Nghiên cứu về những kiến trúc sư sáng tạo đã chỉ ra rằng những người chỉ biết đến bản thân mình thường rất tự tin rằng họ có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo, vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống.

Cho và nhận – Có phải muốn sáng tạo thì phải sống đơn độc?

08/09/2020, 16:46

Nghiên cứu về những kiến trúc sư sáng tạo đã chỉ ra rằng những người chỉ biết đến bản thân mình thường rất tự tin rằng họ có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo, vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống.

Có lẽ Frank Lloyd Wright xứng đáng được tôn vinh là bộ óc sáng tạo nhất thế kỷ 20. Năm 1991, Wright được Học viện Kiến trúc Hoa Kỳ bình chọn là kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của đất nước này. Sự nghiệp của ông là một bộ sưu tập đồ sộ những thiết kế kiến trúc phi thường như công trình Fallingwater gần thành phố Pittsburgh, Bảo tàng Guggenheim và hơn 1.000 công trình khác. Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 70 năm của mình, trung bình mỗi thập kỷ ông đã hoàn thành hơn 140 bản thiết kế và 70 công trình xây dựng.

Từ kiến trúc sư sáng tạo nhất thế kỷ thành gã thất nghiệp

Tuy vậy, giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của Wright chính xác là vào 25 năm đầu thế kỷ 20; đến năm 1924, thời kỳ sa sút của ông bắt đầu và kéo dài suốt chín năm sau đó. Nhà viết tiểu sử Brenda Gill tiết lộ: “Đến năm 1932, kiến trúc sư lừng danh Frank Lloyd Wright chỉ còn là một gã thất nghiệp. Khoản tiền đáng kể cuối cùng mà ông nhận được là từ việc thiết kế nhà cho một người anh em họ năm 1929. Sau đó, Wright chìm ngập trong nợ nần, đến mức phải chật vật tính toán đến từng xu mua đồ ăn trong khoản tiền dự phòng cho trường hợp khẩn cấp”. Vậy điều gì đã khiến kiến trúc sư vĩ đại nhất nước Mỹ lâm vào cảnh khốn cùng như vậy?

Cách thức giao tiếp với những người xung quanh cho thấy Wright là một người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình. Các chuyên gia tin rằng khi còn là một kiến trúc sư tập sự, Wright đã thiết kế cho ít nhất là chín công trình nhà ở được xây dựng trái phép, qua đó vi phạm điều khoản “cấm làm việc riêng rẽ” đã ký trong hợp đồng lao động. Rồi để che giấu hành động sai trái này, Wright thuyết phục được một cộng sự đảm nhận việc lập bản vẽ kỹ thuật ký phê duyệt lên bản thiết kế thay mình.

Thậm chí, Wright từng thuê John, con trai mình, hỗ trợ một số dự án cho ông và đã hứa trả lương cho anh ta; nhưng khi John yêu cầu trả tiền thì Wright đã gửi lại cho anh một hóa đơn kê khai chi tiết những khoản chi phí mà ông ta đã chi ra cho anh kể từ lúc anh chào đời cho đến thời điểm xảy ra câu chuyện.

Trong quá trình thiết kế công trình nổi tiếng Fallingwater, Wright đã gần như biến mất suốt nhiều tháng. Đến tận lúc khách hàng Edgar Kaufmann phải gọi điện, thông báo rằng ông ta đang phải lái xe suốt gần 225 km đường để gặp cho bằng được viên kiến trúc sư để hỏi về tiến độ công việc thì được Wright trả lời rằng công việc đã hoàn thành. Nhưng thực tế là khi Kaufmann đến nơi, Wright thậm chí còn chưa có được một bản vẽ nào chứ đừng nói gì đến ngôi nhà.

Và chỉ trong vài giờ đồng hồ, ngay trước mặt Kaufmann, Wright đã hoàn thành bản vẽ chi tiết – một sản phẩm trái ngược với yêu cầu khách hàng. Kaufmann khi đó cần một căn nhà thôn quê để nghỉ dưỡng cuối tuần tại địa điểm dã ngoại yêu thích của gia đình mình, nơi mà họ có thể ngắm nhìn thác nước. Vậy mà Wright lại nghĩ theo một hướng hoàn toàn khác: ông đã phác họa và đặt ngôi nhà trên một phiến đá lớn ở đỉnh ngọn thác, “dời” công trình lên một vị trí rất cao. Wright đã thuyết phục Kaufmann đồng ý với phương án trên, rồi còn bắt khách hàng trả đến 135.000 đô-la phí tư vấn thiết kế, cao gấp ba lần mức 35.000 đô-la được thỏa thuận ban đầu.

