuyền Tây Ban Nha thay vì đi xuống phía nam tìm đường vòng qua mũi Hảo vọng hướng về Ấn Độ thì lại giong thuyền sang phía Tây và cập bến châu Mỹ.

Việc lập kế hoạch phi thường này kể thì ngắn nhưng đó là cả 7 năm thuyết phục những người hoài nghi rằng chuyến đi là có thể thực hiện được. Việc trang bị một hạm đội và chất hàng hóa cho buôn bán được tiến hành chu đáo khi Bồ Đào Nha chuẩn bị sẵn cả quế để Columbus làm bằng chứng với triều đình Tây Ban Nha rằng mình đã đến Ấn Độ.

qua-dia-cau-martin-behaim.jpg
Quả địa cầu của Behaim

Trong một nhiệm vụ bí mật khác, Martin Behaim, một hiệp sĩ Đền Thánh của Hội dòng Chúa Kitô Bồ Đào Nha, còn chế tạo một quả địa cầu dựa trên lý thuyết của Toscanelli rằng Đông Á nằm ngay bên kia… Đại Tây Dương. Quả địa cầu này giờ vẫn tồn tại. Những người Bồ Đào Nha tị nạn cũng "đánh hơi" được âm mưu đó đã cảnh báo chính triều đình Tây Ban Nha rằng họ đang bị vua John đệ nhị lừa dối. Tuy nhiên, họ không đủ tiếng nói để lật mặt âm mưu này.

Mưu đồ của vua Bồ Đào Nha thành công khi Tây Ban Nha tốn một số tiền lớn để đưa hạm đội ra khơi mà không tìm thấy Ấn Độ nào hết. Tuy nhiên, Tây Ban Nha lại ăn đậm khi phát hiện ra châu Mỹ và khai thác những lợi ích kinh tế to lớn mà người Bồ Đào Nha đã bỏ qua.

Theo thông tin từ The Portuguese Columbus: Secret Agent of King John II của Maxcarenhas Barreto, Reginald A Brown. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Christopher Columbus khám phá châu Mỹ là thành quả từ một âm mưu?