Ông Vũ Thống Nhất, người có nhiều bài nghiên cứu về văn hóa và chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Tại nhiều nước Đông Nam Á hiện nay chợ nổi được bảo tồn, phát triển rất tốt. Chủ yếu họ làm để phục vụ khách du lịch”.

Chợ nổi - Bài 3: Chợ nổi ở các nước Đông Nam Á

Văn Kim Khanh | 14/06/2023, 16:10

Ông Vũ Thống Nhất, người có nhiều bài nghiên cứu về văn hóa và chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Tại nhiều nước Đông Nam Á hiện nay chợ nổi được bảo tồn, phát triển rất tốt. Chủ yếu họ làm để phục vụ khách du lịch”.

cho-noi-damnoen-saduak-thai-lan.jpg
Chợ nổi Damnoen Saduak ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Vũ Thống Nhất, đến chợ nổi Thái Lan mới thấy họ đi hơn mình rất xa. Họ quy hoạch và bảo tồn chợ nổi rất chuyên nghiệp để phục vụ du lịch. Đây có thể coi là kinh nghiệm cho việc bảo tồn và phát triển chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ. Cách nay 6 năm, khi đi du lịch Thái Lan, 3 cha con tôi phải chi ra 300 USD để tham quan chợ nổi của Thái. Các chợ nổi khác của Thái cũng thế, du khách đến cũng phải mua vé, đi thuyền, để cảm nhận về chợ nổi, ăn uống những món ngon và mua sắm từ chợ nổi.

ĐBSCL trước đây có gần 10 chợ nổi với quy mô khác nhau, trong đó có  những chợ rất nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Ngã Năm... Nhưng hiện nay nhiều chợ nổi của vùng này đang mai một và có chợ dần biến mất như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Ngã Bảy...

Theo Wikipedia, Thái Lan có 10 chợ nổi, trong đó có 8 chợ nổi nổi tiếng. Tiêu biểu nhất là chợ nổi Damnoen Saduak. Chợ nổi Damnoen Saduak là khu chợ sầm uất và đa dạng hàng hóa ở xứ sở chùa tháp. Từ chợ nổi này du khách có dịp khám phá nét đẹp văn hóa của cuộc sống người dân Thái Lan trên sông nước.

cho-noi-bang-khu-wiang-thai-lan.jpg
Chợ nổi Bang Khu Wiang ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Ở chợ này, các cửa hàng ven sông hay trên ghe thuyền đều có bán những sản vật, đồ ăn, thức uống phục vụ khách du lịch. Nhiều nơi bán hàng lưu niệm, đồ trang sức, nước hoa, mỹ phẩm... Không gian chợ nổi Damnoen Saduak rất thân thiện vì từ nhà hàng ven sông đến các ghe thuyền buôn bán hàng hóa chỉ cách nhau một bước chân. Không có bờ kè cao cách mực nước từ 3 - 4m như ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) hiện nay.

Chợ nổi Damnoen Saduak luôn tấp nập với các ghe hàng di chuyển qua lại. Không có bóng dáng ghe thương hồ. Ở đây có món đặc sản như Pad Thái, Som Tam, thịt gà nướng cho đến đồ ăn vặt như kem xoài, kem dừa đều được bày bán. Chợ hoạt động từ 6 giờ sáng với nhiều trái cây nhiệt đới. Ngoài ra có bán nhiều món ăn, trong đó món Som Tum làm từ cua xanh, tôm nướng, cá, ớt và gia vị nổi tiếng hơn cả. Các món ăn có mức giá dao động từ 50 - 150 baht (32.000 - 95.000 đồng), khá rẻ, hợp với túi tiền du khách bình dân.

Cao điểm của họp chợ lúc khoảng 8 giờ sáng. Du khách có thể đứng trên bờ và dùng sào để mua hàng. Mua hàng bằng sào được xem là một trong những trải nghiệm thú vị nhất tại khu chợ này.

Chợ Damnoen Saduak được xây dựng trên các kênh đào từ năm 1866 theo lệnh của Quốc vương Thái Lan. Từ năm 1967 chợ được chỉnh trang lại và đưa vào hoạt động cho đến ngày nay. Nơi đây trở thành điểm du lịch đặc biệt ở Thái. Trong chợ có đủ mọi hàng hóa từ nông sản, trái cây, hoa, hàng thủ công và cả dịch vụ massage Thái cổ truyền.

cho-noi-thai-lan-patayya-new.jpg
Chợ nổi Pattayya ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Tại Thái Lan còn có chợ nổi Pattaya. Chợ nằm ngay con sông cắt ngang đường Sukhumvit Pattaya. Chợ còn có tên khác là chợ nổi Bốn Miền, được chia thành 4 khu tượng trưng cho các miền Trung, Nam, Bắc và Đông Bắc của Thái Lan. Đây là một trong những khu chợ Thái Lan nổi tiếng nhất. Mỗi khu sẽ bày bán các loại sản vật và ẩm thực đặc trưng của từng vùng miền. Giá vé vào chợ là 200 baht (130.000 đồng). Đến chợ nổi Pattaya, bạn nhất định phải thưởng thức qua các món ăn đặc sản của người Thái như gỏi Thái, gỏi xoài, Tom Yum, xôi xoài. Thú vị hơn, du khách còn có thể thuê thuyền để đi vòng quanh chợ, với giá khoảng 300 baht (190.000 đồng) mỗi chuyến.