Nếu thực sự biết nghĩ cho người khác, ông ta sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái khi biến tấu thiết kế công trình để ra một sản phẩm khác hoàn toàn mong muốn ban đầu của khách hàng. Nếu là một người hành nghề có đạo đức, ông ta đã không ra sức thuyết phục khách hàng chấp nhận và cuối cùng đòi hỏi một mức giá cắt cổ như vậy. Đây hoàn toàn là cách tư duy và hành động của người chỉ biết đến lợi ích của bản thân.

Nhờ cách hành xử vị kỷ, Wright có được một món hời từ bản thiết kế Fallingwater. Nhưng rồi cũng chính nó đã đẩy ông vào giai đoạn chín năm đen tối nhất của sự nghiệp mình. Năm 1911, Wright thiết kế khu biệt thự Taliesin nằm cách biệt trong thung lũng Wisconsin. Tin tưởng rằng dù chỉ có một mình nhưng vẫn có thể làm tốt, Wright chuyển tới vùng đất này sống nhưng hóa ra đó lại là sự phung phí thời gian.

Trong suốt hai thập kỷ trước đó, Wright đã sống ở Chicago và Oak Park, bang Illinois, nơi ông có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của những người thợ thủ công và thợ điêu khắc lành nghề ở đây. Còn ở Taliesin, Wright chỉ có một thân một mình, không quen biết và thiếu sự hỗ trợ của những cộng sự.

Bảo tàng Guggenheim của nhà thiết kế Frank Lloyd Wright

Thành công của Wright không giúp ích gì cho những kiến trúc sư khác

Và thời kỳ cạn kiệt ý tưởng suốt chín năm này cuối cùng cũng chấm dứt khi Wright từ bỏ lối sống độc lập và quay lại làm việc tương hỗ với những người học việc và các cộng sự tài năng. Thực chất đó không phải là mong muốn của Wright, mà là của vợ ông, bà Olgivanna. Bà đã cố thuyết phục chồng mình tuyển một nhóm người học việc có thể hỗ trợ cho công việc của ông ta. Từ khi có được đội ngũ trợ giúp vào năm 1932, công việc của Wright bắt đầu khởi sắc trở lại, thúc đẩy ông ta nhanh chóng thực hiện Fallingwater.

Wright đã duy trì mô hình hợp tác với các cộng sự trong 25 năm, nhưng rồi ông ta bắt đầu vật lộn để đánh giá sao cho đúng mức độ phụ thuộc của mình vào những người học việc. Tiếp sau đó, ông ta từ chối trả tiền, bắt họ phải làm việc nhà như nấu ăn, lau dọn xen lẫn việc đi khảo sát thực tế. Edgar Tafel, một cộng sự từng làm việc cho Wright trong dự án Fallingwater nhận xét: “Wright là một kiến trúc sư vĩ đại, nhưng ông ấy vẫn cần những người như chúng tôi thì mới có thể hoàn thành công việc thiết kế của mình. Tiếc là bạn sẽ chẳng bao giờ nói cho ông ta hiểu điều đó được”.

Câu chuyện của Wright đã chỉ ra rõ một vấn đề nan giải về mặt nhận thức. Đó là con người chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là tự động quy chụp sự thành công cuối cùng cho một cá nhân cụ thể, trong khi thực ra chính sự hợp tác, sự tổng hòa các nguồn lực mới là nền tảng vững chắc cho những thành quả vĩ đại. Và không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực sáng tạo, ngay cả với các công việc mang tính độc lập cao và cần vận dụng nhiều sức mạnh của chất xám, kết quả thành công cũng phụ thuộc vào sự hợp tác với những người xung quanh nhiều hơn mức chúng ta hằng tưởng.

Không nghi ngờ gì, Wright là một thiên tài, nhưng ông ta không phải là người làm nên sự thiên tài. Thành công của Wright không giúp ích gì cho những kiến trúc sư khác mà ngược lại, nó gây ra sự thất bại cho họ. Khi cần trao đổi với những người cộng sự, con trai Wright sẽ đảm nhận việc này bởi bản thân ông ta không bao giờ “chịu đứng sau người khác và cũng không hỗ trợ họ”. Thậm chí, những hành động tính toán chi li vì lợi ích cá nhân và cái tôi của Wright đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho chính bản thân ông ta.

Nhiều khách hàng sau một vài lần cộng tác đã chuyển sang thuê mướn các cộng sự của Wright hơn là chính nhà kiến trúc sư tài năng này. Rất nhiều người tập sự tài năng và có kinh nghiệm đã rời khỏi Wright vì cho rằng ông ta đã bóc lột và đánh cắp thành quả lao động của họ. Và nhờ vậy, “một số cộng sự của Wright đã gặt hái được những thành công đáng kể sau khi tách ra làm riêng”.

Theo Cho và nhận

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho và nhận – Có phải muốn sáng tạo thì phải sống đơn độc?