Đặc biệt, các chợ này khách đi thuyền trên sông không phải bị “cò” giành giựt mối và kê giá. Khi ăn những món ăn đặc sản cũng không bị cơi giá gấp đôi do phải chịu tiền shipper như ở chợ nổi Cái Răng.

in-do-8.jpg
Chợ nổi Lok Baintan ở Indonesia - Ảnh: Internet

Chợ nổi Lok Baintan ở Indonesia là điểm đến mới lạ của du khách. Đây là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất còn mang nhiều nét truyền thống đặc trưng tại thành phố Banjarmasin. Chợ nổi Lok Baintan còn được biết đến như một phần của văn hóa truyền thống, và là di sản của dân Banjar ở Kalimantan.

Những người bán hàng đa số là phụ nữ, họ dùng thuyền jukung, một loại thuyền gỗ nhỏ có máy chèo, không gắn động cơ. Khu chợ nổi này bắt đầu họp từ rạng sáng cho đến chiều tối, có khi đến tận đêm. Cả một khu vực sông ngập tràn màu sắc của trái cây chất đầy thuyền, màu của những trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc đi chợ. Cả những tiểu thương phần lớn lớn là nữ cũng mặc loại trang phục truyền thống này. Cũng có thuyền bán thịt, cá, hải sản, những món bánh truyền thống và cả quần áo. Ở đây có nhiều chiếc thuyền bán đồ ăn vặt để thưởng thức một vài món ăn đường phố của Indonesia, chẳng hạn thịt xiên nướng, bakso, súp thịt soto… hết sức ngon lành.

cn-cai-rang-mew.jpg
Chợ nổi Cái Răng ngày nào, nay chỉ còn trong ký ức - Ảnh: Internet

Ông Nhâm Hùng một người rất tâm huyết với chợ nổi và chuyện bảo tồn chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Tại Thái Lan các chợ nổi phần lớn là chợ tự tạo. Thế mà họ có đến gần 10 chợ nổi sung túc. Để duy trì chợ nổi phục vụ khách du lịch họ đã tìm các bảo tồn chợ nổi hoạt động. Và đến nay những chợ nổi tự tạo này sung và thành chợ thật”.

Vấn đề đặt ra là làm sao để chợ nổi miền Tây được bảo tồn và phát triển như các chợ nổi ở Thái Lan, Indonesia... Sắp tới ở miền Tây chợ nổi cũng có thể không có ghe thương hồ, hoặc chỉ còn tượng trưng. Người bán hàng là những cư dân địa phương sống bằng nghề bán hàng hóa trên thuyền, bán trái cây, bán nhưng món ăn đặc sản của miền Tây như tôm nướng, cá nướng, cà phê, hủ tíu, bún, phở tàu hủ, bánh lọt... Những dãy nhà gần mé sông xây dựng theo kiểu du lịch, thanh nhã bán hàng lưu niệm...

Phải làm sao để những người gắn bó với chợ nổi buôn bán và sống được. Những chợ nổi tự tạo này họ không xây dựng hoành tráng mà rất thân thiện với môi trường. Trên bến dưới thuyền, mặt nước sông cách mặt đất trên nhà ven sông khoảng 0,5m. Những khu chợ nổi không nên làm kè cao 3 - 4m như kè chợ nổi Cái Răng. Tôi nghĩ các tỉnh miền Tây có thể làm được, bảo tồn chợ nổi phục vụ du lịch nếu chúng ta nghiên cứu, học hỏi Thái Lan, Indonesia, và quan trọng nhất, là chính quyền có quyết tâm bảo tồn, duy trì chợ nổi.

z4420244433531_e55e961a0cfdd76ac352bcf578242c95.jpg
Chợ nổi Cái Răng hôm nay, kè cao, vắng vẻ - Ảnh: Văn Kim Khanh

"Tôi tin tưởng rằng, nếu chính quyền có định hướng, quy hoạch, đầu tư chợ nổi miền Tây thì chợ nổi có cơ hội được bảo tồn tốt, phục vụ tốt cho du lịch như ở Thái Lan, Indonesia", ông Nhâm Hùng khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ nổi - Bài 3: Chợ nổi ở các nước Đông Nam Á